Khổ như thân cò… đất thời khủng hoảng

Thời đại gia “chơi” nhà đất chết như ngả rạ, cò đất vốn một thời tiêu hoang như ông hoàng giờ thất nghiệp, ngồi ngáp ngắn dài chờ thời hay đi môi giới cò con kiếm bạc cắc qua ngày.

Khổ như thân cò… đất thời khủng hoảng
 
Trung tâm môi giới đất đai Thành Công nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp- quận 9, TPHCM dù khá rộng nhưng trông “hoang tàn” bởi lâu ngày ít lau chùi, dọn dẹp. Sau cánh cửa ọp ẹp là những chiếc bàn để đầy giấy tờ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Một chàng đang ngồi tự xưng là nhân viên trực ban bảo với tôi: “Các nhân viên đã đi hết xuống các công trình rồi, chỉ mình tôi trực thôi”. 

Hỏi kỹ, chàng tên Hoàng này mới lộ ra, làm nhân viên ở trung tâm được vài năm, bây giờ ế ẩm, trung tâm không trả lương nữa mà khoán theo sản phẩm. Nghĩa là bán được cái nào ăn cái đó, không thì treo niêu. Hoàng thú thật là cũng chả biết trung tâm hiện có bao nhiêu nhân viên bởi tất cả chỉ là cộng tác, lấy văn phòng trung tâm để giao dịch hay làm giấy tờ pháp lý. Hoàng bảo: “Từ Tết tới giờ không kiếm được mối nào, chán quá mình nằm đây cho qua ngày”.

Cò thời khủng hoảng

Không hẳn nằm dài như Hoàng nhưng nhiều nhân viên môi giới nhà đất tuy gọi là có việc làm nhưng lại là công việc chẳng lấy gì làm thú vị. Nhiều công ty môi giới đất đai giờ chuyển sang quảng cáo bằng cách áp dụng “công nghệ cao” như gửi tin nhắn hay email tới tất cả khách hàng mà họ có được địa chỉ hay điện thoại.

Trung tâm môi giới hoang vắng
 Trung tâm môi giới hoang vắng

Bởi vậy bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi bất ngờ nhận được tin nhắn bán nhà, bán đất của người không quen dù rằng bạn chỉ là một anh xích lô thu nhập hằng ngày đủ để ăn cơm đạm bạc hay một anh sinh viên còn đang nương nhờ sự trợ giúp bố mẹ. Nhưng cách chọn quảng cáo công nghệ cao đó còn gọi là văn minh, bởi tại Sài Gòn, có những công ty môi giới địa ốc đã tổ chức hẳn một chương trình rầm rộ nhưng rất “thủ công” như cho nhân viên đi… phát tờ rơi bán đất, vác băng rôn đi trên đường rao ầm ỹ hay là treo quảng cáo trên cột điện.

Công việc nặng nhọc nhưng lương lại chả được bao nhiêu bởi “không thể dùng cách Sơn Đông mãi võ” này để bán nhà bán đất được. Giá trị một lô đất, một căn nhà bèo nhất cũng cả trăm triệu, rao như rao bán rau bán thịt thì làm gì có khách mua”, Hoa, nhân viên môi giới của một trung tâm trên đường Trần Não, quận 2, nói.

Dù không thích, dù đi rạc cẳng cả ngày chẳng có khách nào hỏi tới, cô vẫn phải làm vì dù sao cũng còn được chút tiền công. Thậm chí nhiều khách vừa nhận tờ rơi đã ném toẹt xuống đất chẳng thèm nhìn. Còn treo cột điện thì chỉ thời gian ngắn, quảng cáo đã rách te tua.

Dù áp dụng nhiều cách để tồn tại nhưng khi thị trường đã xuống đáy, các văn phòng môi giới cũng khó duy trì hoạt động với các chi phí thuê mặt bằng làm văn phòng, tiền điện, nước, thuế...

Bởi thế nhiều con đường trước đây vài năm được mệnh danh là con đường địa ốc ở khu vực ngoại thành TPHCM như Trần Não, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định (quận 2), Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp (quận 9)… với hàng trăm công ty địa ốc, văn phòng môi giới nhà đất chen chúc nhau thì giờ đây chỉ còn vài văn phòng còn mở cửa. Dĩ nhiên cũng bèo bọt, cầm chừng.

Và chiêu trò của cò

Trong bối cảnh ế ẩm để tồn tại, lực lượng cò vẫn tìm nhiều chiêu để kiếm ăn. Anh Tuấn, 46 tuổi, nhà đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, một khách hàng của cò đất đã kể câu chuyện cười ra nước mắt về những chiêu trò của cò thời khủng hoảng. Có chút tiền tích lũy, anh quyết định bán căn nhà cũ để dồn tiền xây nhà mới trên miếng đất cha mẹ cho. Sau khi nghe anh đánh tiếng, một cò tên Kim đã tới đặt vấn đề nếu giới thiệu được cho khách mua, cò đất sẽ được hưởng hoa hồng 1%.

