Khát vọng mới của Traphaco
(Dân trí) - Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2023, Công ty cổ phần Traphaco (HoSE: TRA) hé lộ một loạt kế hoạch táo bạo.
Duy trì hiệu quả cao
HĐQT Traphaco trình cổ đông kế hoạch năm 2023 với doanh thu thuần tăng 8,4%, lợi nhuận hợp nhất tăng 11,2% so với năm trước.
Theo đó, doanh thu ở mức 2.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 326 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng đòi hỏi nỗ lực lớn, bởi năm 2022, Traphaco đã tăng trưởng kép 11% cả doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ.
Mục tiêu 2023 nếu về đích sẽ đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp công ty duy trì tốc độ tăng trưởng dương, mức lợi nhuận gộp, lên tới hơn 56% sẽ tiếp tục được Traphaco giữ vững.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 được ban lãnh đạo đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đứng trước nhiều thách thức, thu nhập của nhiều người suy giảm, ảnh hưởng tới chi tiêu cho các sản phẩm sức khỏe. Dù vậy, với bánh đà đã tạo được nhờ quá trình tái cấu trúc đúng hướng kể từ năm 2021 đến nay, Traphaco tự tin chinh phục các mục tiêu thách thức.
"Chúng tôi đặt mục tiêu cao không phải nhằm tạo ra áp lực mà ngược lại, trở thành động lực. Vẫn còn đó những tiềm năng cần được khai thác, những cơ hội cần được nắm bắt, Traphaco đã có giải pháp cụ thể", ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco chia sẻ.
Chiến lược tăng trưởng dài hạn của TRA "Giữ vững vị thế số 1 Đông dược - tập trung phát triển tân dược chất lượng cao" đang tăng tốc.
Ở mảng Đông dược, sức nóng cạnh tranh ngày càng tăng do các doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh, ngoài mục tiêu giữ vững thị phần các nhãn hàng tên tuổi như Boganic, Cebraton, Hoạt huyết dưỡng não, Tottri... Traphaco sẽ tập trung làm mới, sản xuất dòng sản phẩm Đông dược cao cấp.
Ở mảng tân dược, nhà máy thông minh 4.0 Traphaco Hưng Yên sẽ gia tăng hiệu suất hoạt động, từ mức 50% hiện nay lên 60-70%. Công ty tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh ETC, mở rộng danh mục sản phẩm đa dạng các nhóm điều trị khác nhau thông qua chuyển giao công nghệ và sản phẩm khai thác.
Việc mở rộng tệp sản phẩm rất rõ ràng, trong năm 2023, Traphaco đưa vào sản xuất và ra thị trường ít nhất 19 sản phẩm, triển khai sản xuất 5 sản phẩm chuyển giao công nghệ giai đoạn 1 trên cả kênh OTC và ETC (ví dụ: thuốc hạ mỡ máu DW-TRA TimaRo, thuốc trị viêm loét dạ dày DW-TRA RebaTot, thuốc trị sỏi mật UDCA), thúc đẩy các sản phẩm chuyển giao công nghệ giai đoạn 2 (tập trung vào các sản phẩm có nghiên cứu tương đương sinh học) và chuẩn bị các điều kiện để ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giai đoạn 3 với Daewoong.
Gia nhập sân chơi đẳng cấp cao
Sau 2 năm thực thi chiến lược mới, mảng ngoài Đông dược của Traphaco đã gặt hái những kết quả ấn tượng. Cụ thể, doanh thu nhóm sản phẩm này năm 2022 tăng 37% so với cùng kỳ, vượt 25% kế hoạch đề ra, số lượng phong phú hơn. Việc triển khai chia tách Đông dược - ngoài Đông dược đã thúc đẩy mạnh mẽ doanh số ngoài Đông dược trong bối cảnh doanh thu từ các sản phẩm truyền thống bị chậm lại do cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, động lực phát triển sản phẩm mới được đẩy mạnh, công tác chuyển giao công nghệ được chú trọng. Traphaco đang tiếp nhận công nghệ hiện đại chuyển giao từ Daewoong. Đối tác này đã hỗ trợ TRA từ việc lựa chọn nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào cho đến nghiên cứu và sản xuất thuốc, nhờ đó mà công ty tiết kiệm về thời gian và giảm thiếu được chi phí nghiên cứu.
Các số liệu kinh doanh năm 2022 cho thấy 12 sản phẩm mà Traphaco tiếp nhận từ Daewoong từ 2021 đều có mức tăng trưởng dương. Các loại thuốc đang được chuyển giao công nghệ đều thuộc nhóm cần thiết cho thị trường như điều trị mỡ máu, tiểu đường, huyết áp, kháng sinh... hứa hẹn mang đến những lợi thế cạnh tranh mới cho công ty.
Trong các tờ trình đại hội cổ đông năm nay được Traphaco công bố, có việc nâng cấp nhà máy Traphaco Hưng Yên đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Đây là động thái cho thấy công ty muốn gia nhập sân chơi của các doanh nghiệp toàn cầu.
Hiện có 10 doanh nghiệp sản xuất dược tại Việt Nam đạt chuẩn EU-GMP, trong đó chỉ có IMP là doanh nghiệp niêm yết nội địa, còn 8/10 là doanh nghiệp FDI. Theo đại diện Traphaco, Thông tư 15/2019/TT-BYT, nhóm 1, thuốc nhập khẩu có thể không được phép tham gia đấu thầu nếu thuốc sản xuất nội địa đạt tiêu chuẩn EU-GMP (hoặc các tiêu chuẩn tương đương như Japan-GMP, PIC/s-GMP, và USGMP), với thành phần hoạt tính tương tự và các yêu cầu về chất lượng khác. Bởi vậy, nhà máy EU-GMP là bước đi chiến lược của Traphaco để đẩy mạnh kênh ETC, bên cạnh thế mạnh kênh OTC lâu nay.
Tuy nhiên, đây là sân chơi thể hiện đẳng cấp của những doanh nghiệp dược dẫn đầu bởi "bài toán EU-GMP" đòi hỏi tầm nhìn dài hạn trên cả khía cạnh năng lực tài chính và chất lượng sản phẩm. Phong cách đầu tư "đáng đồng tiền bát gạo" cho lĩnh vực cốt lõi được đánh giá là điểm mạnh của Traphaco khi nhìn một cách tổng thể, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam dự kiến đạt doanh số tới 23,3 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng CAGR hàng năm đạt 7,6%.