Khó giữ nguyên lãi suất huy động USD

Tuy nhu cầu về ngoại tệ có tăng trong các tháng còn lại của năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhẹ đến hết tháng 2/2008 nhưng theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành ngân hàng, lãi suất huy động USD sẽ được điều chỉnh giảm trong một, hai tuần tới.

Nguyên nhân chính là lãi suất huy động tiền gửi bằng USD trong nước đã tăng ở mức khá cao so với lãi suất cơ bản của đồng USD, nhất là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa điều chỉnh giảm lần thứ 3 lãi suất này kể từ đầu năm, xuống còn 4,25%/năm.

Thực tế, trên thị trường đã có nhiều ngân hàng rục rịch chuẩn bị kế hoạch điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiết kiệm bằng ngoại tệ.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Đào Hồng Châu cho biết, kế hoạch giảm lãi suất của Ngân hàng đã được hoàn tất và dự kiến chính thức điều chỉnh trong tuần tới. Trước đó, Eximbank là một trong số các ngân hàng cổ phần của Việt Nam đã nhiều lần tăng lãi suất huy động USD, với 5 lần điều chỉnh kể từ đầu năm 2007 đến nay.

Tuy nhiên, so với ABBANK, hiện mức lãi suất của Eximbank vẫn thấp hơn khoảng 0,3%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của Eximbank hiện nay là 5,25% (bằng với lãi suất của FED vào đầu năm 2007, khi chưa cắt giảm).

Trong khi đó, lãi suất huy động USD của ABBANK lên đến 5,65% - 5,7%/năm. Ngoài ra, Ngân hàng này còn phát hành thêm các kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi bằng ngoại tệ, với mức lãi suất hấp dẫn.

Thế nhưng, trước động thái cắt giảm lãi suất của FED, các ngân hàng trong nước khó có duy trì mức lãi suất hiện tại. Sau khi tăng lãi suất huy động USD lên mức xấp xỉ 5,7%/tháng vào tháng 9/2007, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) vừa cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình lên kế hoạch giảm lãi suất huy động ngoại tệ, vì không thể duy trì ở mức quá cao so với lãi suất cơ bản USD của FED.

Thực tế, lãi suất huy động ngoại tệ của các ngân hàng trong nước hiện nay cao hơn khoảng 1%/năm so với mức lãi suất FED công bố. So với đầu năm, lãi suất huy động USD của các ngân hàng cổ phần tính đến tháng 11/2007 đã tăng từ 0,05 - 0,65%/năm, trong khi lãi suất cho vay ổn định.

Trên thị trường, nhu cầu về ngoại tệ đã có dấu hiệu tăng trong các tháng còn lại của năm (âm lịch). Một phần là do các nhà nhập khẩu hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán cần vốn ngoại tệ để thanh toán hàng hóa.

Bên cạnh đó, các hợp đồng mua bán thường được tất toán vào dịp cuối năm. Trong khi đó, nhu cầu nhập vàng của các ngân hàng cổ phần đang có dấu hiệu gia tăng nên cần có nguồn ngoại tệ lớn.

Mặc dù vậy, qua trao đổi với tổng giám đốc một ngân hàng thì mức tăng về nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp hiện nay là bình thường như các năm trước, chưa có dấu hiệu đột biến.

Vả lại, trong hai quý giữa năm, các ngân hàng, nhất là khối cổ phần đã ra sức tăng lãi suất USD, phần nào thu hút được nguồn ngoại tệ lớn. Một số ngân hàng thương mại nhà nước cũng huy động được một lượng ngoại tệ đáng kể.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam hiện đang có hơn 1 tỷ USD gửi tại các ngân hàng nước ngoài. Thêm vào đó, vào thời điểm cuối năm, kiều hối theo thông lệ sẽ về nhiều. Nguồn cung lớn hơn cầu nên việc giảm lãi suất huy động là hoàn toàn có cơ sở.

Thực tế, lãi suất huy động tiền gửi USD của ngân hàng trong nước thường theo diễn biến của FED. Các ngân hàng cổ phần thường điều chỉnh lãi suất huy động USD khi FED tăng và ngược lại.

"Không lý do gì các ngân hàng lại tăng lãi suất khi FED đã 3 lần liên tiếp điều chỉnh giảm xuống mức khá thấp so với mặt bằng lãi suất huy động USD trong nước. Có thể, chỉ với một số nhà băng quy mô nhỏ, cần vốn ngoại tệ nên phải tăng lãi suất huy động để có nguồn cung chủ động đáp ứng nhu cầu khách hàng dịp cuối năm. Tuy nhiên, lãi suất USD sẽ khó được điều chỉnh tăng thêm sau động thái lần này của FED", vị chuyên gia trên nói.

Theo Vân Linh
Đầu tư Chứng khoán