"Không hề có kế hoạch bơm tiền trực tiếp cho các ngân hàng"
(Dân trí) - Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, do thanh khoản các ngân hàng ổn định nên sẽ không có chuyện bơm tiền trực tiếp. Sau khi các biện pháp xử lý nợ xấu được thực hiện, tỷ lệ nợ xấu cuối năm nay sẽ về dưới 5%.
Đã xử lý thêm 5.500 tỷ đồng nợ xấu trong 3 tháng đầu năm.
Có thể sẽ nới trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 6
Bloomberg ngày 21/5 dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết, Việt Nam sẽ tập trung vào các biện pháp chính sách mang tính chất "thận trọng" khác để thúc đẩy tăng trưởng. Dự kiến, với các biện pháp xử lý nợ xấu, làm sạch hệ thống ngân hàng, đến cuối năm tỷ lệ nợ xấu sẽ chỉ còn dưới mức 5% so với mức 7,8% tính đến tháng 12/2012.
Tháng 6 tới, Thủ tướng có thể sẽ chấp nhận đề nghị mà NHNN đề xuất, tăng "room" cho khối ngoại tại các ngân hàng thương mại trong nước, như một biện pháp nhằm giúp củng cố lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Mức điều chỉnh nới trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được xem xét với từng ngân hàng cụ thể.
Ông Tiến cũng cho biết, nhiều nhà đầu tư và các ngân hàng nước ngoài đang thể hiện sự quan tâm, muốn đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam. Nếu mở cơ chế thì dòng tiền ngoại sẽ đổ vào vì tiềm năng ở lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
Hiện tại, mức trần tỉ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một ngân hàng Việt Nam được quy định ở mức 20%. Tổng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư tại 1 ngân hàng không được vượt quá 30%.
Trong văn bản gửi Bloomberg, NHNN nhìn nhận, “Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể tăng lên trong năm 2013 do nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN”.
Gần 22.500 tỷ đồng (tương ứng khoảng 1 tỷ USD) nợ xấu đã được giải quyết trong năm 2012. Trong 3 tháng đầu năm nay, có thêm khoảng 5.500 tỷ đồng đã được xử lý. Dự phòng rủi ro tín dụng tăng từ 62.400 tỷ đồng hồi cuối năm 2012 lên 68.500 tỷ đồng tính đến cuối tháng 3.
Ông Tiến khẳng định, không hề có kế hoạch bơm tiền trực tiếp vào các ngân hàng. Hiện tại, điều kiện thanh khoản của các ngân hàng đang rất tốt.Trong khi các khoản nợ xấu mới có thể tăng lên, các biện pháp xử lý sẽ giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức có thể chấp nhận được.
Trong khi đó, Gutierrez lại tỏ ra nghi ngờ, cho rằng sớm hay muộn thì có thể Chính phủ cũng sẽ phải bơm vốn vào và việc huy động sự tham gia của đối tác nước ngoài trong tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam sẽ không phải là điều dễ dàng.
Khó hạ thêm lãi suất
Trao đổi với hãng tin Mỹ, ông Tiến cũng khẳng định, Việt Nam khó hạ thêm lãi suất xuống sâu hơn trong năm nay khi Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã được thành lập để dọn sạch nợ xấu và phục hồi đà tăng trưởng.
"Áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu và một số tác nhân gây nên lạm phát có thể phát triển mạnh vào cuối năm. Để NHNN cắt giảm lãi suất xuống sâu hơn nữa là rất khó. Cơ hội là rất nhỏ" - Phó thống đốc nhìn nhận.
Chuyên gia kinh tế Edwin Gutierrez thuộc Công ty Quản lý tài sản Aberdeen Asset Management Plc - hiện đang quản lý 12 tỷ USD tài sản tại các thị trường mới nổi (trong đó có trái phiếu ngoại tệ phát hành bởi chính phủ Việt Nam) cũng cho rằng, việc cắt giảm thêm lãi suất sẽ không thể thực sự kích thích nền kinh tế. Vấn đề trọng tâm của khu vực ngân hàng bây giờ không phải là cung cấp tín dụng mà là công ty quản lý tài sản.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định thành lập VAMC để mua lại nợ xấu từ các ngân hàng. Nghị định thành lập VAMC sẽ có hiệu lực vào 9/7 tới. Như vậy sẽ còn hơn 1 tháng nữa, VAMC sẽ ra đời.
Trong văn bản trả lời Bloomberg, NHNN khẳng định, “Chính phủ sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô”. Kế hoạch mỗi năm Việt Nam sẽ cắt giảm 2 điểm phần trăm đối với lãi suất chính sách và 0,5 điểm phần trăm đối với trần lãi suất áp dụng cho tiền gửi bằng VND.
Theo nhận định của Bloomberg, Việt Nam đang đứng trước áp lực phục hồi lại tốc độ tăng trưởng nền kinh tế vốn đã xuống thấp nhất kể từ năm 1999 đến nay và đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp.
Bích Diệp
Theo Bloomberg
Theo Bloomberg