Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản:

Khó bỏ được tỉnh nghèo "dựa lưng" vào ngân sách Trung ương

(Dân trí) - Trao đổi bên lề với báo giới xung quanh câu chuyện chi ngân sách và phân bổ vốn cho các địa phương, ông Phạm Đình Cường, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay rất khó cắt bỏ việc tỉnh nghèo dựa vào ngân sách trung ương hỗ trợ.

Phóng viên Dân Trí xin trích đăng ý kiến của ông Cường về vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Thưa ông, việc phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các địa phương hiện nay cũng là khâu khiến hiệu quả đồng vốn không được đánh giá đầy đủ, tạo thói ỷ lại cho các địa phương thu ít, chi nhiều? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính

- Hiện cơ cấu tổ chức hành chính, phân cấp chi ngân sách của Việt Nam là theo tỷ lệ chia cho các tỉnh, các tỉnh chia cho các huyện, các huyện chia cho các xã, mức độ phân cấp kinh tế ở các vùng miền không giống nhau.

Hiện nay có tới 47 tỉnh được để lại toàn bộ nguồn thu ngân sách địa phương để chi, trong đó 50% số này vẫn cần hỗ trợ từ ngân sách từ trung ương rót xuống.

Như vậy, có thể nói họ thu bao nhiêu để lại ngân sách tỉnh bấy nhiêu nhưng vẫn không đủ để chi, vẫn nhận bổ sung cân đối từ trung ương.

Chính vì việc phân bổ ngân sách, nên không ít tỉnh được hưởng ngân sách mãi trong nhiều năm, không thoát cái bóng ngân sách. Điều này vô hình chung khiến ngân sách Trung ương như bầu sữa ngọt?

- Tôi nghĩ nên kiểm chứng lại thông tin một cách đa chiều, vì có nhiều địa phương sử dụng ngân sách để xây dựng đường, trường và an sinh xã hội, những khoản đầu tư trung, dài hạn rất khó đánh giá hiệu quả ngay tức thì. Nhiều địa phương còn sử dụng ngân sách ấy cho xóa đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng...

Trước đây, tôi nhớ có đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trước khi lên Hà Giang thì kiên quyết yêu cầu phân bổ ngân sách hợp lý, nhưng khi họ lên thực địa ở nơi đây, thấy rõ cuộc sống khó khăn của đồng bào, họ thay đổi hẳn quan điểm.

Hãy đi các tỉnh nghèo xem họ sử dụng vốn ngân sách trung ương lãng phí ở đâu nhiều nhất? Chắc chắn không phải ở các tỉnh phụ thuộc vào ngân sách trung ương mà ở các tỉnh giàu, có các dự án lớn.

Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta đã sử dụng việc phân bổ trong nhiều năm, tỷ lệ các địa phương phụ thuộc vào vốn ngân sách trung ương không thay đổi theo hướng tích cực?

- Cũng có trường hợp ở tỉnh nghèo, ông quan lấy tiền của ngân sách, của dân nên bức xúc. Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng ngân sách trung ương như bầu sữa ngọt ngào.

Các tỉnh nghèo, chúng ta nhìn thấy trụ sở cao to, rộng rãi nhưng đó hầu hết là tiền của trung ương xây dựng. Tỉnh nghèo là dân nghèo, nên theo qua điểm của tôi, ưu tiên tỉnh nghèo, dành ưu ái cho các tỉnh này thoát nghèo.

Bên cạnh đó, định mức chi phân bổ ngân sách là chung, thống nhất. Ví dụ, định mức phân bổ ngân sách đồng bằng là 1 lần, thì miền núi là 1,8 lần. Người dân miền núi nhận ngân sách cao hơn đồng bằng 1-2 lần chứ không phải họ phụ thuộc nguồn thu của địa phương ấy. Đây là tính thống nhất, sự điều phối của hệ thống ngân sách hiện nay.

Việc vốn ngân sách để đầu tư vào cơ sở vật chất cho tỉnh, nhìn về mặt hành chính là tốt cho địa phương, nhưng về hiệu quả đồng vốn thì hạn chế. Trong khi đó, có địa phương như TP.HCM có đóng góp số thu lớn, đang phải "cõng" phần thu ngân sách, số phân bổ ngân sách ngày càng ít đi trong khi điều kiện cơ sở vật chất rất thiếu thốn?

- Vấn đề thất thoát ngân sách chủ yếu tập trung dự án lớn, chứ thất thoát do lương và chi thường xuyên không lớn, không quá nhức nhối. Thất thoát ngân sách nhìn thấy nhất ở đầu tư, mà đầu tư ở thành phố lớn hay tỉnh bé cũng là vấn đề.

TP.HCM là đầu tầu kinh tế cả nước, có đô thị đông dân nhất, đóng góp 1/4 GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách. Tuy nhiên, "cả nước vì Thành phố; Thành phố vì cả nước", đây là khẩu hiệu không chỉ từ Trung ương, Bộ Chính trị mà thống nhất trong các bộ ngành, địa phương.

Tôi được biết, nguồn thu ngân sách địa phương của TP.HCM phân bổ cho địa phương ngày càng thấp đi, nay chỉ còn 18%. Vậy làm thế nào để giải quyết câu chuyện chi cho TP.HCM đây!?

Nhìn từ xã hội và dư luận, chúng ta khó lòng phản bác được vấn đề TP.HCM đang phải "cõng" thu ngân sách cho các địa phương khác. Người dân, doanh nghiệp làm ra nhiều của cải nhưng cơ sở vật chất vẫn yếu kém, ít được đầu tư tương xứng. Tuy nhiên, không phải làm bao nhiêu chi bấy nhiêu, thế thì những địa phương khó khăn, chi bằng cái gì?

Nếu không sửa được phân bổ ngân sách, còn cách nào để duy trì động lực tăng trưởng cho TP.HCM trong khi cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm của Thành phố còn thiếu so với yêu cầu phát triển?

- Nếu chúng ta coi phân bổ ngân sách như miếng bánh, thì trường hợp tăng cho TP.HCM, tức là lấy nhiều hơn đi, vậy các tỉnh khác sẽ chỉ được hưởng mức phân bổ ít đi.

Chúng ta không sửa như vậy được mà phải tìm cách để Thành phố có thu thêm, khuyến khích thu thêm bằng cơ chế đặc thù. Vừa qua TP.HCM là địa phương duy nhất được ban hành phí đậu xe trên vỉa hè theo giá của địa phương; sắp tới là thuế tiêu thụ đặc biệt riêng cho bia rượu...

Tăng doanh thu cho TP.HCM để có thêm tiền đầu tư lại, tránh kẹt xe, chống ngập nước, TP. HCM phải có nguồn thêm. Chúng ta phải tập trung nghiên cứu để giải quyết vấn đề này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền (Ghi)

Khó bỏ được tỉnh nghèo "dựa lưng" vào ngân sách Trung ương - 1