Thấy như vậy là hợp lý, anh Tuấn đã đưa cho cò bản photo giấy tờ nhà của mình. Tuy chỉ đưa bản duy nhất cho một cò tên Kim nhưng chỉ ngay ngày hôm sau, đội ngũ cò đã nườm nượp dắt khách tới xem nhà. Trên tay cò nào cũng sẵn vài bản photo giấy tờ đất của anh. Bực mình anh Tuấn liền gọi cho cò Kim, anh ta cười: “Thì tụi em cũng phải liên kết với nhau để kiếm khách chớ. Anh an tâm đi, ai giới thiệu được khách thì ăn hoa hồng, có gì đâu mà anh lo”.

Tuy hơi bực mình, nhưng nghe nói thế anh Tuấn cũng bỏ qua. Nào ngờ đội ngũ cò tới quá đông. Thậm chí có ông khách vừa tới cửa đã mắng thẳng anh Tuấn “sao nhà này anh rao bán ở nhiều trung tâm thế? Từ sáng tới giờ mà có tới ba người cùng dắt tôi vào nhà này là sao?”. Nghe thế anh Tuấn chỉ biết cười như mếu.

Nhưng khi anh Tuấn đang giới thiệu nhà cho một khách xem thì có ông bạn hàng xóm sát bên đi ngang. Thấy khách xem nhà, ông bạn xởi lởi: “Quang, mày làm gì có tiền mà lại mua thêm nhà?”. 

“Hóa ra Quang là tên của ông khách, nhà cách anh Tuấn chừng hơn chục căn.  Vì Quang thường đi làm xa nên ở xóm ít người biết mặt. Giờ đang thất nghiệp, Quang đi xem nhà là để tìm cách môi giới cho khách khác. Nhưng Quang cũng bày đặt diễn y hệt khách đi hỏi mua nhà khi tìm hiểu về tình hình an ninh trật tự, điện nước...

Bị lộ tẩy. Quang cười: “Thì rảnh rỗi chẳng biết làm gì hết, nhảy vô làm cò để hy vọng kiếm chút cháo”. Báo hại anh Tuấn mất cả tiếng đồng hồ để dắt tới dắt lui, trình bày tùm lum rồi đưa xem giấy tờ này nọ.

Rồi một hôm anh Tuấn lên mạng coi giá nhà, đột ngột anh thấy căn nhà gần khu phố mình đang được rao bán với giá cao hơn chừng 200 triệu đồng so với giá nhà anh. Phần ưu thế của căn nhà thì ăn đứt nhà anh. Thử liên lạc với chủ rao bán, anh được dắt tới ngay… chính căn nhà của mình. Thì ra cò đã vẽ thêm rồng rắn cho căn nhà của anh rồi rao trên mạng miễn phí với giá cao hơn.

Thấy anh thắc mắc, cò an ủi: “Em bán cho anh giá cao hơn thì em ăn, anh còn đỡ mất tiền chênh lệch đó chớ”. Anh Tuấn về tìm kỹ trên mạng, hóa ra căn nhà anh đã được rao ở cả vài chục trang web mua bán nhà đất. Tuy nhiên, số điện thoại gia chủ không phải là của anh mà của tay cò nào đó. Thậm chí cò còn gióng giả đăng kèm “không tiếp môi giới, chỉ tiếp chính khách mua”.

Bán nhà cho chủ mà cò cứ làm như nhà của chính cò. Rồi cò đưa khách tới xem, đưa ra cả bản vẽ quy hoạch, bản dự án đất của khu vực nhà anh. Toàn những thứ giấy tờ mà anh chả biết là cò lần ra từ chỗ nào. Nhưng xem ra những giấy tờ đó có vẻ khá thuyết phục khách mua.

Cuối cùng anh Tuấn cũng bán được nhà. Tuy nhiên, sau khi trả tiền môi giới cho cò như đã thỏa thuận thì ngay trong buổi chiều, đã có ba cò khác tới đòi anh tiền môi giới. Cò nào cũng khẳng định chính họ là người đã giới thiệu ông khách mua nhà cho anh Tuấn. Thậm chí có cò còn hùng hổ nếu anh không trả tiền môi giới thì họ sẽ quậy anh “tới nơi tới chốn”. 

May mắn là một người có kinh nghiệm đã chỉ dẫn cho anh Tuấn trước khi nhận tiền bán nhà là bắt khách mua nhà phải viết cam kết rõ ràng là đã thông qua trung tâm nào giới thiệu. Chính vì thế khi bị đòi tiền, anh đưa bản cam kết đó ra nên các cò đều bẽ mặt. Một vài cò xuống nước, ngỏ ý xin anh chút tiền gọi là… xăng xe. 

Năn nỉ chán rồi lại kêu than khổ ải, mãi không được còn buông tiếng chửi thề rồi… đi. Anh Tuấn thở dài: “Chả biết cò làm ăn kiểu gì mà cứ như phường chụp giựt. Mang tiếng môi giới toàn tiền tỷ mà hết hăm dọa lại tới năn nỉ xin tiền”.
 
Theo Hữu Quân
Tiền Phong
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước