Khi nào Việt Nam sẽ cấp phép cây trồng biến đổi gen?
Trước tác động ngày một nặng nề của biến đổi khí hậu với ngành nông nghiệp và sức ép tăng giá thức ăn chăn nuôi do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập ngoại, Việt Nam đang xem xét áp dụng cây trồng biến đổi gen như một giải pháp cho ngành nông nghiệp.
Đây là câu hỏi đau đáu được lặp đi lặp lại với các nhà quản lý và các chuyên gia nông nghiệp. Trước những ảnh hưởng khôn lường của biến đổi khí hậu đối với canh tác nông nghiệp và sức ép tăng giá thức ăn chăn nuôi do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập ngoại, Việt Nam đang có những bước đi thận trọng nhằm áp dụng cây trồng biến đổi gen (GM) như một giải pháp cho ngành nông nghiệp.
Bộ NN&PTNN đã công nhận kết quả khảo nghiệm 5 giống ngô biến đổi gen và đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép an toàn sinh học
Nhiều thách thức
Bùng nổ dân số dẫn đến nhu cầu lương thực không ngừng gia tăng. Biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho thời tiết khắc nghiệt, thiên tai dịch bệnh ngày càng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, trong khi đó diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt.
Phát biểu tại Hội thảo “Công nghệ sinh học Việt Nam lần thứ 6: Hướng phát triển cho tương lai,” diễn ra sáng ngày 24/9 tại Hà Nội, TS Đăng Trọng Lượng, Phó Giám đốc Viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết dân số Việt Nam năm 2013 đã tăng lên 90 triệu người, ước tính đến năm 2050 sẽ có khoảng 130 triệu người. Do vậy, nhu cầu lương thực ngày càng gia tăng, ước khoảng trên 80 triệu tấn vào năm 2050.
Tuy nhiên, đất nông nghiệp lại có xu hướng giảm, mỗi năm sẽ mất đi từ 50.000-70.000 ha do tác động của BĐKH như nước biển dâng, xâm ngập mặn cũng như quá trình đô thị hóa.. Cũng do tác động của BĐKH, nhiều khu vực trên khắp nước ta sẽ phải chịu cảnh “chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn”, dịch bệnh bùng phát trên diện rộng ảnh hướng đến năng suất cây trồng.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi đang găp rất nhiều khó khăn do sức ép tăng giá của nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm, nhiều người nuôi lợn đang kêu lỗ.Hiện nay, do sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng, mỗi năm nước ta phải chi hàng tỷ USD cho việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đơn cử như năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu 8,87 triệu tấn nguyên liệu này trị giá gần 4 tỷ USD.Đâu là giải pháp?
Trước bối cảnh đó những nhà quản lý đang phải cân não để tìm ra đâu là giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết những thách thức trên nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu của đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
TS Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng sau kỷ nguyên công nghệ số, kỷ nguyên tiếp theo sẽ là kỷ nguyên của công nghệ sinh học (CNSH). CNSH đóng vai trò quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) bởi Việt Nam là một trong các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH trên thế giới.
“Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới được chính phủ phê duyệt, Bộ NN&PTT đã xác định trong thời gian tới cần đẩy mạnh nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này CNSH là phương thức tốt nhất giúp chọn lựa cây trồng và vật nuôi theo mong muốn.”
Phát biểu tại hội thảo, GS Paul P.S. Teng đến từ Viện Giáo dục Quốc gia, Singapore, nhận định rằng, để thích ứng với BĐKH Việt Nam nên xem xét ứng dụng CNSH trong nông nghiệp để lựa chọn những giống cây trồng GM có đặc tính chịu hạn, chịu úng, chịu mặn và chống chịu với sâu bệnh.
Theo TS Đăng Trọng Lượng, sau 16 năm cây trồng GM được trồng đại trà trên thế giới, đến năm 2012 đã có 28 nước canh tác loại cây trồng này với diện tích trên 170 triệu ha.
Ở các nước phát triển, việc áp dụng cây trồng GM đã mang lại những lợi ích rõ rệt như: Giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng và tăng lợi nhuận trong nông nghiệp, cải thiện môi trường,..
Các cây trồng GM có nhiều tính trạng tiềm năng mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng như: Cây ngô kháng sâu đục thân, đục bắp và cải tiến chất lượng; ngô, đậu tương, cải dầu kháng thuốc trừ cỏ; lúa gạo giàu Vitamin A và sắt; khoai tây tăng hàm lượng tinh bột; dầu ăn có lợi cho sức khỏe hơn từ đậu nành và cải dầu GM; ngô, đậu tương chống chịu hạn...
Việt Nam bắt đầu nghiên cứu về công nghệ sinh học năm 2001. Đến năm 2010, đã có 90 công trình nghiên cứu với tổng kinh phí lên tới 199 tỷ đồng. Hiện nay, nước ta đã và đang tiến hành khảo nghiệm 7 giống ngô biến đổi gen thuộc thế hệ F1 có khả năng chịu được thuốc trừ cỏ.
"Ngày 17/6/2013, Bộ NN&PTNN đã ra quyết định công nhận kết quả khảo nghiệm 5 giống ngô biến đổi gen và đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép an toàn sinh học," TS Lượng cho biết.
Mặc dù nhiều nước trên thế giới đã phát triển nhiều giống cây trồng biến đổi gen. Tuy nhiên, theo TS Lượng, muốn phát triển ở Việt Nam không thể vội vàng mà phải đánh giá các tác động về an toàn sinh học, môi trường, sức khỏe con người và cần có sự tham gia của các chuyên gia nhiều ngành. Điều này bởi vì vẫn còn những quan ngại về nguy cơ tiềm ân của cây trồng GM như khả năng dị ứng trên cơ thể người, khả năng phát tán những gen biến tạp sang họ hàng hoang dại, sâu bệnh có nguy cơ tăng cường tính kháng dẫn đến nguy cơ phải sử dụng nhiều hơn thuốc trừ sâu, nguy cơ ảnh hưởng đến sinh vật ngoài chu đích,...
Thảo Nguyên