Không mặn mà vốn xây nhà ở xã hội

(Dân trí) - Phương án sử dụng vốn để xây dựng nhà ở xã hội từ quỹ hỗ trợ kích cầu vừa được Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản trình Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, với những điều kiện mà Cục đề xuất, xem ra các doanh nghiệp cũng không mặn mà!

Hỗ trợ bù lãi suất 4%
 
Đối tượng được vay vốn của chương trình này phải là các tổ chức kinh tế trong nước có dự án phát triển nhà ở dành cho các đối tượng có thu nhập thấp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc có quỹ đất dành để triển khai dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã được GPMB hoặc đã được đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.
 
Không mặn mà vốn xây nhà ở xã hội - 1
Dự án nhà ở xã hội vẫn gây nhiều tranh cãi khó khả thi (ảnh minh họa).
 
Các dự án thuộc diện được vay vốn dự kiến được triển khai tại Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, bao gồm: dự án phát triển nhà ở để bán (thu tiền một lần hoặc bán trả góp) hoặc để cho thuê mua (thu lần đầu 20% giá trị căn nhà) đối với các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu nhập thấp tại một số đô thị; dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê đối với công nhân lao động tại các khu công nghiệp hoặc sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
 
Việc xây dựng nhà ở phải đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế nhà, chung cư có diện tích mỗi căn hộ không vượt quá 70m2. Đối với dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê có tiêu chuẩn thiết kế không vượt quá 60m2/căn hộ. 
 
Có hai phương án được đề xuất về cơ chế và quy mô nguồn vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án Nhà nước hỗ trợ bù lãi suất 4% đối với các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp trong thời gian 2 năm từ quỹ dự trữ ngoại tệ của nhà nước với số tiền khoảng 717 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại được ủy thác sẽ huy động nguồn vốn bổ sung, kết hợp với nguồn vốn tự có của các chủ đầu tư dự án, dự kiến tối thiểu bằng 15% tổng mức đầu tư dự án, tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng và vốn do các ngân hàng thương mại huy động khoảng 7.600 tỷ đồng. Nếu thực hiện phương án này đòi hỏi sau khi các dự án hoàn thành người mua nhà phải trả toàn bộ giá trị căn nhà 1 lần cho chủ đầu tư dự án để hoàn vốn trả cho ngân hàng.
 
Phương án thứ hai do Bộ Xây dựng đề xuất là các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp được vay vốn theo phương thức cấp tín dụng có hoàn trả với thời hạn cho vay và trả nợ tối đa là 10 năm. Như vậy, việc hỗ trợ bù lãi suất 4% với lượng vốn 717 tỷ đồng cũng được kiến nghị kéo dài trong thời gian từ 10 - 15 năm.
 
Mâu thuẫn giữa đất “sạch” và nhà giá rẻ
 
Một trong những điều kiện quan trọng để các dự án xây dựng nhà ở xã hội được vay vốn là phải hoàn thành việc đền bù, GPMB hoặc đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hay nói cách khác là cần phải có quỹ đất “sạch”.
 
Tuy nhiên, vì các đối tượng được thụ hưởng những căn nhà ấy là những người có thu nhập thấp nên Cục quản lý nhà và thị trường BĐS đã đề xuất giá bán hoặc thuê mua nhà ở do chủ đầu tư và người mua thoả thuận nhưng dự kiến tối đã không vượt quá 10 triệu đồng/m2 (đối với đô thị loại đặc biệt), không vượt quá 7 triệu đồng/m2 (đối với đô thị loại khác). Giá cho thuê nhà đối với công nhân các khu công nghiệp, sinh viên không tính tiền sử dụng đất.
 
Theo ý kiến một số chủ đầu tư, hai điều kiện trên cùng đồng thời đưa ra sẽ làm khó cho các doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, hầu hết các dự án xây dựng bị chậm trễ đều liên quan đến khâu GPMB. Hơn nữa, các chủ đầu tư luôn phải tốn rất nhiều chi phí cho khâu đền bù để có quỹ đất “sạch”.
 
Về dự án xây dựng nhà ở xã hội lần này, chủ đầu tư của một Tổng Công ty xây dựng lớn ở Hà Nội còn nói thẳng: Nếu giá thấp sẽ khiến các doanh nghiệp phải làm ẩu, làm bậy, như vậy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Hơn nữa, trong cơ chế hiện nay, các doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra nhiều khoản “không chính thức” thì mới có thể triển khai được dự án.
 
Cũng có một cách khác để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội lần này. Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, Bộ Xây dựng nên làm chủ đầu tư trực tiếp thuê các đơn vị thi công, xây lắp, tự tìm các quỹ đất “sạch”, tham gia công tác đền bù, GPMB, triển khai dự án. Và sau khi dự án hoàn thành, Bộ sẽ trực tiếp thực hiện việc cho thuê và thuê  mua đúng đối tượng cũng như hoàn thành việc thu hồi vốn.
 
Nếu việc này thành sự thật, có lý để nói rằng, Bộ Xây dựng có thể sẽ thông cảm được cho các doanh nghiệp khi tham gia dự án xây dựng nhà ở xã hội nói riêng và các dự án nói chung, ít nhất là khâu thủ tục hành chính và đền bù GPMB!
 
Lan Hương