An Giang:

Không ngồi chờ lũ về, nông dân "tung ra" vay vốn nuôi cá, nuôi bò

(Dân trí) - Thay vì ngồi chờ lũ về như mọi năm, năm nay bà con nông dân vùng lũ chuyên sống nghề câu, lưới… đã chủ động hơn trong việc làm ăn, mạnh dạn vay vốn ương cá giống, nuôi trăn, nuôi bò… mang lại thu nhập cao hơn so với nghề đánh bắt thuỷ sản "phập phồng" nhờ con lũ như trước đây.

Ngồi vắt vẻo trên chiếc võng được mắc dưới căn nhà sàn khô rang, ông Kiều Văn Ngại - ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội (huyện An Phú) cho biết: Trước đây tôi cũng theo nghề câu, lưới nhưng thấy cá, tôm ngày càng cạn kiệt, nhất là việc qua đồng Campuchia, đóng tiền đánh bắt cá khó khăn và nguy hiểm nên về đây, thuê ao, vay tiền ương cá lóc giống cả chục năm nay.

Theo ông Ngại, do đồng vốn ít nên mỗi năm chỉ xuất bán vài trăm ngàn con cá lóc giống. Hiện tại ông ương 10 vèo cá lóc giống, trong đó 2 vèo cá lóc bông giống, tống số khoảng 50.000 con/đợt. Trung bình khoảng 20 ngày là ông xuất bán một lần, trừ hết chi phí còn lời vài triệu đồng. Cứ hết đợt cá giống này ông tiếp tục ương đợt cá khác nên thu nhập hàng tháng luôn ổn định, không phập phòng, bấp bênh theo con lũ như trước đây.

Ông Kiều Văn Ngại bỏ câu lưới, thuê ao ương cá lóc giống cả chục năm qua. Nhờ nghề này, hiện vợ chồng ông có cuộc sống ổn định hơn trước
Ông Kiều Văn Ngại bỏ câu lưới, thuê ao ương cá lóc giống cả chục năm qua. Nhờ nghề này, hiện vợ chồng ông có cuộc sống ổn định hơn trước

Ông Ngại chia sẻ: Do mình là hộ cận nghèo, không đất sản xuất, vốn liếng vay hỏi đầu này đầu kia để nuôi cá nên tiền lời bị chia bớt cho tiền vay hỏi. Những lúc cá bệnh, giá cả thấp là không còn vốn tái đầu tư. Do vậy những hộ cận nghèo, hộ nghèo như chúng tôi đang rất cần đồng vốn để chuyển đổi ngành nghề, nhất là khi 3-4 năm trở lại đây không có lũ.

Ông Đỗ Văn Luôn (56 tuổi) – ngụ ấp Phú Mỹ đã chuyển sang nuôi trăn 3 năm qua cho biết: “Nghề nuôi trăn phù hợp với những người lớn tuổi như tôi. Nuôi trăn không cần đồng vốn quá lớn hay kỹ thuật chăm sóc cao, chỉ cần tận dụng không gian dưới sàn nhà là nuôi được. Nếu một hộ nuôi 50 con trăn thì sau 7-8 tháng là có thể xuất bán. Lúc này trăn đạt trọng lượng từ 6kg (3kg mồi cho 1kg trăn) trở lên, với giá hiện tại 150.000 đồng/kg thì người nuôi trừ hết chi phí cũng bỏ túi từ 15 -18 triệu đồng.


Ông Đỗ Văn Luôn đã có 3 năm nuôi trăn. Theo ông nghề này phụ hợp với những người lớn tuổi như ông và có thể kiếm bạc triệu bỏ túi sau 7-8 tháng nuôi

Ông Đỗ Văn Luôn đã có 3 năm nuôi trăn. Theo ông nghề này phụ hợp với những người lớn tuổi như ông và có thể kiếm bạc triệu bỏ túi sau 7-8 tháng nuôi

Trưởng ấp Phú Mỹ, ông Phạm Hồng Chạp cho biết: “Cả ấp Phú Mỹ hiện nay đã có khoảng 20 hộ đang nuôi trăn và có thu nhập ổn định. Điều hấp dẫn nông dân đến mô hình nuôi này là tận dụng được thời gian nhàn rỗi, vốn đầu tư ít. Đặc biệt khi lũ nhỏ, chuột nhiều hơn nên vấn đề lo mồi cho trăn ăn không phải lo nhiều như những mô hình chăn nuôi khác. Tuy nhiên, hiện nay giá cả đầu ra vẫn chưa ổn định nên bà con nuôi trăn cũng chưa lời cao”.

