Khu vực tài chính Trung Quốc chuẩn bị cuộc "đại phẫu?"

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng, nền kinh tế nước này đang ở giai đoạn “quyết định” của công cuộc cải cách với tâm điểm là tái cấu trúc hệ thống tài chính.

Hội nghị toàn thể lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII (Hội nghị TW3 khóa XVIII) dự kiến diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh từ ngày 9-12/11, đang hứa hẹn những đổi thay mạnh mẽ.

 

Tháng 9/2013, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở thành phố cảng Đại Liên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng, nền kinh tế nước này đang ở giai đoạn “quyết định” của công cuộc cải cách với tâm điểm là tái cấu trúc hệ thống tài chính.

 

Toàn cảnh khu Waigaoqiao thuộc khu thương mại tự do tại thành phố Thượng Hải. (Ảnh: THX/TTXVN)
Toàn cảnh khu Waigaoqiao thuộc khu thương mại tự do tại thành phố Thượng Hải. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Hướng tới tự do hóa lãi suất

 

Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã công bố một cơ chế mới, cho phép các ngân hàng tự đặt ra mức lãi suất cơ bản. Động thái này được PBoC khẳng định là một bước đi nữa nhằm tiến tới tự do hóa lãi suất, trao cho thị trường quyền quyết định, trong bối cảnh cường quốc này đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững. Kể từ tháng Bảy vừa qua, PBoC đã cho phép các ngân hàng được ấn định lãi suất cho vay, tuy nhiên lãi suất tiền gửi vẫn do chính phủ quyết định.

 

Lãi suất trung bình ở Trung Quốc được tính toán trên cơ sở mức lãi suất mà 9 ngân hàng thương mại đưa ra và được công bố hàng ngày trên thị trường liên ngân hàng Trung Quốc. Và bước đầu, chỉ mức lãi suất kỳ hạn 1 năm được công bố.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 

Trấn an thị trường

 

Trong bối cảnh lãi suất ngắn hạn thời gian gần đây tại Trung Quốc lên cơn “sốt,” PBoC đã “vỗ về” thị trường rằng đây không phải là chỉ dấu của căn bệnh khan tiền mặt.

 

Theo một số nguồn tin thân cận, trong cuộc họp tuần trước giữa các quan chức của PBoC và các nhà giao dịch thuộc các tổ chức tài chính lớn, PBoC đã lên tiếng cảnh báo về hoạt động vay mượn quá đà có thể đẩy các ngân hàng vào tình thế nguy hiểm khi phải đối phó với nhu cầu bất ngờ về tiền mặt.

 

Từ tuần qua, lãi suất ngắn hạn của Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh, khiến các ngân hàng bị căng tiền mặt, trong khi PBoC liên tục từ chối bơm thêm tiền vào hệ thống. PBoC khẳng định với các nhà giao dịch rằng hệ thống tài chính Trung Quốc dư tiền mặt và ngân hàng này sẽ giữ lãi suất ngắn hạn năm nay ổn định.

 

Lãi suất leo thang sau khi có thống kê cho hay giá nhà đất bắt đầu ấm lên và sức ép lạm phát gia tăng - những nhân tố khiến một số chuyên gia kinh tế cho rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị thắt lại chính sách tiền tệ để hút bớt lượng tiền mặt ra khỏi hệ thống. Còn giới chức ngân hàng Trung Quốc cho rằng lãi suất tăng là do các tổ chức tài chính đã không liệu trước được tác động của đợt trả thuế sắp tới (làm gia tăng nhu cầu tiền mặt trên thị trường liên ngân hàng).

 

Nhưng lãi suất đã không quay lại mức thảm họa hồi tháng Sáu năm nay, sau khi PBoC trong sáng ngày 29/10 vừa qua đã quyết định bơm 13 tỷ NDT (khoảng 2,14 tỷ USD) vào thị trường. Lượng tiền này mặc dù không lớn, nhưng đã giúp cơn sốt lãi suất ổn định hơn. Đóng cửa phiên 29/10 vừa qua, lãi suất repo 7 ngày đứng ở mức 5,03%.

 

Một nhà giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở Thượng Hải nhận định: lượng tiền này đã có tác động tới tâm lý thị trường, khiến các nhà giao dịch yên lòng rằng chính quyền sẽ giang tay cứu trong trường hợp cần thiết.

 

Còn theo một nhà giao dịch tại một ngân hàng nhà nước có trụ sở ở Bắc Kinh, với đợt bơm tiền hôm 29/10, thị trường càng củng cố niềm tin rằng chính phủ sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ “trung lập” hiện nay, mặc dù PBoC sẽ vẫn trung thành với quan điểm ủng hộ thắt chặt quản lý tiền mặt.

 

Chuyên gia này dự báo lãi suất sẽ quay về mức bình thường vào tuần tới, khi nhu cầu tiền mặt cao ở thời điểm cuối tháng không còn nữa. Cụ thể, lãi suất repo 7 ngày có khả năng sẽ dao động trong biên độ 3-4%.

 

Cải cách ngân hàng - Chìa khóa giải phóng sức mua

 

Trong buổi trả lời phỏng vấn mới đây trên Bloomberg Businessweek, ông Randall Kroszner, từng là một thành viên của Ban điều hành Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2009 và hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Tổng hợp Chicago, cho biết tại Mỹ, hệ thống tài chính tiêu dùng đóng vai trò then chốt để xây dựng tốc độ tăng trưởng kinh tế ở thời kỳ hậu chiến.

 

Trở về từ chiến tranh, các binh sỹ muốn xây dựng cuộc sống mới và việc tạo điều kiện để họ tiếp cận với các khoản vay tiêu dùng và thế chấp là vô cùng quan trọng. Ngày nay tiêu dùng đóng góp tới 70% cho GDP của Mỹ, trong khi với kinh tế Trung Quốc con số này vào khoảng 50%.

 

Ông Kroszner khuyến nghị Trung Quốc cần: nới lỏng những hạn chế đối với lãi suất tiền gửi; tạo điều cho các đối tác mới tham gia cuộc chơi trên thị trường tài chính Trung Quốc; đa dạng hóa các loại hình tài chính tiêu dùng để "mở khóa" tiềm lực của tầng lớp trung lưu.

 

Theo ông Kroszner, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được tầm quan trọng của việc tái cân bằng kinh tế vĩ mô và xác định đây là mục tiêu lớn nhất. Nay là thời điểm họ phải định rõ đâu là những ưu tiên để đạt được mục tiêu này. Cải cách hệ thống tài chính phải là một ưu tiên lớn.

 

Ông Krosznert cho rằng để thành công trong việc tái cân bằng kinh tế, Bắc Kinh phải coi trọng cả cải cách tài chính tiêu dùng cũng như cải cách hạng mục đầu tư./.

 

Theo Hương Giang

TTXVN
 
Tỷ phú Buffett và những lời đồn quanh núi tiền mặt 40 tỷ USD