Không thua lỗ, kích cầu bằng việc hạ lãi suất
(Dân trí) - Nhận định của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động nhưng không ngân hàng nào làm ăn thua lỗ trong năm 2008. Gói kích cầu 1 tỷ USD nhiều khả năng dùng để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất.
Ngày 30/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổng kết công tác ngành ngân hàng năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của NHNN, tổng phương tiện thanh toán ngành ngân hàng năm 2008 tăng 16 - 17%; dư nợ tín dụng tăng 21 - 22% so với năm 2007; tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 5,4% và tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại tăng 8 - 9% so với cuối năm 2007.
Lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng giảm nhanh trong những tháng cuối năm, từ mức 23 - 24% xuống dưới 12,75%/năm và “đáy” lãi suất cho vay giữ ở mức 8,5%/năm.
Trong năm, vốn tín dụng đầu tư vào khu vực dân doanh tăng 35 - 37%; khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 12 - 14%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 35 - 37%; khu vực sản xuất tăng 43 - 46%; khu vực nông nghiệp và nông thôn tăng 30%; cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác tăng 40 - 42%.
Tới dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành ngân hàng đã đạt được, đồng thời nhấn mạnh đóng góp của ngành có ý nghĩa quyết định trong thành tựu chung của nền kinh tế.
Hoạt động hiệu quả của ngành ngân hàng thông qua thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt có ý nghĩa quyết định góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2008, sau khi Chính phủ ban hành 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, NHNN đã nhanh chóng điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ của ngành phù hợp với diễn biến mới của nền kinh tế, đạt một số chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng quan trọng.
Hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn đảm bảo an toàn và có bước phát triển. Cuối năm 2008, vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống tăng 30% so với năm 2007, tỷ lệ an toàn vốn tăng từ 8,9 - 9,7%, mạng lưới hoạt động được mở rộng và ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận với nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng.
Mặc dầu vậy, ngành ngân hàng vẫn vấp phải những nhược điểm như: Có thời điểm chưa dự báo lường trước hết diễn biến tiêu cực của thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; Công tác thống kê tiền tệ, tín dụng chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của NHNN; Việc chuyển từ phương pháp thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro còn chậm, không đủ và thiếu chính xác; Nguồn nhân lực thanh tra tại chỗ còn yếu, thiếu và các công cụ hỗ trợ còn nhiều bất cập; Việc nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng chưa được các tổ chức tín dụng chú trọng đầu tư đồng đều, chất lượng thấp, gây bức xúc cho người sử dụng, nhất là dịch vụ ATM…
Năm 2009 được đánh giá sẽ có nhiều khó khăn hơn, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng xác định trọng tâm hoạt động bám sát thực hiện 5 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng năm 2009, phải là lực lượng nòng cốt thực hiện chính sách tiền tệ, chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngân hàng bàn bạc cùng doanh nghiệp để giảm bớt lãi suất đối với các hợp đồng vay vốn lãi suất cố định trước đây.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ có chủ trương dùng gói kích cầu 1 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất. Gói kích cầu 1 tỷ USD sẽ được Chính phủ hướng tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự kiến hỗ trợ 4% lãi suất. Với vai trò đầu tàu của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu NHNN nên có kế hoạch ngay để sẵn sàng đưa vốn vào nền kinh tế.
Về vấn đề này, theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, chương trình cụ thể sẽ được Chính phủ công bố vào tháng 1/2009. Dự tính cho thấy, khi gói kích cầu 1 tỷ USD có hiệu lực thực hiện sẽ có khoảng 420.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cung cấp cho nền kinh tế (tương đương 1/3 tổng dư nợ toàn hệ thống năm 2009); tương tự, nếu hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp, nguồn vốn cần huy động có thể lên đến 400.000 tỷ đồng.
An Hạ