Khung thuế môi trường với xăng dầu chưa lo bị nới lên 8.000 đồng/lít trong năm 2019
(Dân trí) - Đề xuất sửa luật, nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng trong đó có xăng dầu sẽ chưa được bàn trong năm 2019 như mong muốn trước đó của Chính phủ.
Tại tờ trình vừa gửi lên Quốc hội, Chính phủ xin rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là vấn đề mở rộng đối tượng chịu thuế có tác động xấu đến môi trường.
Chính phủ cũng cho biết, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2019, một số mặt hàng xăng, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut... đã được điều chỉnh lên mức trần trong khung thuế suất hiện hành. Dầu hoả, than đá, thuốc diệt cỏ... chưa điều chỉnh đến mức kịch khung thuế suất.
Do vậy, Chính phủ cho rằng cần có thời gian để các quy định mới "đi vào cuộc sống". Trên cơ sở này, cấp có thẩm quyền sẽ đánh giá cụ thể tác động của việc điều chỉnh khung thuế đối với định hướng sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy đề xuất sửa luật, nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng trong đó có xăng dầu sẽ chưa được bàn trong năm 2019 như mong muốn trước đó của Chính phủ.
Đề xuất này được đưa ra lần đầu vào năm 2017, theo đó, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính nhiều lần bảo lưu đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Hiện khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng đang là 1.000 - 4.000 đồng/lít.
Theo lý giải trước đó của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là để ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới; đồng thời, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định, trong bối cảnh hội nhập phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình đã cam kết, việc tăng khung thuế để đảm bảo lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn; tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới. Đồng thời, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường.
Đề xuất tăng khung thuế lên 3.000 - 8.000 đồng/lít này sau đó đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía giới chuyên gia và người tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, tăng thuế bảo vệ môi trường không chỉ đi ngược với các giải pháp kích cầu mà còn tạo ra sự bất bình đẳng cho nhóm thu nhập trung bình thấp và làm giảm sức tiêu thụ hàng nội địa.
Tại hội thảo mới đây, bà Đặng Thị Thu Hoài, Thư ký Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cảnh báo, việc tăng cái mức thuế có thể ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bà cũng tỏ ra lo lắng về xăng, dầu, mặt hàng ai cũng phải sử dụng, bao gồm cả người nghèo. Nếu tăng thuế, việc này theo bà có thể tác động tới việc phân phối thu nhập.
"Các nước phát triển, họ có điều kiện về kinh tế, có hệ thống phúc lợi xã hội hoàn thiện nên có điều kiện để áp dụng các chinh sách thuế dễ dàng hơn. Ta học hỏi kinh nghiệm thế giới nhưng cần soi vào thực tế Việt Nam," bà Hoài lên tiếng.
Còn bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì nêu quan điểm, trong tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thì thuế chỉ là một công cụ.
"Nếu chỉ chăm chăm vào chính sách thuế có được không hay phải kết hợp thêm chính sách nào nữa? Ngoài thuế, có thể cần thêm những chính sách khác như tín dụng xanh, để có sự liên kết", bà Tuệ Anh nói.
Phương Dung