Không thả nổi lãi suất tiền gửi Việt Nam đồng

(Dân trí) - Trong năm 2013, NHNN tiếp tục áp dụng trần lãi suất tiền gửi bằng VND để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, nhưng sẽ xem xét bỏ trần lãi suất huy động khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản của hệ thống TCTD cải thiện vững chắc.

Sáng nay 9/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2013. Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012 và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 được Quốc hội thông qua, NHNN đã thông qua các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2013.

NHNN sẽ xem xét bỏ trần lãi suất huy động khi thị trường tiền tệ ổn định
NHNN sẽ xem xét bỏ trần lãi suất huy động khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản của hệ thống tổ chức tiền tệ (TCTD) cải thiện vững chắc.


Xem xét bỏ trần lãi suất huy động khi…

Theo khẳng định của NHNN, trong năm 2013, NHNN sẽ điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với định hướng điều hành tổng phương tiện thanh toán, tín dụng, nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Về điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục áp dụng trần lãi suất tiền gửi bằng VND để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, xem xét bỏ trần lãi suất huy động khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản của hệ thống tổ chức tiền tệ (TCTD) cải thiện vững chắc. “Trường hợp lạm phát của năm 2013 được kiểm soát ở mức thấp hơn năm 2012, tiếp tục điều hành theo hướng giảm mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát”, NHNN nói.

Cùng với điều chỉnh lãi suất theo diễn biến lạm phát, NHNN thực hiện điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở; thực hiện cho vay tái cấp vốn với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý cho các mục đích hỗ trợ thanh khoản, phát triển kinh tế theo các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, cho vay đối với các đối tượng mua nhà ở xã hội, hỗ trợ quá trình giải quyết nợ xấu và thực hiện cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

Về giải pháp điều hành tín dụng, NHNN kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 khoảng 12% nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế. NHNN tái khẳng định “không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích; tiếp tục cho phép các TCTD tự quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ và cho vay trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối với doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ, thực hiện đến hết năm 2013”.

Ngoài ra, NHNN sẽ điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, các cân đối vĩ mô, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế. Phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các biện pháp để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường ngoại tệ, vàng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.

Cũng trong năm nay, NHNN tiếp tục tổ chức, sắp xếp chặt chẽ thị trường vàng, chuyển hóa hoàn toàn quan hệ huy động và cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng. Khi thị trường vàng miếng hoạt động tương đối ổn định, NHNN sẽ tham gia thị trường với vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng, đảm bảo sự lưu thông của thị trường và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước bằng vàng.

Năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 8,9%

Theo số liệu mà NHNN đưa ra, đến cuối năm 2012, tổng phương tiện thanh toán tăng 22,4% so với cuối năm 2011, tuy cao hơn mức định hướng đề ra từ đầu năm nhưng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh so với cuối năm 2011. Đến cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất huy động VND giảm 3 - 6%/năm, lãi suất cho vay giảm 5 - 9%/năm so với cuối năm 2011 và đã trở về mức lãi suất vào cuối năm 2007 .

Cũng tính đến cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,91%. Trong đó, tín dụng VND tăng 11,51%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 1,56% so với cuối năm 2011, phù hợp với chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ. Tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 8%, tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 14%, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 6,15%. Dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích giảm và chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% so tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

“Tín dụng mặc dù tăng trưởng thấp nhưng đã tăng dần trở lại qua các tháng; tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm đã giảm mạnh từ mức 65,8% trước ngày 15/7/2012 xuống còn 19,2% vào cuối năm 2012. Các TCTD đã chủ động phối hợp với khách hàng vay rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất-kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng”, NHNN cho hay.

Theo khẳng định từ NHNN, hiện tại, thanh khoản bằng VND của hệ thống các TCTD được cải thiện, nguy cơ đổ vỡ hàng loạt từ cuối năm ngoái đã được đẩy lùi, các TCTD đã chú trọng hơn trong việc quản trị rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống. Điều này được thể hiện qua số dư tiền gửi của TCTD tại NHNN luôn cao hơn so với yêu cầu dự trữ bắt buộc; Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm 10-11%/năm so với đầu năm và ổn định ở mức thấp, không còn tình trạng căng thẳng về thanh khoản, đẩy lãi suất lên cao như trong năm 2011. Cùng với đó, các TCTD đã mua một lượng lớn trái phiếu Chính phủ để cơ cấu lại danh mục đầu tư và dự phòng thanh khoản; hoạt động của các TCTD về cơ bản an toàn, lành mạnh, trật tự kỷ cương thị trường đã được khôi phục và tiếp tục được duy trì ổn định.

Nguyễn Hiền