1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Kho báu” núi Tàu vẫn mù mịt

Ngày mai, 30/6, là thời hạn cuối cùng sau lần gia hạn thứ 3 của UBND tỉnh Bình Thuận cho phép cụ Trần Văn Tiệp thăm dò “kho báu” núi Tàu nhưng dấu vết kho vàng vẫn còn bặt tăm.

Một lần nữa, phóng viên NLĐ trở lại núi Tàu ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận để ghi nhận những thông tin mới nhất về ngọn núi được thêu dệt quá nhiều huyền thoại này.

 

Khu vực được cho là lối vào kho báu
Khu vực được cho là lối vào "kho báu"

 

"Nản quá chừng"!

 

Sáng 28/6, chúng tôi trở lại xã Phước Thể. Cũng như nhiều lần trước, chúng tôi phải men theo con đường mòn phía Đông do cụ Tiệp cho san ủi để đưa trang thiết bị lên đỉnh núi khoan thăm dò "kho báu".

 

Tháng trước, khi thông tin xuất lộ cửa hang dẫn vào "kho báu", nhiều người đã ùn ùn kéo về núi Tàu, hy vọng được mục sở thị "hầm vàng 4.000 tấn" để thỏa tính hiếu kỳ. Trái ngược với những lời đồn thổi, khung cảnh núi Tàu - nơi đặt "tổng hành dinh" của lực lượng khoan thăm dò "kho báu" - hiện vắng ngắt.

 

Ba giàn khoan đặt rải rác quanh triền núi mà chúng tôi nhìn thấy mấy tháng trước đã được chuyển đi, chỉ còn duy nhất chiếc máy đào nhưng cũng đã được đưa xuống chân núi. Nhiều hầm hố đọng nước mưa, những đống đá vụn ngổn ngang khắp nơi sau thời gian dài bị đào bới càng làm cho đỉnh núi Tàu nham nhở hơn.

 

Trên đỉnh núi, trong khu sinh hoạt của những người được cụ Tiệp thuê tìm "kho báu", nay chỉ còn 2 công nhân giữ máy phát điện và mấy thứ vặt vãnh. Khi chúng tôi lân la hỏi kết quả thăm dò, những người này tỏ vẻ khó chịu và không hé lộ thông tin gì.

 

Loay hoay gần 1 giờ, chúng tôi mới tìm được khu vực được cho là cửa hang dẫn vào kho báu. Thực ra, đây chỉ là 2 tấm đá tảng rất lớn dựng đứng, giữa có 1 miếng đá bàn cỡ vài chục mét vuông nằm ngang, có khe hở tiếp giáp với mặt đất.

 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng (một cư dân địa phương chăn thả dê ở sườn núi) cho biết do đặc thù, kết cấu của loại đá ở đây nên núi Tàu có không ít "cửa hang" như vậy. "Nếu đó là đường vào kho báu, sao mấy chục năm đào tìm vẫn không phát hiện gì?" - anh Hoàng thắc mắc.

 

Quá trưa, sau khi đã rảo quanh hầu hết các điểm khoan thăm dò dọc theo trục Đông Bắc - Đông Nam để ghi hình, chúng tôi trở xuống. Gặp chúng tôi dưới chân núi, một công nhân thuộc đội quân thăm dò cười hỏi: "Có thấy dấu hiệu kho vàng không?". Chưa cần nghe trả lời, anh này tiếp: "Nói thật, tôi tham gia vụ đào bới này cũng hơn 1 năm rồi nhưng có thấy gì đâu! Mười mấy ngày trước, số anh em phụ trách khoan dò đã rút hết rồi. Nản quá chừng…".

 

Trên núi Tàu chỉ còn vài nhân công coi giữ lán trại
Trên núi Tàu chỉ còn vài nhân công coi giữ lán trại

 

Tiếp tục xin gia hạn thăm dò

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận (phụ trách tổ giám sát khai đào tài sản nghi bị chôn giấu ở núi Tàu) - đơn vị được cụ Tiệp thuê khoan thăm dò "kho báu", cho biết đã phát hiện 4 khoang rỗng khác thường ở đỉnh núi này, rằng nhiều khả năng có cửa hầm dẫn vào "kho báu".

 

"Đó chỉ là báo cáo. Đầu tháng 7 tới, tổ công tác sẽ đến hiện trường để thẩm tra, xem xét, sau đó báo cáo UBND tỉnh" - ông Hạnh cho biết.

 

Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết cụ Tiệp đã có đơn xin gia hạn thăm dò "kho báu" núi Tàu thêm 1 năm. Tỉnh đã chuyển đơn đến các cơ quan hữu trách xem xét. Trên cơ sở tham mưu của các ngành liên quan, UBND tỉnh sẽ xem xét có tiếp tục gia hạn hay không.

 

Về việc "có thể kho báu ở núi Tàu đã bị lấy trước khi ông Tiệp tổ chức thăm dò" như một tờ báo đã thông tin, ông Tâm cho rằng không có chứng cứ để khẳng định điều này.

 

 Hành trình "giấc mơ vàng"

 

Năm 1963, thông tin về "kho báu" núi Tàu được tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy của chế độ Sài Gòn là Lê Văn Bường, người giữ tấm bản đồ "kho báu", tiết lộ cho ông Trần Văn Tiệp.

 

Năm 1976, Tỉnh đội Thuận Hải, nay là tỉnh Bình Thuận, phát hiện xác con tàu đắm ngoài khơi xã Phước Thể, sát chân núi Tàu. Dữ liệu về "kho báu" mà ông Tiệp nắm giữ có chi tiết trùng với việc phát hiện này.

 

Năm 1987, ông Tiệp được ông Lê Văn Hiền, lúc đó là bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải, cung cấp thêm thông tin về "kho báu". Năm 1992, ông Tiệp cùng ông Hiền xin UBND tỉnh Bình Thuận (sau khi chia tách Thuận Hải thành 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) thăm dò "kho báu" và được chấp thuận. Từ đó đến năm 2003, họ tiếp tục dồn tiền của, thăm dò nhiều đợt, tìm được một số cổ vật và "dấu vết kho báu".

 

Tháng 10/2011, UBND tỉnh Bình Thuận tái cấp phép thăm dò "kho báu". Tháng 6/2012, tiếp tục gia hạn thời gian thăm dò thêm 3 tháng; thời hạn chấm dứt thăm dò là ngày 10/10/2012. Sau đó, ông Tiệp tiếp tục có đơn xin gia hạn và được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận thời gian thăm dò đến ngày 30/6/2013.

 

Theo Lê Trường - Kỳ Nam

NLĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm