Khi lãi suất không thèm chấp lạm phát

Lạm phát giảm là cơ sở để giảm lãi suất. Nguyên lý đó xem ra đã không còn đúng khi lãi suất hiện nay đang phục thuộc vào yếu tố khác: vấn đề thanh khoản.

Khi lãi suất không thèm chấp lạm phát - 1
Trên thực tế, đến thời điểm này việc giảm lãi suất vẫn chưa có những dấu hiệu nào khả quan.
 
Thắt chặt tiền tệ với công cụ chủ lực là lãi suất cao nhằm chống lạm phát và khi lạm phát có xu hướng giảm thì lãi suất sẽ có sở để giảm theo. Tuy nhiên, lạm phát giảm không còn là tín hiệu mà đã trở thành một xu hướng thực tế thì lãi suất vẫn không giảm. Những dự liệu gần đây cho thấy, lãi suất thì tiếp tục duy trì ở mức cao bất chấp lạm phát đi xuống. Tuy nhiên, mục tiêu của lãi suất cao hiện không chỉ là để kiềm chế lạm phát.

 

Đầu tháng 12/2011, ngành ngân hàng ngồi lại với nhau để tính chuyện kinh doanh 2012, trong đó, vấn đề hạ lãi suất tiếp tục được đặt ra. Và dường như, thời điểm đó nó đã đạt được một sự đồng thuận nào khi Ngân hàng Nhà nước thế hiện quan điểm sẽ từng bước hạ lãi suất để hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh. Dù chưa thể một lúc từ 14% xuống 12% nhưng giảm lãi suất là cần thiết và sẽ có một lộ trình để sớm thực hiện.

 

Còn các ngân hàng thương mại cũng đưa ra những cam kết đầy trách nhiệm khi cho rằng, giảm lãi suất là cần thiết. Đó không chỉ là để cứu các DN mà còn có ý nghĩa với các ngân hàng. Đó là sự chia sẻ cần thiết của ngân hàng với các bạn hàng.

 

Cũng tại đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, ngành ngân hàng phải giảm lãi suất ngay từ đầu năm 2012. Đây là việc giảm phù hợp với quy luật chứ không phải là mệnh lệnh hành chính.  Thủ tướng nhấn mạnh không có lý do gì không hạ được lãi suất cho vay xuống khi liên tục trong sáu tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 1%. Khi lạm phát giảm thì lãi suất cho vay phải hạ theo.

 

Trách nhiệm và nhiệm vụ của ngân hàng là duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đổ hàng loạt không phải chỉ là doanh nghiệp đó khó khăn mà ngân hàng cho vay vốn sẽ bị tác động ngay.

 

Cũng cần nhớ rằng, trong mọi phát ngôn về vấn đề giảm lãi suất từ tháng 8/2011 trở về trước khi lạm phát đang ở đỉnh cao và lãi suất bị làm loạn, cho đến gian đoạn từ tháng 9/2011 trở về sau khi lạm phát dần giảm và lãi suất từng bước ổn định... Ngân hàng Nhà nước đều nhấn mạnh, lạm phát giảm, lãi suất sẽ giảm theo.

 

Thậm chí, khi đưa lãi suất huy động về đúng mức trần 14%, để trấn an những lo ngại về khả năng lãi suất không thực dương khiến tiền đi khỏi ngân hàng, các ngân hàng cho rằng, lãi suất không thể nói không thực dương nếu so với lạm phát hiện tại mà phải tính cho lạm phát kỳ vọng của tương lai. Nghĩa là phải so với lạm phát của 1 năm tới mà tất nhiên 1 năm tới lạm phát sẽ giảm và lãi suất giảm là bình thường.

 

Kỳ vọng là thế nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Cho đến hết tháng 12/2011, lạm phát giảm dần là điều đã được khẳng định. Thậm chí tháng 1/2012 là tháng tết - thời kỳ cao điểm của lạm phát hàng năm thì CPI cũng chỉ được dự báo khoảng 1%, có thể sẽ ở mức thấp nhất trong 10 năm qua...

 

Trong khi đó, mục tiêu đã được thông qua của năm 2012, lạm phát sẽ khoảng 9%. Còn trên các diễn đàn về dự báo kinh tế 2012 thì đều thống nhất nhận định, lạm phát năm tới sẽ không quá 10%. Thậm chí, không cần nhiều những chính sách thắt chặt và tác động thì lạm phát cũng sẽ về một con số.

 

Trên thực tế, đến thời điểm này việc giảm lãi suất vẫn chưa có những dấu hiệu nào khả quan. Trong khi đó, những thông báo từ cơ quan điều hành cho thấy, việc giảm lãi suất còn khó khăn do nhiều yếu tố không hẳn chỉ là lạm phát.

 

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, nói hạ lãi suất, nhưng không phải nói là làm được ngay. Và cái khó nhất trong điều hành năm nay là làm sao hạ được lãi suất. Giải thích từ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cho biết lạm phát đang có  chuyển biến, nền tảng để có thể giảm lãi suất nhưng lạm phát không phải là yếu tố quyết  định duy nhất mà phải đảm bảo thanh khoản.

 

Theo đó, lời giải thích từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy, khi bình thường tiền nhiều, nhu cầu về tiền bớt đi thì mới giảm được lãi suất nhưng giờ ai cũng thiếu thanh khoản, ai cũng cần vốn thì giá vốn làm sao giảm được.

 

Và đến đây thì một thực tế khác đã bộc lộ, lãi suất tăng cao không phải chỉ để kiềm chế lạm phát, vì sự ổn định kinh tế mà lãi suất đang phục vụ cho vấn đề thanh khoản, trong đó có vấn đề thanh khoản của ngân hàng là quan trọng nhất. Điều này có thể hiểu, khả năng giảm lãi suất sẽ là không thể trong thời điểm hiện nay khi thanh khoản ngân hàng còn căng thẳng như hiện nay.

 

Đây thực sự là một nghịch lý, khi những ngày cuối năm, các ngân hàng dù kẻ cao người thấp đều công bố những con số lãi cả ngàn tỷ đồng, trong khi đó tình hình kinh tế nói chung và thực tế sản xuất kinh doanh của DN là rất khó khăn. Giảm lãi suất không còn là mong muốn của DN, Chính phủ mà là yêu cầu phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.

 

Tuy nhiên, có vẻ như lãi suất đang đi ngược dòng với tất cả. Và người ta cũng gạt sang một bên điều đã từng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là lạm phát giảm thì lãi suất sẽ giảm. Thay vào đó, lãi suất đang phụ thuộc vào một yếu tố khác: thanh khoản. Và lãi suất cần phải được duy trì cao để phục vụ thanh khoản.

 

Nhưng thanh khoản ở đâu là căng thẳng nhất và nguyên nhân tại sao lại dẫn đến điều đó thì dường như ai cũng hiểu. Tất nhiên thật khó để đổ cho DN khi họ đang chết dần vì lãi suất cao và mong đợi giảm lãi suất không chỉ của DN mà của cả nền kinh tế.

 

Những nỗ lực giảm lạm phát, ổn định vĩ mô mang lại kỳ vọng giảm lãi suất xem ra không có tác động, khi lãi suất không không thèm chấp lạm phát mà đang bị chi phối bởi những yếu tố khác. Và điều này kéo dài thật là nguy hại khi nó buộc nền kinh tế và các DN phải đánh đổi nhiều hơn.

 

Theo Lê Khắc
VEF