Khổ vì đi "đòi lại" thuế thu nhập

Chính thuế thu nhập cá nhân làm khổ người lao động nghèo, tạo ra sự quá tải cho cả bộ máy cơ quan thuế, thay vì tập trung quản lý nguồn thu lại mất nhiều tháng trời tập trung hoàn thuế.

Hiện tại người lao động (NLĐ) không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng dưới ba tháng nếu có thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên sẽ phải đóng thuế thu nhập vãng lai 10%. Thế nhưng thực tế số NLĐ kiếm thêm thu nhập vãng lai đa số có thu nhập thấp và không thường xuyên. Nhiều ý kiến cho rằng nếu thu trước 10% mỗi khoản thu nhập trên 2 triệu đồng thì sẽ thiệt thòi cho NLĐ thu nhập thấp, một phần thu nhập kiếm thêm của họ lại bị “chiếm dụng” suốt một năm, cuối năm lại phải vất vả đi hoàn thuế.

Đã nghèo còn bị... hành

Anh Nguyễn Văn Lâm (quận 12, TP.HCM) hiện làm việc tại một công ty chuyên kinh doanh thực phẩm, ký hợp đồng lao động một năm với mức thu nhập chưa tới 9 triệu đồng/tháng. Theo anh Lâm, chi phí ăn ở sinh hoạt, chưa kể phụ giúp gia đình quá lớn khiến anh chật vật nên phải tranh thủ làm thêm cho một công ty nữa, tính ra mỗi tháng kiếm thêm được 3 triệu đồng. Nhưng khoản thu nhập vãng lai này trên 2 triệu đồng, anh phải đóng thuế 10% là 300.000 đồng/tháng.

Tính ra tổng thu nhập mỗi tháng của anh Lâm là 12 triệu đồng, khoản thu nhập chịu thuế là 3 triệu đồng/tháng. Với mức thuế suất phải đóng là 5% theo biểu thuế lũy tiến từng phần của cơ quan thuế, số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của anh Lâm phải đóng là 150.000 đồng/tháng. Vì số thuế TNCN cả năm thấp hơn số thuế thu nhập vãng lai (300.000 đồng/tháng) đã đóng trước nên anh Lâm được hoàn thuế 150.000 đồng/tháng.

“Số tiền tuy nhỏ nhưng tính ra cả năm được hoàn số thuế 1,8 triệu đồng, đây là khoản mà người thu nhập thấp như mình có thể trang trải một số việc. Nhưng cái khổ của NLĐ là phải đi làm thủ tục hoàn thuế mất mấy ngày. Theo tôi, nên giảm mức thuế TNCN từ thu nhập vãng lai xuống mức thấp 5% thì bù qua sớt lại, NLĐ không bị thiệt, họ không phải mất công đi làm thủ tục hoàn thuế” - anh Lâm chia sẻ.


Người dân đến làm thủ tục thuế tại trụ sở Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Q.Huy

Người dân đến làm thủ tục thuế tại trụ sở Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Q.Huy

Khổ sở hơn là trường hợp của anh Quân (quận Bình Thạnh, TP.HCM), làm việc cho một công ty truyền thông với thu nhập thấp chỉ 5 triệu đồng/tháng, anh phải viết kịch bản thêm, “chạy” quảng cáo cho một đơn vị khác kiếm thêm khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Nhưng tổng các khoản giảm trừ của anh Quân gồm giảm trừ gia cảnh cho bản thân 9 triệu đồng + giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc là còn 3,6 triệu đồng/người, trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tính ra tổng các khoản giảm trừ của anh Quân hơn 13 triệu đồng/tháng trong khi tổng thu nhập của anh Quân thấp hơn nên anh không phải đóng thuế TNCN.

Thế nhưng anh Quân cho biết anh vẫn phải đi làm thủ tục hoàn thuế số tiền thuế 10% đã đóng cho khoản thu nhập kiếm thêm 5-6 triệu đồng/tháng.

Đối với trường hợp NLĐ gặp doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng còn khổ hơn, vì đi “đòi lại” số tiền thuế TNCN mà họ không phải đóng vì thu nhập thấp dưới 9 triệu đồng/tháng.

