Khó chịu lỗ thêm: Xăng muốn tăng giá đầu tháng 3
Giảm 0% thuế xăng vẫn không ăn thua với đà tăng phi mã của giá xăng dầu thế giới. Nhiều ý kiến đang lo ngại giá xăng dầu có thể sẽ lại tăng vào tháng 3 và vì thuế xăng đã hết đường lùi còn quỹ bình ổn thì không đáng bao nhiêu.
Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) giãi bày: "Tình hình đang rất căng. Việc giảm thuế vừa rồi của Bộ Tài chính chỉ giúp giá thành xăng dầu giảm bớt đi chứ chưa thể đủ bù lỗ được."
Theo ông Dũng, tại thời điểm hiện nay, chênh lệch giá cơ sở vẫn cao cách biệt so với giá bán lẻ hiện hành. Cụ thể, nếu như trước đây, khi thuế nhập khẩu xăng A92 là 4%, giá cơ sở xăng A92 cao hơn hẳn 2.500 đồng/lít nhưng sau khi thuế giảm kịch đáy về 0%, khoảng chêch lệch này vẫn không co lại là bao, với mức chêch tới 2.005 đồng/lít.
Mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ đối với các mặt hàng cũng đang duy trì ở mức rất cao. Dầu Diezel có giá cơ sở chênh tới 1.600 đồng/lít, dầu hỏa 1.200 đồng/lít và dầu madut chênh cao hơn 2.000 đồng/lít. Do đó, mặc dù Bộ Tài chính đã lùi thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp song, tỷ lệ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ vẫn không suy chuyển gì nhiều. Lần lượt, tỷ lệ này ở xăng A92 là 9,6%, 7,8% và 5,9%.
Trong khi đó, điểm lại tình hình diễn biến xăng dầu thế giới 7 ngày qua, các doanh nghiệp xăng dầu đều than thở, giá thế giới vẫn không hạ nhiệt mà còn tăng khủng khiếp. Vào thời điểm ngày 21/2, khi thuế suất xăng dầu giảm, trung bình giá thành phẩm trong 30 ngày đối với xăng A92 mới chỉ là 123,74 USD/thùng thì nay, đã tăng lên xấp xỉ 128 USD/thùng.
Riêng giá xăng A92 thành phẩm trên thị trường Singapore ngày 27/2 đã vọt lên tới suýt soát 134 USD/thùng. Đối với dầu diesel thành phẩm, hiện đã tăng tới gần 138 USD/thùng trong khi giá bình quân 30 ngày ở thời điểm 21/2 mới chỉ là 131,26 USD/thùng.
Thị trường xăng dầu vốn diễn biến phức tạp và khó lường. Những cú lập đỉnh liên tiếp của giá thành phẩm trên thị trường thế giới trong tuần qua đã làm nhạt nhòa đi tác dụng lùi thuế, hỗ trợ bù lỗ cho doanh nghiệp của Bộ Tài chính.
Đại diện SaigonPetro cho hay, ngay trước ngày 21/2, chúng tôi đã gửi văn bản xin Bộ cho tăng giá từ từ 1.000- 1.500 đồng/lít các mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ lại không chấp thuận mà thay vào đó ngày hôm sau điều chỉnh thuế. Mức giảm thúe này chỉ đủ bù lại được khoảng 600-700 đồng/lít trong khi số lỗ thực tế của doanh nghiệp là lớn hơn.
Theo phân tích của vị chuyên gia kinh doanh xăng dầu này, với tính toán của Bộ Tài chính thời điểm đó, giảm thuế cộng với việc xả Quỹ bình ổn tới 1.400 đồng/lít xăng, các doanh nghiệp hòa vốn, nhưng trên thực tế thì không được như vậy.
Với riêng SaigonPetro, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn kiệt từ lâu. Mức trích lập chỉ 300 đồng/lít trong khi mức xả Quỹ như ở xăng đã gấp tới 2,5 lần thì có thể hiễu, các doanh nghiệp chỉ được "hưởng" mức bù 1.100 đồng/lít xăng. Nhưng khi Quỹ đã tiêu dùng hết cho việc bình ổn thì nghĩa là thời gian qua, các doanh nghiệp buộc phải trích âm Quỹ, ăn cả vào vốn của doanh nghiệp nên doanh nghiệp càng lỗ thêm.
Đầu tháng 3 sẽ tính chuyện xin tăng giá
Có thể thấy, riêng mặt hàng xăng, mức xả bù từ Quỹ đã tăng rất cao, thuế đã lùi đến giới hạn 0%, nếu giá thế giới tiếp tục tăng như 7 ngày qua thì khả năng, sức ép giá xăng dầu bị điều chỉnh tăng là khó tránh khỏi.
Không ít ý kiến trong giới kinh doanh xăng dầu cho rằng, động thái giảm thuế của Bộ Tài chính vừa qua sẽ tiềm ẩn rủi ro về sau, khó hơn cho điều hành thị trường.
Vì lẽ, Bộ trông chờ vào công cụ Quỹ bình ổn nhưng nguồn này chưa bao giờ là cứu cánh hữu hiệu. Quan sát thời gian qua, cứ trích lập Quỹ bình ổn được 5 tháng nhưng chỉ cần xả trong 1 tháng là Quỹ đã hết sạch, tiếp tục xả Quỹ là "đẽo" vào vốn của doanh nghiệp.
Các kênh thông tin quốc tế cũng đã dự báo giá xăng dầu thế giới còn có thể tăng cao hơn nữa vào tháng 3, tháng 4 do bất ổn chính trị tại Trung Đông, quan hệ căng thẳng giữa châu Âu và nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, Iran vẫn leo thang. Đây cũng là thời điểm nhu cầu về xăng dầu của Mỹ gia tăng cao do rơi vào mùa lễ hội.
Một cách khách quan, các nhà bán lẻ xăng dầu cho rằng, thà cơ quan quản lý cho tăng giá xăng dầu ở mức nhẹ, 500-1000 đồng/lít thay vì giảm thuế như hôm 21/2. Sau đó, dư địa thuế 4-5% sẽ để "dành" ứng phó cho biến động thị trường giai đoạn 30 ngày sau.
Tuy nhiên, khi thuế là giải pháp được lựa chọn trước, tình hình này khiến nhiều vị chuyên gia lo ngại, thị trường xăng dầu tháng 3 của Việt Nam sẽ quay trở lại kịch bản như hồi tháng 2-3/2011 vì quá níu giữ, đến khi tăng lại tăng sốc tới 3000-5.000 đồng/lít.
Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex chỉ bày tỏ: "Tình hình lỗ xăng dầu đã kéo dài hơn 2 tháng rồi. Chúng tôi chỉ kiến nghị là Nhà nước hãy cho doanh nghiệp vận hành theo đúng Nghị định 84. Nếu được như vậy, chúng tôi mới tính toán cụ thể xem xét trên cơ sở giá vốn thực tế tại doanh nghiệp chênh lệch với giá bán lẻ ra sao thì mới có đủ cơ sở kiến nghị cụ thể."
Ông Dũng không quên nhấn mạnh: "Hiện, giá xăng dầu do Nhà nước vận hành, doanh nghiệp không có quyền định giá gì cả. Petrolimex chỉ làm việc là báo cáo đầy đủ tình hình biến động chi phí lên liên bộ, còn xin điều chỉnh tăng giảm ra sao là doanh nghiệp không có ý kiến".
Tuy nhiên, đại diện SaigonPetro thẳng thắn hơn, cho biết: "Nếu giá thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh như hiện nay, đầu tháng 3 chúng tôi sẽ phải tín toán lại và chắc, phải xin tăng giá thôi. Để giữ giá như hiện nay thì không ổn. Nếu cứ trích Quỹ âm nữa thì rất kẹt và khó xử cho doanh nghiệp".
Từ ngày 10/10/2011 đến nay, giá bán lẻ xăng A92: 20.800 đồng/lít, dầu diezen 0,05S 20.400 đồng/lít, dầu hỏa: 20.200 đồng/lít, dầu FO 3%: 17.100 đồng/kg.
Ngày 19/1/2012 , các doanh nghiệp xăng dầu được tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù lỗ, trong đó xăng bù 1.400 đồng/lít; điezen: 1.240 đồng/lít; dầu hoả: 780 đồng/lít; madut: 1.610 đồng/kg.
Ngày 21/2/2012, thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng giảm từ 4% xuống 0%, đối với dầu diesel và dầu hỏa giảm từ 5% xuống 3%. |
Theo Phạm Huyền
VEF