Khi “trụ cột gia đình” quyết định phiêu lưu cùng giấc mơ

(Dân trí) - Ngoài những áp lực về nhân sự, về tài chính của bản thân startup, trong bức tranh khởi nghiệp của đàn ông có cả áp lực đến những trách nhiệm đặc thù của một “trụ cột” trong gia đình.

Rời khỏi “vùng an toàn”

Dương Văn Khoa khởi nghiệp khi mọi thứ gần như đã hoàn hảo với bản thân anh, gia đình vững vàng, giữ vị trí Giám đốc Công nghệ cho một doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp, sản phẩm lĩnh vực Y tế. Rồi bất ngờ, anh quyết định thành lập công ty với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng Y tế Việt Nam.

Ai cũng ngạc nhiên khi Khoa muốn làm riêng. Dù gia đình ủng hộ song không ít người thân, bạn bè ái ngại vì thời điểm những năm 2010 thị trường cạnh tranh gay gắt, kinh tế Việt Nam mới bước qua điểm suy thoái nên muốn làm gì cũng khó. Giai đoạn đó, anh đối mặt với e ngại từ mọi người xung quanh và từ chính bản thân mình: anh sẽ phải rời khỏi một “vùng an toàn” của mình và của cả gia đình.

Vượt qua được những e ngại đó, Khoa vấp phải một bài toán khó hơn: “đi tìm người đồng hành cùng mình, chia sẻ những khó khăn trên con đường đã chọn”.

Khoa nghĩ tới những người bạn. “Trước tiên tôi tìm những người anh em cũ đang làm việc, thân quen cùng mình từ khi chưa khởi nghiệp. Tôi tin tưởng họ vì khi đó anh em đã làm việc với nhau và cũng đã có những cái là hiểu nhau thì sẽ dễ hơn”. Tin tưởng là một chuyện xong quyết định đồng hành lại là lựa chọn khác.

Anh Dương Văn Khoa với các đồng nghiệp trẻ
Anh Dương Văn Khoa với các đồng nghiệp trẻ

Bạn bè có thể giúp đỡ anh trong vai trò cộng tác viên, tư vấn nhưng để trở thành nhân viên, đồng sáng lập họ cần có câu trả lời rõ ràng: Khoa sẽ trả mức lương như thế nào và định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai cho cộng sự là gì?

Với một ông chủ công ty khởi nghiệp, thuyết phục được bạn đồng hành đã khó, “hứa hẹn” những điều tốt đẹp và hiện thực hóa nó còn khó hơn. “Đội ngũ ban đầu có từ 7 đến 9 người, người ra đi cũng nhiều lắm kể cả nhân sự chủ chốt. Nhìn những cuộc chia tay ngay trong lúc công ty nhiều khó khăn, bất trắc tôi càng cảm thấy nản lòng. Tôi và những người ở lại vừa phải đảm nhiệm công việc của người ra đi vừa đi tìm một người mới phù hợp để thay thế. Thấy mình như chơi trò đuổi bắt vậy”.

Trách nhiệm của người đàn ông

Những người khởi nghiệp có ý tưởng và mang trong mình sứ mệnh phải xây dựng được “điều gì đó” cho cộng đồng. Khoa cũng vậy, là người đầu tầu anh luôn mang ý tưởng của mình để tiếp lửa cho anh em, những người cùng đội ngũ. Song bản thân anh luôn phải chịu áp lực cân bằng giữa nghiên cứu công nghệ - sở thích, niềm đam mê khoa học và làm nên những sản phẩm chiều ý thị trường để kiếm tiền nuôi doanh nghiệp, trả lương cho anh em.

Sau bảy năm, Khoa không còn nhớ chính xác mình đã tiêu tốn bao nhiêu tiền cho công ty và anh đã phải làm việc gấp đôi, ba lần bình thường để vừa nuôi đam mê vừa nuôi sống công ty và trả lương cho anh em.

Đã có lúc Khoa muốn quay trở về vùng an toàn trước kia, khi có sự ổn định, có đồng lương. “Thời gian đầu áp lực trả lương cho đồng nghiệp rất lớn, vì dù gì đó cũng là nguồn nuôi sống anh em trước khi nghĩ đến những việc khác. Có lúc áp lực tiền bạc khiến tôi nghĩ đến việc từ bỏ, quay lại với công việc ổn định và được trả lương hàng tháng. Nhưng rồi lại suy nghĩ và tự động viên bản thân cố gắng vượt qua vì phía trước mình còn cả giấc mơ cùng anh em xây dựng”.

Đã có lúc giám đốc trẻ muốn bỏ cuộc vì áp lực trả lương cho anh em quá lớn
Đã có lúc giám đốc trẻ muốn bỏ cuộc vì áp lực trả lương cho anh em quá lớn

Thời gian này, gia đình hiểu nên không gây áp lực về kinh tế, nhưng quả thực anh Khoa không có nhiều thời gian cho người thân, đôi khi thấy mình như một khách trọ vì chỉ ở nhà vài tiếng mỗi ngày.

Trong xã hội Việt, người đàn ông thường phải chịu định kiến có công việc ổn định, là trụ cột cho gia đình, nuôi sống vợ con, cha mẹ. Định kiến đó làm hành lý trên con đường khởi nghiệp nặng nề hơn. Theo Khoa, “nói những định kiến đó là gánh nặng thì theo tôi hơi quá, nhưng không phải không có. Nó sẽ là một phần trách nhiệm của mỗi người đàn ông, mình nhìn về đó để phấn đấu, cố gắng hơn”.

Người đàn ông trong xã hội hiện đại có nỗi sợ nào? Họ có chịu các định kiến về giới, có mang những áp lực đặc thù của xã hội Á Đông? Họ có sẵn sàng chia sẻ hay sợ bị phán xét? Chiến dịch xã hội #toisogi do Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life tổ chức hướng tới khuyến khích người đàn ông nói ra những điều họ lo sợ.

Bạn có thể chia sẻ về bản thân hay về những người đàn ông trong đời mình ngay dưới bài viết này hoặc tại website www.toisogi.com. Những chia sẻ của bạn sẽ tạo cảm hứng cho nhiều người, để cùng đi qua, để đồng lòng, và trên hết là để cải thiện chất lượng sống của tất cả chúng ta.