1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kiềm chế lạm phát có quá "sốc"?

Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc với mục tiêu kiềm chế lạm phát, thì dư luận đang hết sức quan tâm và đặt câu hỏi biện pháp đó có "quá liều" không và gây ra tác động vượt quá sự mong đợi?

Ngay từ đầu tuần này cho đến nay, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ đã có phản ứng tức thì, nhạy cảm tới biện pháp mạnh tay và cứng rắn của Ngân hàng Nhà nước, đó là thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, thị trường tiền tệ hết sức nóng.

Tuy nhiên chỉ số giá có giảm và thị trường bất động sản có nguội đi hay không thì còn phải chờ.

Đối với thị trường chứng khoán, liên tục trong 4 ngày qua cả Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) nối tiếp nhau liên tiếp đỏ sàn.

Trên thị trường OTC giá hàng loạt cổ phiếu chưa niêm yết cũng giảm thấp và giao dịch hết sức trầm lắng. Giá một số loại cổ phiếu ngân hàng thương mại cổ phần loại khá, thuộc nhóm cổ phiếu được coi là bue-chip, giảm xuống chỉ còn 31 - 40.000 đồng/cổ phần, giảm tới hơn 2/3; hay giảm tới 70% so với mức giá cách đây vừa tròn 1 năm.

Trên thị trường tiền tệ các ngân hàng thương mại liên tục bám đuổi nhau tăng lãi suất huy động vốn nội tệ. Ngày 20/2, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeaBank) công bố biểu lãi suất mới được coi như "một quả bom" dội vào cuộc chạy đua cạnh tranh tăng lãi suất trên thị trường hiện nay, với mức kỷ lục là 12%/năm.

Vậy tại sao biện pháp kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước lại bị coi là “quá liều”? Bởi vì chỉ trong 3 tuần đầu tháng 2/2008, các ngân hàng thương mại phải thực hiện một loạt quyết định bị coi là "gây sốc".

Để chủ động có đủ vốn mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc vào thời điểm 17/3/2008 thì ngay từ bây giờ các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường, bởi vì muốn có đủ 20.300 tỷ đồng mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước thì phải huy động ít nhất là 23.000 tỷ đồng vì phải nộp dự trữ bắt buộc 11%. 

Bên cạnh đó, từ đầu tháng 2/2008, các ngân hàng thương mại phải nộp thêm gần 10.000 tỷ đồng dự trữ bắt buộc. Ngoài ra các nhà đầu tư còn phải lo gần 10.000 tỷ đồng mua cổ phiếu IPO của Vietcombank. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, thử hỏi thị trường tiền tệ lấy đâu ra gần 50.000 tỷ đồng chui vào kho ngân hàng?

Nếu như hai biện pháp nói trên được kéo giãn ra trong 2-3 tháng thì tình hình đỡ căng thẳng hơn. Không chỉ như vậy, phải mua 20.300 tỷ đồng trái phiếu cùng một lúc, gấp từ 20 đến 40 lần so với mức 500 tỷ - 1.000 tỷ đồng tín phiếu trong các phiên đấu thầu thường kỳ.

Điều đặc biệt nữa, nếu như các loại tín phiếu trước đây được giao dịch trên thị trường mở với Ngân hàng Nhà nước để được vay tái cấp vốn thì quyết định lần này Ngân hàng Nhà nước nói rõ là không được vay tái cấp vốn. Do đó các ngân hàng thương mại khi thiếu hụt tạm thời thanh khoản không thể sử dụng tín phiếu mình đang sở hữu để vay tái cấp vốn ngắn hạn 1-2 tuần tại Ngân hàng Nhà nước.

Thực tế hiện nay một số ngân hàng đã hạn chế cho vay, tập trung thu nợ. Một số ngân hàng thương mại chỉ cho khách hàng truyền thống, cho dự án tốt vay vốn, còn không cho vay đối với khách hàng mới. Thậm chí có trường hợp chào lãi suất cho vay lên tới 2,0%/tháng.

Cũng do chính sách tiền tệ thắt chặt nên nguồn vốn ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam rất khó chuyển sang VND vì Ngân hàng Nhà nước không mua vào hay hạn chế mua vào, tỷ giá VND/USD liên tục xuống thấp. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng thiếu vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Do đó biện pháp thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát đã và đang làm cho thị trường chứng khoán sụt giảm chứ không phải "cứu thị trường chứng khoán" như mong đợi của các nhà điều hành chính sách.

Theo Nguyễn Hà
VnEconomy