Chị Thúy An (quận Thủ Đức, TP.HCM) kể lại hành trình đi làm thủ tục hoàn thuế vừa ấm ức vừa khổ sở vì chờ đợi, khai lên khai xuống. Chị An cho biết chị làm bộ phận chăm sóc khách hàng cho một tổ chức tín dụng. Dù làm việc thường xuyên nhưng tổ chức tín dụng này lại chỉ ký hợp đồng cộng tác viên. Vì vậy, chị An phải chịu thuế TNCN đối với thu nhập vãng lai, mỗi tháng lương 6 triệu đồng, chị bị trừ thẳng 600.000 đồng/tháng, chưa kể không được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

“Cuối năm tôi phải đi lên cơ quan thuế khai thuế TNCN để được hoàn lại 100% số tiền thuế (vì thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng không chịu thuế) đã đóng hơn 7 triệu đồng bị “chiếm dụng” cả năm. Trường hợp tôi làm lâu năm còn biết đi “đòi lại” số tiền thuế nhưng có nhiều NLĐ chỉ làm vài tháng, ngại đi làm thủ tục hoàn thuế nên chịu mất luôn” - chị An nói.

Khổ cả cơ quan thuế

Không chỉ NLĐ chịu thiệt thòi, khổ sở với thủ tục hoàn thuế mà cơ quan thuế cũng khổ không kém. Mới đây, Cục Thuế TP.HCM đã kiến nghị giảm thuế TNCN đối với thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên xuống 5%, thay vì 10% như hiện nay.

Bà Lê Thị Thu Hương, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho rằng mức khấu trừ 10% với các khoản thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên là quá cao, khiến lượng hồ sơ hoàn thuế TNCN tăng liên tục qua các năm.

Theo Cục Thuế TP.HCM, trong năm tháng đầu năm 2017 lượng hồ sơ xin hoàn thuế của phòng thuế TNCN đã lên đến hơn 8.600 hồ sơ trong khi lượng hồ sơ xin hoàn thuế cả năm 2016 chỉ hơn 8.200 hồ sơ. Nếu tính cả lượng hồ sơ xin hoàn thuế TNCN của các phòng và chi cục thuế, con số này càng lớn hơn.

Đáng chú ý, hơn 63% lượng hồ sơ hoàn thuế TNCN có số thuế hoàn từ 5 triệu đồng trở xuống, có hồ sơ có số thuế hoàn chỉ vài chục ngàn đồng. Trong khi đó dù hồ sơ có số thuế hoàn nhiều hay ít, cơ quan thuế cũng phải giải quyết theo một quy trình như nhau với tám chữ ký sống khiến cơ quan thuế tốn rất nhiều thời gian chỉ để giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Ngoài ra, Cục Thuế TP.HCM cũng kiến nghị Tổng cục Thuế làm việc với Kho bạc Nhà nước để đơn giản thủ tục hành chính khi thực hiện hoàn thuế TNCN.

Theo bà Hương, thay vì phải lập từng hồ sơ cho từng cá nhân như hiện nay, nên cho phép cơ quan thuế lập một lệnh hoàn chung cho nhiều cá nhân có tài khoản tại một ngân hàng, tương tự cách lập danh sách chi lương của các doanh nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí cũng như thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thế TNCN.

Trước đó, Cục Thuế TP.HCM từng kiến nghị nâng mức khởi điểm khấu trừ với người có thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng lên mức 5 triệu đồng nhưng bị cục thuế các tỉnh phản đối do lo ngại không còn nguồn để thu.

Chính sách thuế càng đơn giản, người nộp thuế dễ thực hiện và cơ quan thuế cũng dễ quản lý. Đại diện một công ty tư vấn thuế cho rằng cần phải giảm mức thuế suất phải nộp ở bậc 1 xuống 1%-2% thay vì 5% như hiện hành. Ví dụ bậc 1 là dưới 10 triệu đồng đóng thuế suất 1% hoặc 2%, bậc 2 là trên 10-20 triệu đồng đóng mức 10%, rồi từ đó tăng lên mức 20%-30% là cao nhất. Bởi sau giảm trừ gia cảnh, 5 triệu đồng không phải số tiền lớn, mức thuế suất bậc đầu nên thấp. Giảm thuế suất sẽ khuyến khích người nộp thuế tự nguyện thực hiện nghĩa vụ.

Theo các chuyên gia, mức thuế cao nhất tới 35% khiến người nộp thuế cảm nhận chính sách Việt Nam đang tận thu. Trong khi đó nhiều nước trên thế giới có mức thu nhập và GDP đầu người cao lại khác, mức 20% là cao nhất, để phải chịu mức thuế 20% thì thu nhập phải rất cao.

Trong khi thu nhập của người Việt trên mức 108 triệu đồng/năm phải chịu thuế thì theo số liệu năm 2016 do Cơ quan thuế Singapore công bố, người có thu nhập trên 40.000 SGD (tương đương hơn 650 triệu đồng) mới chỉ đóng thuế TNCN là 7% và sau 80.000 SGD (hơn 1,3 tỉ đồng) là 11%, mức thuế TNCN cao nhất chỉ là 20%.

