"Khi ESG được thực hiện tốt ở doanh nghiệp, vị thế quốc gia cũng được đánh giá cao"

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Theo ông Steve Bùi, Chủ tịch Delta E&C, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt - Trung, nhận thức được giá trị của người lao động trong doanh nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả kinh doanh đơn thuần, mà còn tạo nên vị thế cho mỗi quốc gia.

Ông đánh giá ra sao về tầm quan trọng của việc thực hành chữ S trong các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay?

- Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã hiểu được việc thực hiện yếu tố S trong ESG rất quan trọng, bởi đã nhận thức được con người chính là cái lõi của mỗi công ty. Chúng ta thấy bài học của doanh nghiệp Nhật hay Hàn Quốc, hay Trung Quốc hiện nay, họ thành công được là vì đánh giá đúng con người là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp.

Đầu tiên, doanh nghiệp phải tôn trọng con người làm việc cho mình, khi đủ tôn trọng thì sẽ trân trọng kiến thức, kinh nghiệm, những đóng góp của người đó dành cho doanh nghiệp. Nhờ đó, mỗi người, từ quản lý tới người nhân viên bình thường, đều ý thức được sự tự hào khi làm việc cho một tổ chức hiểu được sự cống hiến của họ, đồng thời biết ơn tổ chức đó đã cho họ cơ hội, thách thức, giải quyết các bài toán trong cuộc sống và công việc.

Tôn trọng với nhân sự thể hiện ở nhiều yếu tố, tiền lương, chính sách, cơ hội, nhưng quan trọng nhất là bình đẳng giới. Người Việt hay các văn hóa Á Đông thường xem xét giá trị đạo đức thông qua nhiều góc nhìn, nhưng góc nhìn chung của thế giới lại là bình đẳng. Sự bình đẳng là khi không còn bất cứ kỳ thị nào, ngay cả những khác biệt về cơ thể hay giới tính, sẽ cho người lao động sự tự nhiên trong cuộc sống và rồi dù ở đâu họ cũng sẽ muốn cống hiến.

Họ sẽ sẵn sàng phụng sự doanh nghiệp, phụng sự xã hội, sẵn sàng tham gia các hoạt động CSR của doanh nghiệp đó, cũng như của các tổ chức xã hội khác, bởi họ thấy mình có giá trị thực sự. Sự cho đi của họ mang tới cho họ hạnh phúc, và họ biết ơn vì điều đó. Những con người đó là những tấm gương của tổ chức, của xã hội, để khi họ gặp một bạn bè quốc tế, họ sẽ là người lan tỏa động lực, dám tự hào rằng tôi là người Việt Nam, đang làm ở một doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ nhưng có sự ứng xử với các nhân sự thì con người trong tổ chức ấy dần dần sẽ lan tỏa được sức mạnh, bởi một người được trân trọng, theo tôi, có thể làm việc bằng 5 người khác. Nếu khi họ giỏi nhưng không được trọng dụng thì có thể nảy sinh những đố kị, và không thể phát triển được. Khi doanh nghiệp Việt Nam tiệm cận được với ESG toàn cầu như vậy thì mỗi người sẽ có trách nhiệm với quốc gia, sau đó là trách nhiệm với doanh nghiệp, và đặc biệt là nâng nhận thức của cộng đồng.

Khi ESG được thực hiện tốt ở doanh nghiệp, vị thế quốc gia cũng được đánh giá cao - 1

Ông Steve Bùi, Chủ tịch Delta E&C, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt - Trung.

Theo ông, điều gì là thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp khi theo đuổi thực hành chữ S?

- Việt Nam chưa có một chế tài rõ ràng, mà mới chỉ dừng lại ở việc chúng ta nói chuyện, đưa ra những đề tài để thảo luận. Một ví dụ nhỏ là chúng ta đều biết phần bảo mật thông tin đang bắt đầu được các nước yêu cầu doanh nghiệp áp dụng, nhưng ở Việt Nam thì chưa. Các doanh nghiệp quốc tế quan tâm đến quyền riêng tư, tính bảo mật, ý thức được rằng quản trị các dữ liệu cá nhân này là điều vô cùng quan trọng và họ bắt đầu áp dụng các biện pháp riêng, nhất là trong thời kỳ phát triển toàn cầu của các mạng ảo.

Nhưng cũng giống như nhiều doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam khá dè dặt khi áp dụng bởi thiếu chế tài. Họ đặt ra câu hỏi vì phải áp dụng khi nó liên quan đến các vấn đề về chi phí, thời gian, quản trị và đào tạo.

Trong khi đó, thách thức riêng đối với người lao động là họ chưa ý thức được rằng việc mình cần cho doanh nghiệp biết sự hiện diện, đóng góp của bản thân tới đơn vị có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Đó là khó khăn với việc thực hành chữ S hiệu quả trong doanh nghiệp, điều mà ngay cả các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có lẽ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tham dự hội thảo  "Nhân lực bền vững - Trung tâm chữ "S" trong ESG?" của Báo Dân trí, ông đánh giá ra sao về chủ đề cũng như các tham luận trình bày tại đây? Ông có kỳ vọng gì về những nội dung tiếp theo nằm trong Diễn đàn ESG?

- Hôm nay, báo Dân trí khai thác rất đúng trọng tâm chữ S trong ESG, bởi đó chính là sự gắn kết của xã hội. Sự gắn kết đó là con người với con người chia sẻ, lan tỏa, bao trùm tình yêu thương và cùng nhau lan tỏa những giá trị mà chỉ bằng cảm xúc và lòng biết ơn thì mới làm được.

Tôi đánh giá cao sự đi đầu của báo Dân trí khi đưa những góc nhìn của xã hội, đặc biệt là chạm đến các doanh nghiệp hiện nay. Những tọa đàm như hôm nay nếu có thể được báo Dân trí lan tỏa thật rộng thông qua việc phối hợp tổ chức cùng ban quan lý các khu công nghiệp tại các tỉnh thì sẽ có thêm nhiều thông tin được chia sẻ, đưa lên thành những vấn đề nhận thức xã hội.

Theo tôi, nếu có thêm nhiều doanh nghiệp FDI tới thì sẽ cơ hội để họ nhìn thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, ban ngành và truyền thông cho vấn đề ESG của Việt Nam ngày càng ngang hàng với các nước trên thế giới. Đó sẽ không chỉ là cuộc cạnh tranh của ai mà là của quốc gia với quốc gia. Khi ESG được thực hiện tốt thì quốc gia cũng được đánh giá cao, định vị cao hơn ở tầm châu Á. Nhờ đó, bảng xếp hạng quốc gia được nâng lên và các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế hay vốn giá rẻ, doanh nghiệp sẽ có đà để phát triển.

Tôi kỳ vọng Dân trí sẽ tổ chức nhiều sự kiện ở quy mô quốc tế hơn để có thêm những đóng góp của doanh nghiệp FDI vào xu hướng này, cho thấy họ không nằm ngoài cuộc chơi khi đầu tư tại Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm