Khó xảy ra khủng hoảng thị trường bất động sản

(Dân trí) - Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư bất động sản” diễn ra sáng nay (18/7) với sự tham gia của các sở ngành và doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM.

Vấn đề "nóng sốt" được nhiều nhà đầu tư quan tâm và muốn đặt ra ngay với các chuyên gia, nhà quản lý là "liệu chu kỳ khủng hoảng bất động sản có tái hiện hay không?".

Trả lời vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - HoREA khẳng định: "Khó xảy ra khủng hoảng thị trường bất động sản".

Theo ông Châu, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 siết chặt tín dụng và gói kích cầu 30.000 tỷ đồng đã góp phần trực tiếp phục hồi thị trường bất động sản từ cuối 2013 đến nay.

Vấn đề nóng sốt được nhiều nhà đầu tư quan tâm và muốn đặt ra ngay với các chuyên gia, nhà quản lý là liệu chu kỳ khủng hoảng bất động sản có tái hiện hay không?.
Vấn đề "nóng sốt" được nhiều nhà đầu tư quan tâm và muốn đặt ra ngay với các chuyên gia, nhà quản lý là "liệu chu kỳ khủng hoảng bất động sản có tái hiện hay không?".

Chủ tịch HoREA cho rằng, bong đóng bất động sản chỉ xảy ra khi hội đủ một số điều kiện. Thứ nhất là kinh tế phát triển nóng, dễ kiếm tiền và ai cũng muốn tìm nơi trú ẩn cho đồng tiền của mình. Nhưng kinh tế thế giới hiện nay không nóng và kinh tế của Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi. Tăng trưởng tín dụng 2017 chỉ hơn 6% trong khi 2009 tăng gần 9%. Thứ hai là có sự buông lỏng về chính sách tín dụng. Năm 2006 - 2007, Việt Nam buông lỏng tín dụng, tăng trưởng tín dụng lên 37,8%.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, hiện nay Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tăng trưởng tín dụng thận trọng, kiềm chế. Không có chuyện buông lỏng tín dụng, không có chuyện ngân hàng cho vay dưới chuẩn. Thứ ba là có lệch pha cung cầu nhưng chưa đến mức độ phá vỡ sự cân bằng trên thị trường bất động sản. Thứ tư, có sự gia tăng của nhà đầu tư thứ cấp và đầu cơ, thậm chí 80-90% là những nhà đầu tư mua đi bán lại ở phân khúc đất nền và condotel nhưng cũng chưa đủ để tạo nên bong bóng thị trường bất động sản.

"Gần đây, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo và các công cụ điều chỉnh thị trường rất rõ. Nhà nước, nhà băng, người tiêu dùng đều thông minh hơn. Vì vậy không thể có bong bóng xảy ra trong năm 2018 - 2020", ông Châu khẳng định.

Ông Phan Trường Sơn, Phòng quản lý nhà và bất động sản Sở Xây dựng TPHCM đồng ý rất khó xảy ra bong bóng bất động sản. Bản thân các doanh nghiệp cũng khảo sát thị trường kỹ khi đưa ra dự án. Chẳng hạn nguồn cung sụt giảm do nhu cầu sụt giảm.

Ông Sơn cũng cho rằng, giá trị bất động sản sẽ tăng theo thời gian, theo tiến độ dự án và hoàn thiện cơ sở hạ tầng là phù hợp nhưng mức độ tăng vừa phải ở 5% trở lại.

Biến động nhất của thị trường thời gian qua chính là sự cố cháy chung cư Carina (Quận 8, TPHCM) làm 13 người chết tác động đến tâm lý nhiều nhà đầu tư khiến họ e ngại. Trong tháng đó các doanh nghiệp sụt hẳn về giao dịch, có ngày không có giao dịch nào.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Tổng hợp Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho biết, chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong 5 năm qua và 6 tháng đầu năm đã tạo điều kiện tốt cho phát triển kinh tế, ổn định thị trường. Ví dụ khuyến nghị các ngân hàng kiểm soát tốt dòng tiền vào bất động sản cũng là mục tiêu để giúp thị trường phát triển tốt hơn.

Ông Lệnh cho rằng, bài học về khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 vẫn chưa quên. Mối quan hệ tín dụng với bất động sản là trực tiếp. Bất động sản phát triển giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu tốt so với “cục máu đông” trước đây. Vấn đề tỉ giá đang khác với trước.

"Trước đây có cặp vàng – tỉ giá nhưng nay yếu tố vàng bị loại bỏ và tỷ giá chủ yếu do yếu tố khách quan từ thị trường thế giới. Việc điều chỉnh nếu có là cần thiết để hỗ trợ cho xuất khẩu và nằm trong kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước", ông Lệnh nói.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - HoREA khẳng định: Khó xảy ra khủng hoảng thị trường bất động sản.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - HoREA khẳng định: "Khó xảy ra khủng hoảng thị trường bất động sản".

Cơ hội nào cho nhà đầu tư trong giai đoạn này?

Trả lời câu hỏi trên của các nhà đầu tư bất động sản, chuyên gia Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng, lo ngại về khủng hoảng theo khía cạnh vĩ mô không nặng nề nhưng sự dịch chuyển phân khúc là có.

Nên đầu tư vào động lực của người mua, khuynh hướng tiêu dùng thật sự đã có dịch chuyển. Quy luật của bất động là "up and down". Nhà đầu tư không nên lo lắng về chuyện đó mà chủ yếu là danh mục đầu tư của mình, không nên tập trung vào một loại sản phẩm.

"Chậm hay ngừng giao dịch chỉ có tính cục bộ. Nghiên cứu được sẽ không chịu áp lực trong việc đầu tư. Nhóm nhu cầu mới là cơ hội bám sát để đầu tư cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp", ông Nghĩa nói.

Công Quang

Khó xảy ra khủng hoảng thị trường bất động sản - 3