"Không qua 2 vấn đề khó khăn, Việt Nam sẽ thành nền kinh tế thất bại"

(Dân trí) - “30 năm đổi mới, Hàn Quốc đã đưa thu nhập bình quân từ 100 USD/người lên 10.000 USD/người; Việt Nam từ 100 USD lên được 2.000 USD/người. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ, khi nguồn lực ta còn hơn họ”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đặt vấn đề khi đề cập đến vấn đề sử dụng nguồn lực trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Nói với đông đảo các doanh nhân tại một hội thảo kinh tế diễn ra chiều ngày 19/6, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện là lúc kinh tế Việt Nam đang cho thấy có những chuyển dịch các nguồn lực.

Theo đó, hội nhập làm thay đổi trò chơi cơ bản, làm tư duy thay đổi. Vị chuyên gia này cho rằng, trong thời đại toàn cầu hoá, hội nhập, nếu doanh nghiệp (DN) cứ kêu thiếu tiền, thiếu vốn, thiếu các nguồn lực thì quá kém.

“Nếu chúng ta có chính sách tốt, nguồn lực tốt thì sẽ có tất cả những điều kiện cần, nhưng chúng ta đã không làm nguồn lực hội nhập trở thành sức mạnh chúng ta mong muốn. 30 năm đổi mới, Hàn Quốc đã đưa thu nhập bình quân từ 100 USD/người (năm 1963) lên 10.000 USD/người (năm 1995-PV); Việt Nam từ 100 USD lên được 2.000 USD/người. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ, khi nguồn lực ta còn hơn họ”, ông Thiên trầm ngâm.

Theo ông, có lẽ sự dịch chuyển nguồn lực là quan trọng thế nhưng chúng ta lại làm nguồn lực “bất động”. Nguồn lực phải “động” mới tạo nên sự dịch chuyển.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, điểm sống còn trong hội nhập là phải bám được vào các điều kiện FTA, đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật
PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, điểm sống còn trong hội nhập là phải bám được vào các điều kiện FTA, đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật

Phải bám vào hội nhập để “bay” lên

Trong thế giới hiện đại, tư duy về nguồn lực đã thay đổi. Phải đặt câu hỏi rằng, tại sao nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lại giàu hơn trong khi họ mang vốn vào đây? Kinh tế toàn cầu đang tạo ra những sự chuyển động lớn với những xu thế lớn và Việt Nam phải biết “mượn” những xu thế đó để vươn lên.

Nếu như vẫn lấy nguồn lực phát triển cơ bản là nông dân như cách đây 30 năm thì sẽ thất bại. Toàn cầu hoá phải là lấy nguồn lực là nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao, phải xem lại chính sách sử dụng nhân tài, hệ thống đào tạo ra nhân lực có đẳng cấp.

Ông Thiên đánh giá, Việt Nam đang phải đối mặt với 2 vấn đề khó khăn mà nếu không vượt qua được thì sẽ trở thành một nền kinh tế thất bại.

Khó khăn thứ nhất là liệu có vượt được sự lệ thuộc nước ngoài hay không? Một nền kinh tế mà phải nhập nguyên liệu quá nhiều, nhập khẩu tập trung vào một nước nên độ rủi ro lớn. “Một nền công nghiệp chỉ dựa vào bên ngoài thì làm sao phát triển được?”, vị chuyên gia trăn trở.

Khó khăn thứ hai đó là khi ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn quá cao, với những đối tác rất lớn thì liệu rằng Việt Nam có năng lực bám vào “đội hình hội nhập lớn” để bay lên không?

Cái khó của hội nhập là điều kiện cực kỳ khắt khe, đặc biệt là các hàng rào phi thuế quan. Điểm sống còn chính là ở những hàng rào này. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, những nước đi sau vượt lên được là nhờ bám vào được những tiêu chuẩn này.

Vì vậy, sau khi ký kết được những FTA tuyệt vời thì Việt Nam phải tận dụng được những FTA đó, còn nếu bỏ qua quá nhiều cơ hội như khi gia nhập WTO thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ “lên bờ xuống ruộng” – vị chuyên gia lo ngại.

Do đó theo ông, tốc độ tăng trưởng GDP 6,3% hay 6,5% không quan trọng mà quan trọng là phải đáp ứng được các điều kiện của các FTA, phải bám vào được những điều kiện của những hiệp định đó mà phát triển. Trong những cuộc chơi này, nếu “ngã” thì sẽ rất khó để vực dậy.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của nguồn lực thể chế. Phải thiết kế lại nguồn lực này, coi trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân, Nhà nước lùi về chức năng kiến tạo. Nền kinh tế phải là nền kinh tế thị trường lành mạnh.

Mục tiêu doanh thu chỉ là ngọn, không phải là gốc

Trao đổi thêm về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng cực chậm như hiện nay, Việt Nam không dễ gì đạt mục tiêu 6,7%.

Thủ tướng quyết tâm không điều chỉnh chỉ tiêu, phấn đấu bằng được mục tiêu đặt ra. Theo ông Tuyển, con đường duy nhất để đạt mục tiêu đó là cải cách môi trường kinh doanh

Tuy nhiên, theo ông, nguồn lực về vốn bị hạn chế do khả năng tăng tín dụng, tăng đầu tư là không có do tổng cầu rất căng thẳng. Tín dụng đang tăng lên, nên rất khó hạ lãi suất.

Trong khi đó, phong trào khởi nghiệp mặc dù được khuyến khích gần đây nhưng lại đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố đầu tiên là phải có một môi trường kinh doanh ít rủi ro, vấn đề này là thách thức lớn.

Ngoài ra, xu hướng tái cơ cấu DN tuy đã diễn ra nhưng chưa bài bản. Ông Tuyển cho rằng, khi hội nhập với hàng loạt dòng thuế được đưa về bằng 0% thì cơ hội kinh doanh của DN là rất lớn để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, DN phải nhận thức được rằng, chiến lược tăng trưởng của DN là chiến lược nâng cao sức cạnh tranh.

Cụ thể, vị chuyên gia góp ý, khi cạnh tranh trên thị trường đã có đối thủ cạnh tranh thì DN cần tạo ra được sự khác biệt từ chất lượng đếu mẫu mã hàng hóa, dịch vụ. Còn nếu cạnh tranh trên thị trường chưa có đối thủ cạnh tranh thì phải rất sáng tạo.

“Đặt ra doanh thu là cái ngọn, không phải gốc. Nếu không nâng cao sức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần thì không thể có chuyện tăng doanh thu”, ông Trương Đình Tuyển khẳng định.

Bích Diệp