Khủng hoảng “giấc mơ bay”
All Nippon Airways (ANA), Hãng hàng không Nhật Bản có số lượng máy bay Boeing 787 Dreamliner lớn nhất thế giới, vừa hủy bỏ 379 chuyến bay dự định cất cánh trong khoảng thời gian từ ngày 1-18/2.
Cùng với đó, các hãng hàng không ở Chile, Mỹ, Ấn Độ và Châu Âu cũng ngừng các chuyến bay với loại máy bay này.
Sự cố của Boeing 787 Dreamliner khiến Hãng hàng không Nhật Bản ANA phải hủy bỏ hàng trăm chuyến bay. |
Vậy là kể từ khi một trong những chiếc Dreamliner của hãng này phải hạ cánh khẩn cấp (16-1) vì những vấn đề ở hệ thống ắc quy, đến nay hầu hết các hãng hàng không trên toàn thế giới đã yêu cầu tạm ngưng sử dụng máy bay Boeing 787 Dreamliner cho tới khi sự cố liên quan tới các bộ pin trên máy bay được xử lý. Sự việc này làm gia tăng thêm cuộc khủng hoảng với hãng sản xuất Mỹ Boeing.
Từ khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011, Boeing 787 chưa từng gặp tai nạn nghiêm trọng nhưng đến nay đã có ba sự cố. Bắt đầu vào ngày 4-12 năm ngoái, chiếc Boeing 787 của United Airlines đã phải hạ cánh khẩn cấp tại New Orleans (Mỹ). Đến ngày 7-1 vừa qua, pin Li-ion cấp điện trên Boeing 787 của Japan Airlines đã bốc cháy sau chuyến bay từ Tokyo đến Boston và vào ngày 16-1, chiếc Boeing 787 của ANA cũng phải hạ cánh khẩn cấp tại miền Nam Nhật Bản khi khói bốc ra từ pin xộc vào cabin của phi hành đoàn. Mặc dù các sự cố của Boeing 787 Dreamliner chưa dẫn đến thương vong, nhưng đã gây quan ngại về an toàn của "ngôi nhà" bay đắt giá này.
Boeing 787 Dreamliner xuất hiện lần đầu trước công chúng năm 2011, chậm 3 năm so với dự kiến. Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing Mỹ sau đó đã tới tấp nhận được đơn đặt hàng mua mới khoảng 850 chiếc trên toàn thế giới. Hai hãng hàng không Nhật ANA và Japan Airlines nằm trong số những khách hàng lớn nhất. Mỗi chiếc Boeing 787 có giá hợp đồng năm 2007 là 207 triệu USD. Nhờ được thiết kế chủ yếu bằng nguyên liệu nhẹ composite-carbon thay cho nhôm và ắc quy lần đầu tiên dùng lithium-ion thay hóa chất và ống dẫn điện bên trong, nên thân của 787 nhẹ và ít hao nhiên liệu so với các mẫu máy bay khác cùng kích cỡ.
Boeing 787 được xem như một "cuộc cách mạng" của ngành công nghiệp hàng không toàn cầu, có thể đạt tốc độ bay hành trình tới 913km/giờ. Trước khi cấp phép hoạt động cho Boeing 787, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã thực hiện 200.000 giờ thử nghiệm và kết quả đạt được khá tốt. Tuy nhiên, những sự cố gần đây buộc FAA phải kiểm tra lại. Hiện giới chức an toàn hàng không Mỹ cho biết cuộc điều tra vẫn chưa có kết quả và hãng Boeing sẽ đối mặt với một giai đoạn khó khăn trong năm mới 2013, khi chiếc phi cơ hiện đại của hãng phải ngưng hoạt động cho đến lúc mọi sự cố được làm cho sáng tỏ.
Như vậy, sau hàng loạt những lo ngại liên quan tới Boeing 787 Dreamliner, rủi ro mà hãng Boeing đặt cược vào mẫu máy bay thế hệ mới này là rất lớn. Trong khi đó, Hãng hàng không Nhật Bản ANA, vốn đặt Boeing 787 Dreamliner ở vị trí trung tâm trong chiến lược tăng trưởng của hãng, có thể phải thu hẹp kế hoạch hai năm do Boeing 787 buộc phải "trùm mền" trong thời gian không xác định.
Theo Kim Phượng
Hà Nội mới