1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ tái diễn khi Covid-19 bùng trở lại

Thùy Dung

(Dân trí) - Cựu giám đốc Cơ quan tiền tệ Hồng Kông Joseph Yam vừa đưa ra cảnh báo, các chương trình phát hành thêm tiền của những Ngân hàng Trung ương sẽ khiến người dân chi tiêu vượt quá khả năng của họ.

Điều này sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vượt mức tưởng tượng.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ tái diễn khi Covid-19 bùng trở lại - 1
Cựu giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Hồng Kông Joseph Yam Chi-kwong, trong một bức ảnh được chụp vào năm 2014, ông bày tỏ những lo ngại về việc thế giới sắp bước vào sự sụp đổ tài chính lần thứ 3. Ảnh: Nora Tam

Cựu giám đốc Cơ quan tiền tệ Hồng Kông Joseph Yam cho hay, thế giới đang đứng trước đỉnh điểm của sự suy thoái tài chính lần thứ ba trong suốt một phần tư thế kỷ do lượng tiền mặt mà ngân hàng Trung ương tung ra không đủ để ngăn chặn mức tiêu thụ bị sụt giảm bởi đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, việc in thêm tiền bởi các ngân hàng Trung ương có thể sẽ khiến cho mọi người chi tiêu vượt quá khả năng của họ.

Ông Yam đã nói trong một video được đăng trên YouTube bởi HKMA rằng: “Tôi sợ rằng cuộc khủng hoảng tài chính lần thứ ba có thể xảy ra. Đây là do sự xuất hiện của Covid-19 và sau đó mọi thứ phải dừng lại. Giờ đây, chúng ta không dễ gì có thể xử lý được những khó khăn này”.

Yam đã đưa ra đánh giá ảm đạm của mình về triển vọng của kinh tế thế giới trong một cuộc phỏng vấn qua video vào hôm thứ ba. Cuộc phỏng vấn trên đã diễn ra trong cùng ngày khi ông và các thành viên khác trong nội các Hồng Kông tổ chức một cuộc họp đặc biệt để thông báo quyết định cấm người dân ăn tại các nhà hàng bắt đầu từ thứ tư tuần này khi các ca nhiễm Covid-19 ở Hồng Kông đã chạm mốc 3.000 người.

Đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện vào tháng 1 năm nay và hiện đã lây nhiễm cho hơn 16 triệu người trên toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe bởi Covid-19, cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Hồng Kông sau khi Bắc Kinh đưa ra Luật An ninh Quốc gia đã khiến nhiều người lo lắng về sự ổn định của đồng nội tệ Hồng Kông HKD so với đồng USD.

Tuy nhiên ông Yam cho biết, ông hoàn toàn tin tưởng vào khả năng phục hồi của đồng HKD.

Theo ông Yam, ông thực sự lo lắng nhiều hơn về việc đồng USD giảm giá mạnh thay vì lo lắng cho đồng HKD.

Ông Yam cho biết về hai cuộc khủng hoảng tài chính thế giới trước đó vào năm 1997-1998 và năm 2008 là do những nguyên nhân khác nhau.

Theo ông, năm 1997 và 1998 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa tài chính. Sau đó, đến năm 2008, đó là một cuộc khủng hoảng của văn hóa tài chính.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 khiến cho ​​các loại tiền tệ Châu Á bao gồm cả Hồng Kông đều bị tấn công từ các nhà đầu cơ. Ông Yam khi đó với tư cách là giám đốc điều hành của HKMA, đã chi 118 tỷ HKD để mua cổ phiếu và hợp đồng tương lai để hỗ trợ thị trường vào tháng 8/1998 nhằm xua đuổi các nhà đầu cơ và bảo vệ tỷ giá đồng HKD.

Một thập kỷ sau, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 được kích hoạt bởi các sản phẩm cho vay thế chấp dưới chuẩn được bán bởi các ngân hàng hàng đầu phương Tây. Điều đó đã khiến cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed phải cắt giảm lãi suất về 0 và bơm tiền vào thị trường trong suốt 7 năm tiếp theo.

Và đến giờ đây, vào tháng 3 năm nay, Fed đã cắt giảm lãi suất xuống 0 thêm một lần nữa và tuyên bố sẽ giữ chúng ở đó cho đến năm 2022. Washington và nhiều chính phủ các quốc gia khác đã giới thiệu các chương trình nới lỏng tiền tệ của họ trong những tháng gần đây.

Lo sợ sẽ có thêm một cuộc khủng hoảng tài chính nữa, ông Yam đã đưa ra những cảnh báo và nói rằng: “Tôi ủng hộ việc chính phủ các nước thực hiện kỷ luật tài khóa và tiết kiệm thêm một chút thay vì chỉ chi tiêu vượt quá khả năng của bạn”.

Phát biểu trên được ông Yam nói trong một cuộc phỏng vấn qua video cho Học viện Tài chính Hồng Kông - đây là nơi được Hồng Kông thành lập vào tháng 6 năm ngoái để mời các nhà lãnh đạo kiệt xuất chia sẻ những hiểu biết của họ trong các lĩnh vực kinh tế tài chính.