Khi châu Âu cấm vận hoàn toàn, Nga sẽ phải bán dầu thô ở đâu?
(Dân trí) - Kể từ khi châu Âu áp lệnh trừng phạt, Nga đã tăng cường vận chuyển dầu đến châu Á. Tuy nhiên, Moscow vẫn cần phải tìm đầu ra cho khoảng 1,3 triệu thùng/ngày khi lệnh cấm vận dầu có hiệu lực.
Nga hiện xuất khẩu khoảng 20 triệu tấn dầu mỗi tháng, tức khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày, thông qua một số tuyến đường ống, bao gồm cả tuyến đường ống Druzhba tới châu Âu và các tuyến khác đến châu Á.
Chỉ riêng trong tháng 8, tổng lượng xuất khẩu của Nga qua các cảng châu Âu và đường ống Druzhba lên đến 12,05 triệu tấn, tức khoảng 1,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, bắt đầu từ 5/12 khi lệnh cấm vận dầu của châu Âu có hiệu lực, các nước châu Âu sẽ ngừng nhập khẩu dầu Nga.
Các thương nhân cho biết, Nga phải tìm người mua mới cho số dầu thô đó, có thể phải chào bán với giá rẻ kèm các điều kiện đặc biệt, đồng thời đối mặt với chi phí vận chuyển đắt đỏ hơn để vận chuyển đến các địa điểm xa hơn.
"Dầu Urals của Nga luôn được xuất sang châu Âu. Nhưng giờ đây, để tiếp cận thị trường mới, họ phải vận chuyển dầu đi xa hơn, trong bối cảnh chi phí vận tải, bảo hiểm và thời gian vận chuyển tăng lên", một thương nhân về dầu Nga cho biết.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm cách áp giá trần đối với dầu Nga nhằm giảm nguồn thu từ dầu của Moscow, nhưng đồng thời vẫn giữ cho giá năng lượng toàn cầu ở mức thấp.
Phản ứng về động thái đó, Moscow cho biết họ sẽ không bán dầu cho những nước áp giới hạn giá đối với dầu Nga. Tuy nhiên, giới thương nhân cho biết, biện pháp này sẽ không hiệu quả.
"Nga rất khó để đáp trả vấn đề này, bởi điều đó không có lợi cho Moscow về cả mặt chính trị lẫn kinh tế. Đối với việc áp giá trần của phương Tây, việc đàm phán với tư nhân sẽ dễ dàng hơn là tuyên bố công khai", một thương nhân tham gia kinh doanh dầu Nga nói với Reuters.
Nga đã xuất khẩu 8,85 triệu tấn dầu Urals trong tháng 8 từ các cảng châu Âu, trong đó Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước không tham gia lệnh cấm vận - đã mua một nửa số đó, còn lại xuất sang châu Âu.
Nga cũng đã cung cấp cho châu Âu khoảng 3,2 triệu tấn dầu mỗi tháng thông qua đường ống Drauzhba. Về mặt kỹ thuật, tuyến đường ống này sẽ không chịu lệnh cấm vận vì Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc vẫn muốn tiếp tục mua dầu từ Nga.
Nhưng Đức và Ba Lan, những nước cũng mua dầu qua đường ống Druzhba, lại muốn ngừng mua từ năm 2023. Điều đó có nghĩa khoảng 2 triệu tấn dầu mỗi tháng qua đường ống này sẽ cần phải tìm người mua mới.
Tuy nhiên, theo các thương nhân, việc chuyển hướng dòng dầu từ Druzhba sẽ vô cùng khó, vì năng lực xuất khẩu của các cảng dầu của Nga bị giới hạn nên người mua cần phải bố trí thêm nhiều tàu chở dầu nữa.
Mặt khác, Nga lại không thể định tuyến lại số lượng lớn dầu Urals sang đường ống dẫn dầu tới Thái Bình Dương (ESPO) ở Đông Siberia, vì đường ống này cũng đã chạy hết công suất. Do đó, các chuyến hàng qua châu Âu và kênh đào Suez là tuyến đường khả thi nhất để chuyển dầu Urals tới châu Á.
Ngay cả khi Moscow đưa ra các điều kiện hấp dẫn, Ấn Độ và Trung Quốc cũng không thể mua thêm nhiều dầu Nga hơn nữa vì họ còn có một số hợp đồng dài hạn với Saudi Arabia và UAE.
"Các công ty dầu Nga đã giảm giá, bao phí vận chuyển và bảo hiểm, cũng như đưa ra các tùy chọn thanh toán và những đặc quyền khác để giữ chân người mua", nguồn tin từ một công ty giao dịch dầu châu Á cho biết.
Nhưng các công ty Nga vẫn phải thay đổi cách bán dầu thô.
Thị trường châu Á giao dịch sớm hơn so với thị trường châu Âu. Thời điểm giữa tháng 9, người mua châu Á đang giao dịch cho các hợp đồng giao tháng 12, thì người mua châu Âu vẫn đang định giá cho các lô hàng giao tháng 10.
Các thương nhân cho biết, để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đang cố thu hút những khách hàng nhỏ hơn. Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, Sri Lanka cho biết sẽ mua dầu Nga nhưng khối lượng chỉ khoảng 300.000 tấn trong năm nay. Tương tự, Cuba cũng mua 200.000 tấn trong năm nay.
"Những người chơi nhỏ hơn chắc chắn không thể hấp thụ hết lượng dầu mà Nga cần bán. Do đó, Trung Quốc vẫn là phương án cuối cùng để bán được dầu Nga, nếu không Moscow sẽ phải cắt giảm sản lượng", một thương nhân nói.