TẠ THỊ PHƯƠNG LAN, Vụ phó Vụ Quản lý thuế TNCN, Tổng cục Thuế:

Làm sao khi thực hiện khấu trừ tại nguồn là xong

Tổng cục Thuế đồng tình với đề xuất của Cục Thuế TP.HCM, giảm thuế TNCN đối với thu nhập vãng lai xuống 5% thay vì 10% như hiện nay. Đây là một trong những phương án nằm trong các giải pháp tổng thể giảm thiểu hồ sơ quyết toán thuế.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi biểu thuế suất TNCN. Sắp tới chúng tôi sẽ trình phương án sửa Luật Thuế TNCN. Quan điểm chung của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính là sửa đổi thuế TNCN để làm sao khi thực hiện khấu trừ tại nguồn là xong, tránh việc cá nhân tiếp tục quyết toán lần hai bởi có nhiều cá nhân có các nguồn thu nhập trong một năm mà họ không nhớ hết được, họ cũng không thể tính cụ thể mức thuế để biết có phải nộp thêm hay không.

NGUYỄN THỊ CÚC, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam:

Câu chuyện ở đây không quan trọng là 5% hay 10%

Tôi cho rằng vấn đề cốt lõi không phải là mức thuế khấu trừ bao nhiêu. Thực ra mức thuế 10% như hiện nay của Việt Nam vẫn thấp hơn một số nước. Thậm chí nếu so với mức thuế thu nhập của người nước ngoài làm việc ở Việt Nam thì người Việt Nam vẫn thấp hơn một nửa. Quan điểm của tôi là ngành thuế hãy có phương án cho người nộp thuế để khấu trừ luôn, không cần giảm thuế về 5% vì với mức đó thì người nộp thuế vẫn phải hoàn thuế. Do đó, câu chuyện ở đây không quan trọng là 5% hay 10% mà hãy khuyến khích người dân đăng ký mã số thuế để quản lý.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta giảm thuế về 5% nghĩa là phải xin ý kiến Quốc hội sửa Luật Thuế TNCN. Liệu rằng chỉ vì giảm thuế 5% mà sửa luật thì có nên không trong khi chúng ta có nhiều giải pháp thiết thực hơn.

Chuyên gia thuế NGUYỄN THÁI SƠN:

Thu nhập người Sài Gòn đang giảm?

Với mức thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới đóng thuế mà chính cơ quan thuế còn lo lắng không thu được thuế thì không thể nâng mức TNCN phải đóng thuế tăng cao lên nữa.

Còn chuyện hoàn thuế thu nhập vãng lai ngày càng nhiều áp lực cho NLĐ, lôi cả bộ máy thuế mệt mỏi theo. Nguyên nhân hoàn thuế tăng có thể do cơ quan thuế không kiểm soát được thu nhập của NLĐ từ nhiều nguồn, nhiều nơi, họ có mã số thuế hết rồi nhưng cơ quan thuế lại không hệ thống, nắm chắc được TNCN. Số lượng hoàn thuế tăng có thể do thu nhập của NLĐ của TP.HCM ngày càng sụt giảm nhưng chưa chắc đúng. Thứ hai là do cơ quan thuế quản lý không chặt các nguồn thu nhập, người ta đã ăn gian thuế, thu nhập vãng lai cao, họ giấu được. Vì vậy, cục thuế cần có biện pháp quản lý, kiểm soát được thu nhập nhiều nguồn của NLĐ.

Luật sư TRẦN XOA, Công ty Luật Minh Đăng Quang:

Cần bỏ bớt các bậc thuế suất trong biểu thuế lũy tiến

Ngoài việc giảm mức thu xuống còn 5% thuế TNCN từ thu nhập vãng lai thì cần bỏ bớt các bậc thuế suất trong biểu thuế lũy tiến. Hiện nay có tới bảy bậc thuế là quá dày (thuế suất 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%). Nên chăng cơ quan thuế kiến nghị giảm còn khoảng ba bậc là 10%, 20%, 30% (bỏ các bậc lẻ)? Theo tôi, nếu nâng mức thu nhập vãng lai phải đóng thuế thu nhập lên 5 triệu đồng hay nâng mức TNCN phải đóng thuế từ trên 9 triệu đồng/tháng lên cao hơn nữa thì rất khó khăn để đưa ra cách tính hợp lý. Vì vậy chỉ cần bỏ các bậc lẻ, giữ lại các bậc chẵn thì gián tiếp nâng mức thu nhập tính thuế của NLĐ cao lên, có lợi cho NLĐ.

Theo Trà Phương - Minh Long
Pháp luật TPHCM