1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khó tin: Vốn 17 triệu đồng vẫn trở thành… đại cổ đông của “vua chiếu xạ”

(Dân trí) - Tuổi đời chưa tới 1 năm, vốn điều lệ chỉ khoảng 17 triệu đồng với vỏn vẹn 4 nhân viên, thế nhưng công ty có trụ sở tại Singapore này vẫn trở thành cổ đông lớn của “vua chiếu xạ” An Phú, thậm chí được ban lãnh đạo công ty này ưu ái và khiến đại hội đồng cổ đông “mếch lòng”.

Tổ chức đầu tư tài chính có trụ sở tại Singapore Torus Capital Investment Pte.Ltd mới đây vừa công bố thông tin về việc trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú (mã chứng khoán APC).

Theo đó, tổ chức này đã thực hiện mua vào 422.660 cổ phiếu APC để nâng mức sở hữu lên 835.000 cổ phiếu chiếm 7,07% vốn điều lệ của An Phú và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp. Giao dịch được diễn ra vào ngày 21/5/2018.

Thông tin về cổ đông chiến lược Torus của Chiếu xạ An Phú khiến các cổ đông khác thất vọng
Thông tin về cổ đông chiến lược Torus của Chiếu xạ An Phú khiến các cổ đông khác thất vọng

Cùng thời điểm đó, ông Đào Ngọc Quốc đã bán ra lượng cổ phiếu tương ứng, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 4,89% và không còn là cổ đông lớn của An Phú.

Phiên 21/5, giao dịch cổ phiếu APC tăng vọt lên 428.560 cổ phiếu (gấp hơn 10 lần bình thường), giá trị giao dịch đạt 12,8 tỷ đồng. Đây cũng là phiên duy nhất mã này tăng giá nhẹ 0,34% kể từ ngày 16/5.

Torus là một công ty trách nhiệm hữu hạn tại Singapore, được cho biết là đối tác giúp An Phú tìm kiếm nguồn khách hàng FDI. Đáng chú ý, công ty này mới chỉ được thành lập vào ngày 28/9/2017 với vỏn vẹn 4 nhân viên, vốn điều lệ 1.000 SGD (tương đương khoảng 17 triệu đồng), do bà Trần Hạnh Hoa sở hữu 100% vốn.

Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 3 vừa qua của An Phú đã bác tờ trình của Hội đồng quản trị công ty này về việc phát hành riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Torus.

Tuy nhiên, ngay tại cuộc họp này, An Phú đã lập tức bổ sung tờ trình về việc phát hành 3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1 với giá chào bán 20.000 đồng/cổ phiếu và chào bán 3 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư với giá tối thiểu 20.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, sở hữu của Torus Capital sau đợt phát hành dự kiến là 16,85%. Mặc dù gây tranh cãi song tờ trình này sau đó vẫn được đại hội đồng cổ đông thông qua.

Đến ngày 26/3, Hội đồng quản trị An Phú bất ngờ công bố nghị quyết duyệt giá chào bán 3 triệu cổ phiếu cho Torus là 40.000 đồng, dự kiến thu về 120 tỷ đồng.

Thời điểm đầu tháng 3, thị giá APC có lúc đạt hơn 77.000 đồng/cổ phiếu. Đến ngày họp đại hội đồng cổ đông thường niên, giá đã giảm còn 50.500 đồng và hiện tại, mã này đang giao dịch tại mức 27.200 đồng (phiên 25/5).

Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng qua, giá cổ phiếu APC đã bốc hơi tới hơn 60%. Giữa bối cảnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp này lại liên tục đăng ký mua vào.

Giá APC đã bốc hơi hơn 60% trong 3 tháng qua
Giá APC đã "bốc hơi" hơn 60% trong 3 tháng qua

Mới đây, ông Võ Thái Sơn, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc (em trai bà Võ Thùy Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc) đã đăng ký mua vào 300.000 cổ phiếu APC tương ứng 2,54% vốn điều lệ An Phú. Trước đó, ông Sơn không hề có cổ phần tại công ty này. Hồi đầu tháng 5, cá nhân bà Dương cũng đã mua thêm 369.080 cổ phiếu để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 34,11%.

Bích Diệp

Khó tin: Vốn 17 triệu đồng vẫn trở thành… đại cổ đông của “vua chiếu xạ” - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm