Về cáo buộc “26 khách hàng Việt che giấu 37,5 triệu USD” tại HSBC Thụy Sĩ:

Khó xác định hành vi rửa tiền

Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) vừa yêu cầu HSBC chi nhánh Việt Nam cung cấp thông tin cụ thể về việc 37,5 triệu USD của 26 khách hàng Việt Nam bị cáo buộc là trốn thuế tại Thụy Sĩ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Mới đây, HSBC tại Thụy Sĩ bị cáo buộc giúp đỡ các khách hàng giàu có trốn thuế, che giấu hàng triệu USD tài sản và tiền mặt. Scandal này được đánh giá là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử ngân hàng với hơn 106.000 thông tin tài khoản của khách hàng ở 203 quốc gia bị công khai, trị giá hơn 100 tỉ USD tài sản.

Đáng chú ý, trong danh sách các quốc gia có khách hàng giấu tiền trốn thuế tại HSBC, Việt Nam xếp ở vị trí 125 với tổng số tiền gửi khoảng 37,5 triệu USD. Số tiền lớn nhất mà một khách hàng Việt Nam gửi trị giá 12,2 triệu USD. Trên tổng số 26 khách hàng liên quan tới Việt Nam bị lộ trong danh sách, có 12% là người có hộ chiếu hoặc quốc tịch Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một lãnh đạo của Cục Phòng, chống rửa tiền cho biết: “Chúng tôi mới chỉ biết thông tin qua báo chí chứ chưa hề có bất kỳ nguồn tin chính thức nào. Cục đã yêu cầu HSBC tại Việt Nam trình đơn lên HSBC hội sở để xin thông tin cụ thể về 26 khách hàng liên quan đến Việt Nam là ai? Họ gửi bao nhiêu tiền? Nguồn tiền ở đâu?”. 

Vị này cũng thừa nhận, để xác định hành vi rửa tiền của 26 khách hàng trên là rất khó. Thứ nhất, sự việc không xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam mà ở HSBC tại Thụy Sĩ nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, theo thông tin công bố trên website của ICIJ (Tổ chức Nhà báo điều tra quốc tế) cũng chỉ nói 26 khách hàng đó liên quan tới Việt Nam chứ không có thông tin nào khẳng định tất cả 26 khách hàng trên gửi tiền trốn thuế từ Việt Nam. Thứ ba, sự việc trên xảy ra từ vài năm trước và hơn nữa để xác định được hành vi là rửa tiền, cần xác định nguồn tiền từ đâu, nguồn tiền đó có phạm pháp không?

 Cục Phòng, chống rửa tiền khẳng định HSBC chi nhánh tại Việt Nam là một trong những ngân hàng tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật Việt Nam.
 
Khó xác định hành vi rửa tiền
 
Trong khi đó, đại diện của HSBC tại hội sở chính London thừa nhận: “Chúng tôi nhận thức được hành vi của HSBC tại Thụy Sĩ là sai trái và chịu trách nhiệm cho những thất bại trong việc quản lý”. 

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện của HSBC tại Việt Nam cho biết, sự việc đánh cắp dữ liệu xảy ra tại ngân hàng cá nhân cao cấp của HSBC tại Thụy Sĩ vài năm trước đây. HSBC Việt Nam trấn an rằng các khách hàng có thể yên tâm là HSBC đang thực hiện những biện pháp cần thiết để những tình huống tương tự không diễn ra lần nữa. Ngân hàng cá nhân cao cấp của HSBC tại Thụy Sĩ cũng đang tiến hành nhiều thay đổi triệt để trong những năm gần đây, bao gồm việc áp dụng hàng loạt chương trình được thiết kế để ngăn chặn không để các dịch vụ ngân hàng của HSBC bị lợi dụng cho việc trốn thuế hoặc rửa tiền.

Trước đó, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 116 về phòng, chống rửa tiền. Nghị định nêu rõ trách nhiệm của NHNN trong công tác này, bao gồm: Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền; Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; thông báo kịp thời cho cơ quan phòng, chống khủng bố có thẩm quyền thông tin về hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố theo quy định về chuyển giao thông tin và pháp luật về phòng, chống khủng bố…
 
Theo Lan Hương
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”