Kiềm chế lạm phát: “Tôi hy vọng năm nay sẽ khác!”
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính - tiền tệ Quốc gia, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, với các biện pháp quyết liệt, Chính phủ vẫn có khả năng kéo mức tăng CPI năm 2011 xuống ngưỡng 7%.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chỉ tiêu tăng 7% của CPI thực chất được Quốc hội đưa ra từ năm ngoái, khi đó, mặt bằng giá còn khá thấp. Nhưng từ đầu năm 2011 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng, giá trong nước cũng tăng, đặc biệt khi Chính phủ điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu.
"Dù vậy, theo tôi, Chính phủ vẫn đặt quyết tâm là quyết liệt kéo mức tăng của CPI xuống 7% bằng các biện pháp, chí ít cũng trên 7% một chút, không thể để mức hai con số được", ông Nghĩa nói.
Nhưng như năm trước, Chính phủ cũng dùng nhiều biện pháp để kéo mức tăng của CPI xuống như mong muốn, nhưng rồi cũng có "kéo" được đâu?
Tôi hy vọng năm nay sẽ khác!
Vì, Nghị quyết 11 và chỉ đạo của Chính phủ tương đối tập trung hơn, và chúng ta cũng rút được kinh nghiệm từ năm trước. Thực ra, năm ngoái, nếu kiên trì thì ta sẽ giữ được CPI như mục tiêu đề ra. Trong khi đó, năm nay, Chính phủ còn quyết tâm hơn.
Điều đó được cụ thể hóa bằng việc đưa cung tiền xuống 16%, là mức thấp chưa từng có trong lịch sử. Đồng thời, Chính phủ cũng đưa mức tín dụng xuống 20%, và đây cũng là mức thấp chưa từng có.
Mặc dù, những điều trên đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên ta đưa ra các giải pháp tương đồng với lời khuyên của IMF.
Ý ông là, với những giải pháp rất quyết liệt của Nghị quyết 11, nếu thực hiện nghiêm và triệt để, ta có thể giữ được mức tăng CPI năm nay ở ngưỡng 7%?
Tất nhiên, khi lạm phát đang cao, kéo xuống ngay được là cũng khó, nhưng xu hướng giảm dần một hoặc hai năm tới ở mức 7 hoặc dưới 7% là tốt rồi.
Với các mức "giảm nhiệt" chưa từng có trong lịch sử như ông nói ở trên, có thể hiểu, chính sách tiền tệ sẽ là giải pháp then chốt để "khóa van" lạm phát lại?
Đúng. Lạm phát bị chi phối rất lớn bởi chính sách tiền tệ.
Tôi lấy ví dụ, giá đầu vào tăng như xăng dầu, điện, thậm chí kim loại đen, màu. Thường thì, giá đầu vào tăng thì các doanh nghiệp phải giảm sản lượng và vì giảm sản lượng nên giá lại tăng tiếp. Nhưng ngân hàng trung ương của các nước biết điều đấy nên người ta lại càng giảm cung tiền thì giá không tăng được. Đơn cử như giá xăng dầu tăng từ 40 - 50 USD/ thùng lên 100 USD/thùng, nhưng thế giới có chỗ nào tăng giá đâu. Tức lạm phát của thế giới vẫn rất thấp.
Nghĩa là giá đầu vào tăng chưa chắc đã làm giá cả tiêu dùng tăng theo?
Cái chính là ngân hàng trung ương có khống chế được lượng cung tiền hay không. Giá đầu vào tăng lên làm cho sản lượng giảm thì ngân hàng trung ương của các nước cũng giảm cung tiền tương ứng với sản lượng để cho mặt bằng giá cả không thay đổi.
Năm nay chúng ta đưa ra mức cung tiền rất thấp, theo tính toán của chúng tôi thì giá đầu vào của thế giới có thể tăng, nhưng với mức cung tiền thấp như vậy thì giá trong nước cũng khó tăng cao.
Vậy sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa có ý nghĩa gì đối với việc giảm lạm phát, thưa ông?
Quan trọng nhất là đừng làm cho chính sách tài khóa ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính sách tiền tệ.
Như năm ngoái, chúng ta đã "bành trướng" chính sách tài khóa rất mạnh, bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc, ngân hàng phát triển rất lớn. Điều đó là vì Chính phủ ngại do khủng hoảng, các doanh nghiệp không đầu tư, nên Chính phủ phải đẩy mạnh chi tiêu công. Nếu không thì làm gì có tăng trưởng? Tư duy đó là bình thường.
Tuy nhiên, năm nay, ngay từ đầu, Chính phủ đã rút đầu tư công xuống rất mạnh, đó là hành động quan trọng để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.
Thực tế, đầu tư công của ta chủ yếu bằng con đường trái phiếu chính phủ thông qua việc thu hút vốn từ ngân hàng, tức chỉ có ngân hàng mua trái phiếu chính phủ chứ người dân có ai mua đâu. Như vậy, vốn của ngân hàng đã bị hút ra khu vực công nhiều, còn khu vực vừa và nhỏ sẽ thiếu vốn và lãi suất như vậy sẽ tăng lên.
Vì thế, việc cắt giảm mạnh đầu tư công có tính cốt lõi, đồng thời Chính phủ cũng sẽ chấn chỉnh lại toàn bộ hiệu quả, kiểm tra, giám sát của khu vực công.
Còn một tiềm năng khác mà chúng ta có thể làm là giảm các thủ tục hành chính. Các nước khác đã giảm hết rồi, không còn tiềm năng này để giảm, nhưng mình vẫn còn quá nhiều để giảm. Bởi sự phức tạp về thủ tục hành chính cũng dẫn đến chi phí đầu tư công và đầu tư tư rất đắt.
Với việc giảm mạnh cung tiền và giá đầu vào tăng, tốc độ tăng trưởng năm nay có thể bị ảnh hưởng thế nào?
Tất nhiên khi đầu vào tăng thì phải nghĩ đến sản lượng sẽ phải giảm. Các doanh nghiệp sẽ hành động tiết kiệm chi phí bằng cách giảm sản lượng. Như vậy thì GDP cũng có thể giảm.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng cũng không thể giảm dưới 7%, cỡ chắc khoảng 7%, ban đầu mình đặt là 7,5%. Nếu phấn đấu tốt thì vẫn có cơ hội đạt được trên 7%.
Lấy ví dụ như sản lượng nông nghiệp tăng lên chẳng hạn. Bên cạnh đó, hai tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp cũng tăng khá mạnh, 14-15%, đó là mức tương đối cao. Theo tôi, cũng không phải dùng từ "hy sinh" cái nọ để có cái kia, miễn là kiên trì thực hiện Nghị quyết 11, thì lạm phát vẫn có thể giảm và vẫn duy trì mức tăng trưởng 7 và trên 7%. Nền tảng kinh tế của chúng ta không đến nỗi nào mà phải dùng hai chữ "hy sinh".
Mức cung tiền 16% và 20% về tín dụng là mức bình thường. Như Trung Quốc, người ta tăng trưởng 10% nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ là 17%. Hay Malaysia, tốc độ tăng trưởng 4% nhưng tốc độ tăng tín dụng chỉ có 7%... Vẫn đủ. Cái chính là việc sử dụng hiệu quả của đồng tiền đấy để tạo ra tăng trưởng.
Theo Minh Anh
VnEconomy