1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Không có chuyện thủy sản VN bị cấm trên toàn nước Mỹ!

Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, hoàn toàn không có chuyện sản phẩm thủy sản VN bị cấm tiêu thụ trên toàn nước Mỹ. Theo tìm hiểu, trong chương qui định đối với hàng thủy sản ở Luật thực phẩm Hoa Kỳ, không có điều luật nào cho phép dựa vào hai lô hàng bị phát hiện có dư lượng fluoroquinolones mà cấm toàn bộ mặt hàng đó.

Sáng 25/8, sau khi nhận được những thông tin mới nhất từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), ông Nguyễn Tử Cương - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (Nafiqaved) - đã khẳng định.

Fluoroquinolones là loại kháng sinh nếu có dư lượng trong một loại thực phẩm nào đó mà người tiêu dùng sử dụng trong một thời gian dài sẽ gây lờn thuốc. Khi người tiêu dùng bị bệnh và sử dụng loại thuốc tương tự thì hiệu quả của thuốc bị kém hoặc không có tác dụng. Đây là lý do mà FDA cấm nó, chứ nó không phải là loại đặc biệt nguy hiểm để có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp như vậy.

Không có chuyện thủy sản VN bị cấm trên toàn nước Mỹ! - 1
 Ông có thể cho biết cụ thể hơn qui trình xử lý của FDA đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ?

Khi một doanh nghiệp (DN) muốn xuất khẩu thủy sản vào Mỹ, theo Luật thực phẩm nước này, trước hết DN đó phải xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng theo yêu cầu của FDA.

Khi DN gửi nội dung các kế hoạch kiểm soát chất lượng, gồm phần cứng (nhà xưởng, trang thiết bị...) và phần mềm (qui phạm thực hành sản xuất tốt, qui phạm vệ sinh chuẩn...), FDA sẽ thẩm tra đánh giá, nếu đáp ứng được yêu cầu thì FDA sẽ ra thông báo DN được phép nhập khẩu thủy sản vào Mỹ.

Hằng năm FDA đều cử các đoàn sang đây kiểm tra các DN mà họ công nhận trước đó, nếu DN hoàn toàn tuân thủ, FDA ghi nhận và có thái độ tốt hơn khi lô hàng của các đơn vị này xuất vào Mỹ.

Khi DN có những sai sót, nếu sai sót nhẹ thì DN được nhắc nhở sửa ngay, còn sai sót nặng gây ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thì FDA sẽ khuyến cáo bằng văn bản kèm theo yêu cầu thời hạn gửi báo cáo khắc phục.

Khi lô hàng đến nơi, tùy theo lý lịch chất lượng của từng DN, DN có truyền thống chất lượng tốt hoặc đang có tên trong danh sách cảnh báo, FDA sẽ quyết định lấy hay không lấy mẫu để kiểm tra. Sau khi kiểm tra mẫu, nếu lô hàng không đảm bảo các tiêu chuẩn về ATVSTP thì FDA không cho lô hàng đó nhập vào hoặc ra lệnh tiêu hủy tại chỗ và tên

DN sẽ được đưa lên danh sách cảnh báo của FDA, trong đó có ghi rõ lô hàng nào bị cảnh báo, cảnh báo về vấn đề gì. Sau khi bị cảnh báo, các lô hàng của đơn vị này tự động bị giữ lại để kiểm tra. Cho đến khi nào DN này có năm lô hàng liên tục bị kiểm tra và hoàn toàn đảm bảo yêu cầu về ATVSTP, FDA sẽ bỏ tên DN đó ra khỏi mạng cảnh báo sau khi nhận được đơn yêu cầu của DN và tiến hành kiểm tra.

Trong quyết định mới đây, Bộ Thủy sản bổ sung danh mục kháng sinh (gồm 11 chất) thuộc nhóm fluoroquinolones cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu, nhưng chỉ áp dụng đối với thị trường Mỹ và Bắc Mỹ mà không áp dụng đối với các thị trường khác. Vì sao thưa ông?

Việc đưa ra qui định cấm hay hạn chế một loại hóa chất hay kháng sinh nào đó trước hết phải căn cứ trên mức độ nguy hại của nó đối với sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường và cân nhắc cả khả năng phát triển của người nuôi.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm soát hóa chất và kháng sinh sử dụng trong nuôi trồng thủy sản ở VN, Bộ Thủy sản còn phải tham khảo qui định của Tổ chức Thuốc Thú y thế giới, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm thế giới.

Trong quyết định của Bộ Thủy sản mới đây, có 17 loại kháng sinh bị cấm sử dụng hoàn toàn, tương đương với danh mục cấm sử dụng của các tổ chức nêu trên cũng như ở các thị trường EU và Mỹ. Riêng nhóm fluoroquinolones, trước đây thị trường Mỹ và Canada chỉ cấm ba loại kháng sinh thuộc nhóm này, nhưng hiện nay họ bổ sung thêm tám chất nữa.

Còn với các thị trường khác, chẳng hạn như EU, cho đến thời điểm này họ vẫn cho phép sử dụng có qui định giới hạn tối đa. Đây cũng là lý do vì sao trong danh mục cấm sử dụng các chất kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolones lại chỉ dành riêng cho thị trường Mỹ và Bắc Mỹ.

Xin cảm ơn ông.

Người Mỹ nói gì về lệnh cấm

"Ông ta cấm (cá ba sa VN) nhằm tạo ra một tuyên bố chính trị", Jennifer Piazza - quản lý bán hàng của nhà nhập khẩu hải sản Piazza's Seafood World (New Orleans, Mỹ) - tuyên bố như vậy với tờ The Advocate về quyết định của ủy viên nông nghiệp tiểu bang Louisiana Bob Odom cấm cá ba sa VN.

Theo bà Piazza, lệnh cấm lập tức được áp dụng với tất cả các loại hải sản VN mà công ty của bà nhập về, ngay cả cá không nuôi trong bè ở VN (nơi có dùng thuốc). Ngay cả những lô hàng mà FDA đã thông qua cũng bị dừng lại để kiểm tra. Từ ngày 23/8 trở đi, một lô hàng khoảng 12 tấn cá, tôm, cua của VN mà Piazza nhập về đã được cho phép bán trở lại sau khi kiểm định.

Ông Sal Piazza, một thành viên khác của Piazza's Seafood World, nói rằng lệnh cấm "là một động thái chính trị nhằm giúp ngành hải sản địa phương, bằng cách vạch lá tìm sâu trên bất cứ thứ gì nhập khẩu".

Theo Hải Đăng
Báo Tuổi trẻ