“Khi thị trường tham lam thì mình phải sợ hãi...”

Đang rất thành công với vị trí Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn Citbank, Phạm Minh Hương nộp đơn xin thôi việc. Sau đó ít lâu, cũng đang thành công với vị trí Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) thì Hương cũng đột ngột xin nghỉ...

Không có nhiều người hiểu được lý do vì sao Phạm Minh Hương lại có các quyết định lạ lùng như vậy.

Những “bí ẩn” của việc rời Citibank và SSI

Đang thành công tại Citibank, tại sao chị lại xin nghỉ việc?

Sau một thời gian dài làm việc tại Citibank từ lúc thành lập ngân hàng tại Việt Nam (năm 1994) cho đến khi Citibank trở thành Ngân hàng nước ngoài có qui mô hoạt động lớn nhất trong các ngân hàng nước ngoài của Việt Nnam tại thời điểm đó, tôi đã học và tích luỹ khá nhiều kinh nghiệm.

Khi đã đạt đến một trình độ nào đấy rồi thì tôi luôn thấy mình cần nhiều tự do hơn để thể hiện ý tưởng của mình. Tại Citibank, tôi không có nhiều cơ hội cũng như nguồn lực cần thiết để biến ý tưởng thành hành động.

Thời điểm chị gia nhập SSI là tháng 9/2003 cũng là lúc TTCK Việt Nam lâm vào tình trạng tồi tệ nhất trong lịch sử, chỉ số VNIndex tụt xuống mức 137 điểm. Tại sao chị lại quyết định vào chuyển sang lĩnh vực chứng khoán vào thời điểm đó?

Có lẽ mọi người ở trong thị trường thì cảm thấy nó tệ. Lúc đó, với con mắt của một người làm tài chính thì tôi nhìn nhận đó là thời điểm tốt nhất và không có thời điểm nào tốt hơn.

Tôi rất lạc quan và đã dồn gần như toàn bộ tài sản của mình lúc đó để mua lại cổ phần của một người bạn tại SSI. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ, với những kinh nghiệm mình có và với tiềm năng của thị trường thì không có lý do gì mà mình không phát triển được.

Cuối năm 2005, khi chị rời SSI thì SSI đã thực sự trở thành công ty chứng khoán số 1 trên thị trường. Tại sao chị lại ra đi?

Sau gần 3 năm làm việc tại SSI, tôi cùng các cộng sự của mình đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, cũng tương tự như ở Citibank trước đó, tại SSI tại thời điểm đó tôi đã không có toàn quyền để xây dựng nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện các ý tưỏng và dự án mà mình mong muốn. Đôi khi đầu tôi muốn nổ tung bởi những ý tưởng và ước muốn hành động.

Chúng tôi muốn xây dựng SSI trở thành một định chế tài chính có khả năng cung cấp các dịch vụ tài chính một cách toàn diện với một nền tảng hạ tầng và đội ngũ có uy tín nhất trên thị trường.

Tôi cảm thấy rất tự hào là SSI ngày hôm nay đã thực sự thành công. Giá như chúng tôi quyết tâm thực hiện nhiều hơn về mặt đầu tư hạ tầng công nghệ và đội ngũ con người thì có thể SSI hôm nay sẽ không có đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tại SSI không có nhiều người tin vào tính thực tiễn của những ý tưởng này.

Như vậy là lý do chị ra đi khỏi SSI và Citibank trước đây giống nhau hoàn toàn?

Khi rời Citibank thì 100% là tôi muốn đi do vị trí ở đó không còn đủ thử thách nữa; còn ở SSI thì khác. Tôi chưa bao giờ có ý định rời hoàn toàn khỏi SSI mà chỉ có ý định tạm rời khỏi vị trí Tổng giám đốc điều hành và sẽ giữ một vị trí khác để giúp SSI có thể phát triển một cách toàn diện các dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, vì một số lý do mà dự định đó không được thực hiện. Cũng có thể là do thị trường lúc đó cũng chưa đủ chín để chấp nhận những ý tưởng của tôi.

Có bao giờ chị có cảm thấy tiếc khi rời SSI khi công ty bắt đầu phát triển rất hoành tráng?

Khi rời SSI, tôi rất buồn. Như đã nói ở trên, tôi chưa bao giờ có ý định rời khỏi SSI hoàn toàn nên tôi chưa hề có tiệc chia tay tại SSI và tôi cũng chưa nhận một món quà chia tay nào từ các cộng sự tại SSI.

Cũng giống như ngày xưa ở SSI, tôi vẫn có cảm giác mình ở Citibank và luôn nói về Citibank, thì bây giờ ở IPA (Công ty cổ phần đầu tư I.P.A - bà Hương làm Tổng giám đốc), ở VN Direct (Công ty chứng khoán VN Direct - bà Hương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị), SSI vẫn là một phần quan trọng trong cuộc đời của tôi.

SSI là nơi tôi may mắn có cơ hội làm việc để xây dựng bản lĩnh và kinh nghiệm; đó là những tài sản quan trọng giúp tôi và các cộng sự của mình xây dựng IPA và VNDirect của ngày hôm nay.

Tuy nhiên, nếu nói tiếc như ý anh hỏi thì tôi không tiếc. Tôi đi khỏi SSI chỉ có một mình và phải xây dựng lại mọi thứ từ đầu, công việc vô cùng khó khăn, nhưng thực tế cho tôi thấy là cơ hội sau còn lớn hơn cơ hội trước.

Những câu chuyện “hậu” SSI

Tại sao rời SSI thì chị không lập ngay VNDirect mà lại thành lập I.P.A rồi sau đó mới thành lập VNDirect?

Lúc rời SSI, tôi không có ý định thành lập công ty chứng khoán. Nói thực lòng là tôi rất ngai, vì tôi quá hiểu để xây dựng được công ty chứng khoán thì cần phải có một đội ngũ chuyên gia hùng hậu có năng lực mà tôi chỉ có một mình.

Và tôi cũng hiểu việc xây dựng lại một đội ngũ như chúng tôi đã từng xây dựng tại SSI khó khăn như thế nào. Nhưng lập một công ty đầu tư với quy mô ban đầu ở mức vừa phải thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn.

Trong một cuộc trao đổi với một công sự, chúng tôi nảy ra ý tưởng đặt tên công ty của mình là I.P.A Investments với 3 chữ đầu là viết tắt của 3 từ Ideas (Ý tưởng), Passion (Niềm đam mê) và Attitude (Thái độ). Đó cũng là giá trị cốt lõi của công ty mà tôi và các cộng sự cùng chia sẻ.

Sau đó, điều gì đã xui khiến chị quyết định thành lập CTCK VN Direct?

Sau khi thành lập I.P.A, tôi tình cờ gặp lại một người bạn cũ. Người bạn đó đã cổ vũ tôi và khích lệ tôi cùng chung sức thành lập nên CTCK VN Direct của ngày hôm nay và đó cũng là chính là giám đốc điều hành của VNDirect.

CTCK là một định chế tài chính trung gian, nhưng chúng tôi muốn xây dựng CTCK VNDirect mà ở đó nền tảng về công nghệ và giải pháp dịch vụ sẽ giúp khách hàng tham gia trực tiếp vào thị trường, xoá đi cảm nhận về vai trò trung gian của CTCK.

Tôi cũng xin nói thêm là chính vì muốn xây dựng một CTCK có nền tảng công nghệ hàng đầu trong số các CTCK hiện nay, chúng tôi đã phải dồn rất nhiều công sức và tâm sức để xây dựng hệ thống hạ tầng về công nghệ và chúng tôi đã bỏ qua rất nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Thế nhưng, chúng tôi không nghĩ mình mở CTCK để tận dụng cơ hội thị trường của 2 - 3 năm tới, mà muốn xây dựng một định chế tài chính hùng mạnh trường tồn. Khát vọng của chúng tôi là sẽ trở thành một Citibank của Việt Nam trong tương lai.

Khi chị xây dựng VN Direct, điểm khác biệt với SSI nằm ở đâu?

Tôi mang đến cho VNDirect những kinh nghiệm và kiến thức mà tôi đã có được khi còn làm việc ở SSI nhưng VNDirect không chỉ có mình tôi. Chúng tôi là một đội ngũ và mọi người dính kết với nhau bằng một sức mạnh tổng hợp.

Quay lại câu chuyện về SSI, chị có nghĩ rằng chị thành công trên phương diện kinh doanh tại SSI nhưng chưa thành công trong việc làm cho các nhân viên dưới quyền tại SSI hiểu mình?

Có lẽ đúng như vậy. Nếu như ngày đó tôi dành nhiều thời gian chia sẻ với nhân viên nhiều hơn, không chỉ những người làm việc trực tiếp với tôi và với cả những người không có cơ hội làm việc nhiều với mình, thì chắc là chúng tôi sẽ đồng hướng với nhau nhiều hơn.

Cũng có một lý do là lúc đó tôi quá bận với các công việc có liên quan đến kinh doanh và tìm kiếm khách hàng, nó chiếm tới 90% thời gian của tôi và tôi dành ít thời gian cho vấn đề trao đổi nội bộ với nhân viên. Sau khi rời SSI, tôi mới cảm nhận rõ ràng được điều này. Vì thế, tại I.P.A và VNDirect, tôi dành rất nhiều thời gian cho việc trao đổi nội bộ và nhường việc đi làm kinh doanh cho cộng sự khác.

Trước đây, khi tôi kiếm được một khách hàng, ra một quyết định đầu tư đem lại cho công ty nhiều tiền bạc thì tôi coi đó là một thành công. Bây giờ, tuyển được một người, đào tạo họ và đưa họ trở thành một người thành công thì với tôi, đó mới là một thành công thực sự.

Bí quyết của người đứng đầu I.P.A

Vào thời điểm hiện nay, có rất nhiều người đi dầu tư chứng khoán dù không hiểu gì về chứng khoán và họ vẫn thắng lớn. Nếu chị không làm trong ngành tài chính thì chị có làm như họ không?

Tôi luôn nghĩ đầu tư là một việc cần thiết, nhưng đầu tư chứng khoán đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn nhiều so với các ngành khác, nếu mọi người muốn đầu tư thực sự. Còn bây giờ, mọi người vẫn dùng từ “chơi chứng khoán”, việc đó là phải theo thị trường và đòi hỏi một kỹ năng hoàn toàn khác.

Vậy triết lý đầu tư chứng khoán của chị là gì?

Chấp nhận rủi ro khi có thể, nhưng phải hiểu được mình đang chấp nhận những rủi ro gì; nếu không hiểu, tôi sẽ không bao giờ đầu tư, dù điều đó có thể đem lại những khoản lợi nhuận như thế nào chăng nữa.

Tôi rất thích một câu của nhà đầu tư lừng danh Warren Buffet: “Khi thị trường sợ hãi thì mình phải tham lam và khi thị trường tham lam thì mình phải sợ hãi”. Phải là người có bản lĩnh mới có thể đứng xa khỏi đám đông được.

Theo Thanh niên Tuần san

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm