Bặt tăm “kho báu 4.000 tấn vàng” núi Tàu
Anh Trần Phương Hồng, con trai út của cụ Trần Văn Tiệp, người được giao tổ chức khoan thăm dò “kho báu” núi Tàu - Bình Thuận, khẳng định cha anh vẫn quyết tâm đến cùng để thỏa “tâm nguyện một đời”.
Ảnh: QUỐC TRIỀU
Đổi cách khoan cũng như không!
Những ngày đầu tháng 5/2013, khi thông tin “kho báu” xuất lộ rộ lên, chúng tôi lập tức quay lại núi Tàu. Đây là lần thứ ba, phóng viên Báo Người Lao Động tìm đến để mục sở thị việc thăm dò kho vàng 4.000 tấn của cụ Trần Văn Tiệp trong gần 1 năm qua.
Men theo con dốc độc đạo ngoằn ngoèo, lởm chởm đá, chúng tôi ngược đường lên núi Tàu. Đang chăn thả bầy dê ven đồi, anh Nguyễn Văn Nam (36 tuổi, một cư dân địa phương) nhìn thấy chúng tôi lủng lẳng máy ảnh trên vai, liền buột miệng hỏi: “Lại lên đó hỏi chuyện vàng à?”. Rồi anh lắc đầu: “Mấy bữa nay, nhiều người đến đây lắm nhưng có vàng bạc gì đâu mà xem! Toàn là tin đồn”.
Đúng như lời anh Nam, khung cảnh núi Tàu, nơi đặt “tổng hành dinh” của lực lượnng truy tìm “kho báu”, không có gì khẩn trương, vẫn im ắng như những lần trước khi chúng tôi đến. Ba giàn khoan đặt rải rác quanh triền núi nhưng chỉ có 2 máy hoạt động với 4-5 công nhân đang uể oải khoan dò bên những hầm, hố nham nhở đá sỏi.
Khi chúng tôi gợi chuyện về kho vàng, hầu hết số công nhân này đều dè dặt. Họ bảo chỉ có nhiệm vụ khoan thuê, còn dưới lòng đất có chôn giấu vàng hay không là “chuyện của thiên hạ”, họ không quan tâm. “Tôi tham gia đội quân thăm dò này cũng khá lâu, khoan cũng được mấy chục mũi rồi nhưng chẳng thấy tăm hơi gì cả” - một công nhân có vẻ chán nản.
Anh này cho biết do được UBND tỉnh Bình Thuận điều chỉnh phương án thăm dò “kho báu” vào cuối tháng 12-2012 nên cụ Tiệp đã cho khoan thêm ở cụm phía Tây Nam núi Tàu với diện tích khoảng 160 m² và một cụm khác nằm trên sườn dốc hướng Bắc có diện tích khoảng 250 m². “Lần khoan này áp dụng kỹ thuật xoay nước rửa để lấy nguyên phôi khoan. Cách này dễ phát hiện kim loại trong lòng đất hơn cách khoan đập trước đây nhưng cũng như không!” - một công nhân khác lắc đầu.
“Còn ở phía trước”
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, khẳng định hiện chưa có dấu hiệu nào có thể chứng minh rằng trong lòng núi Tàu có vàng. “Gần 1 tháng trước, không biết từ đâu rộ lên tin đồn đã phát hiện kho vàng. Nhiều người ở Phan Thiết, thậm chí tận TPHCM, cũng nháo nhào hỏi thăm rồi kéo nhau đi xem. Chúng tôi phải đính chính thông tin để bảo đảm trật tự trị an địa phương” - ông Hạnh cho biết.
Theo ông Hạnh, nhiều tháng qua, tổ công tác về “kho báu” của tỉnh Bình Thuận luôn túc trực ở xã Phước Thể để giám sát hoạt động thăm dò. “Bản thân tôi mỗi tuần cũng phải có mặt ở núi Tàu một lần để nắm bắt cụ thể mọi diễn biến công việc, làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh. Thực tế, chuyện khoan dò đang rất khó khăn vì bên dưới toàn là đá bàn, chỉ làm hỏng thiết bị” - ông Hạnh tiết lộ.
Nhiều khả năng đình chỉ thăm dò vĩnh viễn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Thành Tâm, một lần nữa khẳng định quan điểm của tỉnh từ trước đến nay là ủng hộ ý nguyện của cụ Trần Văn Tiệp. “Tuy nhiên, từ nay đến ngày 30/6, thời hạn thăm dò cuối cùng, nếu cụ Tiệp không đưa ra những dấu hiệu mới, khả quan về kho báu thì tỉnh sẽ đình chỉ vĩnh viễn việc thăm dò” - ông Tâm khẳng định. |