Khối tài sản khổng lồ trong tay 5 người giàu nhất Việt Nam

Mai Chi

(Dân trí) - Không chỉ danh sách những người giàu nhất Việt Nam (theo ghi nhận của Forbes) có sự thay đổi mà tài sản của các tỷ phú cũng biến động đáng kể trong năm qua.

Theo ghi nhận của Forbes, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 5 tỷ phú USD (có khối tài sản sở hữu đạt từ 1 tỷ USD).

Trong đó, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vingroup - được định giá ở mức 4,5 tỷ USD, xếp thứ 649 thế giới.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc hãng bay Vietjet - sở hữu 2,4 tỷ USD, xếp thứ 1.310 thế giới.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - sở hữu 2,3 tỷ USD, xếp thứ 1.343 thế giới.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Thaco - và gia đình sở hữu 1,4 tỷ USD xếp thứ 1.986 thế giới.

Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank - sở hữu 1,4 tỷ USD, xếp thứ 2.042 thế giới.

Khối tài sản khổng lồ trong tay 5 người giàu nhất Việt Nam - 1

Thống kê của Forbes năm 2023 ghi nhận Việt Nam có 6 tỷ phú USD (Ảnh: Canvas).

Như vậy, 5 người giàu nhất Việt Nam đang nắm trong tay khối tài sản trị giá 12 tỷ USD. Con số này có sự thay đổi nhất định so với công bố của Forbes về danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2023.

Theo đó, tại danh sách nói trên, Việt Nam có 6 tỷ phú USD: Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng là 4,3 tỷ USD, xếp thứ 636 thế giới; tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo là 2,2 tỷ USD; tài sản của ông Trần Đình Long là 1,8 tỷ USD; tài sản của ông Hồ Hùng Anh là 1,5 tỷ USD; tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình là 1,5 tỷ USD; tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang là 1,3 tỷ USD.

Tài sản ròng của các tỷ phú trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2023 được Forbes tính toán dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái ngày 10/3/2023.

Tổng tài sản các tỷ phú USD lúc bấy giờ là 12,6 tỷ USD. Tuy vậy, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group - đã rời danh sách tỷ phú USD do khối tài sản tính theo khung thời gian thực bị tụt xuống dưới mốc 1 tỷ USD. Phần tài sản thống kê của 5 tỷ phú USD (không tính ông Nguyễn Đăng Quang) vẫn tăng 700 triệu USD sau gần 1 năm.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến động tài sản các tỷ phú là diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm Quý Mão với mức tăng 10,05 điểm tương ứng 0,85%, áp sát mốc 1.200 điểm. Trong khi đó, VN30-Index cũng tăng 13,53 điểm tương ứng 1,13%.

Ở phiên giao dịch nói trên, VIC tăng nhẹ 0,2% lên 42.400 đồng; VJC tăng 0,8% lên 105.300 đồng; HPG tăng 0,4% lên 28.150 đồng; MSN tăng 0,2% lên 64.900 đồng; TCB tăng mạnh 4,6% lên 37.300 đồng.

So với thời điểm 10/3/2023 khi Forbes thực hiện thống kê tài sản các tỷ phú USD năm 2023 thì giá cổ phiếu VIC giao dịch trên thị trường đã điều chỉnh giảm 20%; MSN giảm 19,68%; ngược lại, VJC tăng 3,44%; HPG tăng 32,78% và TCB tăng 34,17%.

Hiện tại, chỉ có 2 trong số các cổ phiếu trên lọt top 10 các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam là HPG và VIC. Trong đó, HPG đã vượt qua VIC với giá trị vốn hóa 2 cổ phiếu lần lượt là 163.686 tỷ đồng và 162.123 tỷ đồng.