Không "sang chảnh", tuyển dụng nhân sự ngành bán lẻ "khó như lên trời"
(Dân trí) - "Các bạn trẻ thường xác định học hết cấp 3 là thi đại học, học đại học xong là muốn tìm được công việc liên quan đến ngành được đào tạo, công việc phải "sang chảnh" chứ không phải là bán hàng, phục vụ”, CEO một hãng bán lẻ chia sẻ.
Chia sẻ bên lề toạ đàm về phát triển thị trường bán lẻ tuần qua, bà Trịnh Lan Phương, CEO của Bibo Mart - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho mẹ và bé cho biết: Chúng ta tất cả đều thấy tiềm năng của thị trường, đăc biệt là của ngành bán lẻ mẹ và bé, còn rất non trẻ trong thị trường các sản phẩm cho mẹ và bé nói chung có tiềm năng 7 tỷ USD doanh thu.
Theo bà Phương, điều những người làm trong ngành bán lẻ phải rất trăn trở là việc chuẩn bị nguồn lực năng lực, tài chính, con người, hệ thống quản trị để sẵn sàng cho một kế hoạch phát triển mạnh mẽ.
Các thách thức để phát triển ngành bán lẻ được bà Phương chi ra bao gồm vấn đề về con người. Hiện Việt Nam chưa có các trường đào tạo bán lẻ sẵn sàng cung ứng ngành nhân lực bán lẻ có chất lượng cho Việt Nam. Tuyển dụng nhân sự có chất lượng, đào tạo bài bản về ngành, có thể bắt nhịp công việc được ngay thực sự là một thách thức lớn.
"Doanh nghiệp chúng tôi muốn tuyển nhân sự có kinh nghiệm, trình độ cao, vào là làm được việc mà tìm không ra. Việc tuyển dụng khó như lên trời bởi Việt Nam đang thiếu những trường đào tạo chính quy về bán lẻ. Các bạn trẻ thường xác định học hết cấp 3 là thi đại học, học đại học xong là muốn tìm được công việc liên quan đến ngành được đào tạo, công việc phải "sang chảnh" chứ không phải là bán hàng, phục vụ”, bà Phương nhấn mạnh.
Bà Phương cho rằng, ngành bán hàng đang được coi như công việc không lâu dài và nếu không tìm được nhân sự muốn làm bán lẻ thì không thể khiến họ làm tốt được. Còn khi đã tìm được nhân sự, doanh nghiệp gần như phải “lập trình” lại nhận thức, thôi thúc tình yêu nghề và đầu tư rất nhiều vào đào tạo.
Thách thức tiếp theo là nền tảng về công nghệ khi các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống chưa có hệ thống công nghệ nền tảng. Hệ thống quản trị ERP chưa có nhiều doanh nghiệp triển khai thành công.
"Rõ ràng, chúng ta đi từ các phương tiện thô sơ. Bán lẻ truyền thống đang nỗ lực rất lớn để hiện đại hoá, bắt được các chuẩn mực quốc tế, đi lên một chiếc xe ô tô, và tiếp tục đi lên thương mại điện tử là lên máy bay, đương nhiên là rất thách thức với doanh nghiệp Việt Nam", bà Phương nói.
Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, ngành bán lẻ Việt Nam sau một thời kỳ phát triển mạnh nay đã có dấu hiệu chững lại. Mục tiêu 40% mức bán lẻ hiện đại 2020 rất khó thực hiện. Đến nay Việt Nam mới chỉ đạt tỷ lệ bán lẻ hiện đại khoảng 27-28%.
Bà Loan cũng thừa nhận rằng, một trong những khó khăn để phát triển ngành bán lẻ ở Việt Nam chính là vấn đề nhân sự và công nghệ.
"Rất nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội mong muốn thành lập một cơ sở đào tạo chuyên nghiệp về bán lẻ để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, công nghệ bán lẻ hiện đại trên thế giới luôn thay đổi. Các loại hình bán lẻ trên thế giới như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh… đã có mặt ở Việt Nam nhưng mức độ phát triển chưa đồng đều để có đội ngũ nhân sự tốt", bà Loan nói.
Đồng quan điểm, CEO của Tiki, ông Trần Ngọc Thái Sơn cũng cho rằng, thực tế một số doanh nghiệp bán lẻ có sự tăng trưởng nhanh như Lazada hay Tiki đều gặp thách thức về nhân sự.
"Tốc độ tuyển dụng nhân sự, đào tạo nhân sự chất lượng cao không theo kịp tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể khắc phục khó khăn về công nghệ, về trình độ quản lý, về chất lượng dịch vụ khách hàng, nhưng khó có thể khắc phục được vấn đề nhân sự”, ông nói.
Phương Dung