Ngoài ra, ông Chạp cũng thông tin thêm tính từ năm 2013 đến nay, trong ấp đã có vài trăm hộ bỏ xứ đi lao động ở các thành phố. Còn hiện nay, do lũ nhỏ, việc qua nước bạn Campuchia khai thác thủy sản không còn thuận lợi như trước nữa nên nhiều bà con đã tính chuyện đi làm công nhân, một số hộ khác thì chuyển đổi nghề, nhưng bà con đang gặp khó về vốn, về kỹ thuật chăn nuôi.

Trưởng ấp Phú Mỹ Phạm Hồng Chạp vừa nuôi cá lóc vừa nuôi trăn. Theo ông bà con nghèo sống nghề câu lưới ở địa phương đang cần nguồn vốn hỗ trợ để chuyển đổi nghề thay vì cứ bám vào con cá, con tôm như bao năm qua
Trưởng ấp Phú Mỹ Phạm Hồng Chạp vừa nuôi cá lóc vừa nuôi trăn. Theo ông bà con nghèo sống nghề câu lưới ở địa phương đang cần nguồn vốn hỗ trợ để chuyển đổi nghề thay vì cứ bám vào con cá, con tôm như bao năm qua

Chị Phạm Thị Điệp - ấp Vạt Lài, xã Khánh Bình đang nuôi 2 con bò cho biết: Trước đây vợ chồng tôi qua đất bạn Campuchia làm thuê cho những người Việt Nam qua đây thuê đất trồng lúa. Tuy nhiên, tháng 7 vừa rồi Campuchia cắt hết hợp đồng, không cho người Việt Nam qua thuê đất nữa, do vậy nhưng người làm thuê như vợ chồng tôi bị thất nghiệp, cuộc sống càng khó khăn hơn. Chồng tôi cũng như một số người ở địa phương đi lên các thành phố lớn lao động. Hộ nào có vốn hay vay được vốn thì ở nhà thuê đất trồng cỏ, nuôi bò.


Chị Điệp cùng với cha ruột thuê 2 công đất trồng cỏ nuôi bò... Sau khi đường làm thuê bên Campuchia không còn nữa

Chị Điệp cùng với cha ruột thuê 2 công đất trồng cỏ nuôi bò... Sau khi đường làm thuê bên Campuchia không còn nữa

Như chị Điệp, gom hết tiền tích cóp bao năm mua 2 con bò nghé (bò con), mỗi con khoảng 20 triệu đồng và cùng với cha ruột (cha chị Điệp hiện nuôi 6 con bò) thuê 2 công đất trồng cỏ, nuôi bò. Nếu như việc chăn nuôi “thuận buồm, xuôi gió”, sau một năm, chị Điệp có thêm 2 con bò từ tiền lời của 2 con bò ban đầu. Như vậy, chỉ cần 2 năm cắt cỏ nuôi bò, chị Điệp sẽ sở hữu 4 con bò. Lúc này, số vốn của chị có trong tay đã 200 triệu đồng. Đây là số tiền mà hộ nông dân nào cũng có thể chạm tới được, nếu như họ siêng năng lao động và được hỗ trợ vốn mua bò nuôi.

Chia tay bà con xã nghèo vùng biên giới, cũng là một trong những xã nằm trong vùng tâm lũ của huyện An Phú, PV trăn trở mãi với lời chia sẻ chân trình của đồng chí Chủ tịch xã Phú Hội Bùi Thanh Sơn: Trên địa bàn xã chưa có một công ty, xí nghiệp nào để giải quyết công ăn việc làm cho bà con nghèo, không đất sản xuất. Vừa rồi Trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với Phòng lao động mở lớp dạy nghề phụ hồ cho người dân. Cái nghề nặng nhọc, nắng mưa đổ lên đầu lên lưng… tưởng chừng chẳng ai đăng ký học. Thế nhưng cũng có đông người dân đi học. Chắc là tại lũ nhỏ…!

Nguyễn Hành