1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Không tăng lãi suất, USD sẽ tiếp tục mất giá?

Ngày 20/9, trong cuộc họp định kỳ về chính sách tiền tệ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định <a href="http://www8.dantri.com.vn/kinhdoanh/2006/9/142418.vip"> giữ nguyên lãi suất đồng USD</a> ở mức 5,25% qua tháng thứ hai liên tiếp. Các chuyên gia tài chính nhận định, với quyết định này, có thể đồng USD sẽ tiếp tục mất giá.

Nguyên nhân chính khiến FED không quyết định tăng lãi suất là do áp lực lạm phát đang được kiểm soát do “động lực tăng giá xuất phát từ giá năng lượng đã giảm” và nền kinh tế đã bắt đầu có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại với dấu hiệu khá rõ là thị trường nhà đất đang “nguội dần”.

Tuy nhiên, hãng truyền thông Bloomberg đã nhận xét rằng thông điệp của FED đưa ra cho thị trường lần này là “mơ hồ”.

Nền kinh tế Mỹ: lạm phát, suy thoái và lãi suất

Một điều hiển nhiên rằng ông Ben Bernanke-Thống đốc FED và các thành viên điều hành không hề muốn kinh tế Mỹ dấn sâu vào tăng trưởng chậm, thậm chí lên đến mức suy thoái, do đó, họ sẽ không nghĩ đến chuyện tăng lãi suất mạnh mẽ vì lãi suất tăng chỉ làm kinh tế Mỹ mau chóng nguội đi, thậm chí có thể dẫn đến một sự sụp đổ thị trường tài chính.

Tuy nhiên, họ cũng phải kiểm soát lạm phát ở mức mà họ cho rằng chấp nhận được.

Theo một số nhà kinh tế, trong thời gian vừa qua, giá năng lượng cao đã “đè nén” nhu cầu về một số món hàng tiêu dùng khác, nên dù giá năng lượng giảm nhưng nhu cầu các món hàng tiêu dùng khác tăng lên thì không chắc rằng lạm phát sẽ được kềm chế.

FED cũng lo lắng rằng việc giá dầu ở mức cao từ đầu năm hiện vẫn còn tác động làm gia tăng giá cả các mặt hàng tiêu dùng khác.

Theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế, trong khi các số liệu kinh tế Mỹ đang đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang nguội thì các nhà phân tích trên thị trường giao sau cho biết mùa đông đang tới, và đây là giai đoạn mà dân cư các nước Bắc Âu cũng như bản thân người Mỹ sẽ gia tăng nhu cầu năng lượng.

Nghĩa là, kinh tế Mỹ có thể tiếp tục suy yếu trong khi lạm phát tiếp tục tăng lên.

Đây cũng là điều mà IMF bày tỏ sự lo ngại trong cuộc họp thường niên vừa qua tại Singapore, đến mức mà họ phải hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu do lo ngại về một “tác động lây lan” của kinh tế Mỹ đối với toàn cầu.

Tình hình này đặt FED vào một bài toán khá khó khăn trong việc lựa chọn giữa tăng lãi suất để khống chế lạm phát hay giữ nguyên lãi suất (thậm chí hạ lãi suất) để chặn đà suy giảm của kinh tế Mỹ.

Lãi suất USD đang ở đỉnh cuối cùng

Dù là lựa chọn của FED như thế nào, lãi suất đồng USD cũng đang ở đỉnh của nó. Từ nay đến cuối năm, FED chỉ còn 2 cuộc họp thường kỳ nữa, nghĩa là khả năng tăng lãi suất rất hạn chế (theo dự đoán lạc quan nhất thì cùng lắm lãi suất sẽ tăng đến 5,5% hoặc 5,75% là tối đa, nhưng xác suất xảy ra điều này rất thấp). Trong khi đó, các nhà kinh doanh ngoại hối đã dự đoán FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ năm 2007.

Bên cạnh, NHTW Châu Âu ECB vẫn đang sẵn sàng tăng lãi suất để kềm chế lạm phát (mà đợt tăng sắp tới dự đoán sẽ diễn ra trong tháng 10). Theo kỳ vọng của thị trường, lãi suất đồng EUR sẽ lên tới 4% trong năm sau.

Bên cạnh đó, Nhật, Anh và Thụy Sĩ cũng đều có khả năng tăng lãi suất đồng tiền của mình. Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa USD một số đồng tiền mạnh khác như đồng Euro, Yên Nhật, bảng Anh và Franc Thụy Sĩ khả năng sẽ ngày càng thu hẹp.

Điều này sẽ không đem lại lợi thế cho đồng USD. Nhiều nhà phân tích thị trường đã bắt đầu dự đoán đồng EUR sẽ sớm đạt tới mức 1 EUR = 1,30 USD hoặc hơn nữa.

Theo nhiều kết luận, có thể đồng USD sẽ tiếp tục mất giá, nhưng tốc độ nhanh hay chậm, mất giá đến mức nào thì chưa nên vội kết luận vào thời điểm này.

Theo Hồ Quốc Tuấn
ĐHKT TPHCM
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm