Khi sếp ngân hàng đi... khách

Dịp 2/9 vừa rồi, bên bàn trà dư tửu hậu, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn vui miệng chợt kể chuyện mấy hôm rồi, bản thân ông và nhiều lãnh đạo khác của ngân hàng túi bụi bận chăm sóc khách hàng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* "Minh bạch ngân sách tại Việt Nam không tệ như vẫn nghĩ"
* Chi 10 triệu USD vận chuyển dầm đường sắt Cát Linh - Hà Đông
* Cho phá sản ngân hàng, thì sao?
* Hà Nội muốn có Công ty đường sắt riêng
* Gần 9 tỷ cổ phiếu đang niêm yết trên HNX

Nghe mọi người ngồi quanh tò mò háo hức, vị tổng giám đốc cười, nói: Có gì ghê gớm đâu. Chuyện là những năm trước nếu dịp lễ tết, khách hàng thường tìm đến ngân hàng chúc tụng quà cáp thì bây giờ hoàn toàn ngược lại, từ sếp cho đến hết thảy nhân viên ngân hàng, tất cả phải lo chăm sóc, thậm chí đi tặng quà khách chứ không có chuyện nhận quà. Nói rồi ông dí dỏm: “Gọi là sếp ngân hàng đi… khách chẳng sai!”.

Cụ thể hơn, ông kể: Dịp nghỉ lễ 4 ngày vừa qua không có một khách hàng nào phải đến “chúc lễ” tại ngân hàng. Để làm được điều này, từ trước kỳ nghỉ lễ, chúng tôi đã khuyến cáo khách hàng nhất là các doanh nghiệp đang vay tiền không được đến. 

Cũng có một vài khách hàng cố tìm cách liên hệ nhưng ban lãnh đạo ngân hàng đề nghị các phòng ban, hội sở tuyệt đối không được nhận quà. “Những khách hàng đó thường là doanh nghiệp đang dính nợ xấu hay muốn vay thêm mà không đủ chuẩn, chúng tôi phải từ chối. Tôi không muốn có sự cả nể cho vay bằng mọi giá để rồi lại xảy ra rủi ro” - vị này lý giải. 

Nhân nghe chuyện này, chợt nhớ về câu chuyện “đi khách” của một doanh nghiệp cách đây 5-6 năm. Dịp đó cũng rơi vào kỳ nghỉ lễ 2/9, nghe doanh nghiệp đó than vãn phải lo xoay xở mấy món tiền, ngoài cho công nhân, quà cáp lãnh đạo địa phương còn một món “to đùng” ấy là dành để lo 3 ngày nghỉ mát cho gần chục cán bộ một phòng tín dụng và lãnh đạo chi nhánh một ngân hàng.

Ngạc nhiên quá, hỏi ra mới biết, doanh nghiệp đang lo “chạy” hồ sơ để vay gói hỗ trợ bù lãi suất. Sau này, cũng doanh nghiệp đó làm ăn đổ bể, phá sản, thậm chí dính vòng lao lý sự việc mới vỡ lở: tài sản thế chấp chỉ đáng chục tỷ đồng nhưng vì được cán bộ ngân hàng đó phù phép mà lên tới cả trăm tỷ để rồi doanh nghiệp được duyệt vay tới 30 tỷ đồng. 

Kinh tế khó khăn, lãi suất cao, van tín dụng thắt chặt suốt mấy năm khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gục như ngả rạ. Chỉ đến lúc này, khi thanh khoản ngân hàng đã dồi dào, lãi suất trở lại mặt bằng 6 năm về trước, tìm khách tốt “đỏ mắt”, giới nhà băng mới như bừng tỉnh: “Không có doanh nghiệp, có khách hàng vay ngân hàng sống với ai”.

Và thế là bên cạnh việc nghĩ đủ chiêu sản phẩm cho tín dụng, chăm sóc và giữ chân cho bằng được khách tốt đã trở thành tiêu chí hàng đầu để ngân hàng tự đong đếm mình. Và như thế có vẻ, cuộc chiến ngầm “đi khách” dự báo ngày càng quyết liệt!
 
Theo Huyền Nhi
Tiền Phong
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước