1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khách sạn nhiều “sao”, cước viễn thông cắt cổ

(Dân trí) - Theo Thông tư hướng dẫn quyết định 53/1999/QĐ-TTg về một số biện pháp khuyến khích đầu tư nước ngoài, thì khách sạn từ 3 - 5 sao được phép thu thêm tối đa 15% phụ thu cước viễn thông ngoài mức thu quy định. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khách sạn đã không thực hiện đúng.

Kết quả thanh tra hồi năm 2004 cho thấy việc thu cước phí điện thoại tại các khách sạn lớn: ở Hà Nội là các khách sạn Horison (Cát Linh) và Fortuna (Láng Hạ); ở TPHCM là các khách sạn Bát Đạt, Viễn Đông và Sofitel Plaza SaiGon đã vi phạm việc thu cước phí và phần phụ thu quá quy định.

Theo quy định về mức cước viễn thông, nếu khách hàng liên lạc vào giờ rỗi - từ 23h đêm đến 7h sáng hôm sau - sẽ được giảm cước từ 20-30% nhưng hầu hết các khách sạn lớn đều cố tình vi phạm, tính cước cho khách hàng bằng mức cước giờ bận.

Mức cước thu sai của các khách sạn này là từ 7 - 205,64%. Đặc biệt, khách sạn Sofitel Plaza SaiGon đã thu sai cước với số tiền lên tới một tỷ đồng.

Bộ Bưu chính Viễn thông đã có các quyết định xử phạt đối với các khách sạn này. Khách sạn Bát Đạt và Viễn Đông có mức vi phạm nhẹ và lần đầu tiên vi phạm đã bị xử lý với hình thức cảnh cáo.

Đối với khách sạn Horison, theo Khoản 3 Điều 17 của Nghị định 79/CP xử lý hành chính về lĩnh vực BCVT, Bộ Bưu chính Viễn thông đã xử phạt hành chính 2 triệu đồng và thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước số tiền khách sạn này đã thu sai là 89.763.000 đồng. Với khách sạn Fortuna, xử phạt hành chính 2 triệu đồng và thu hồi 80.583.700 đồng.

Đối với khách sạn Sofitel Plaza Saigon, Bộ Bưu chính Viễn thông đã có Quyết định 155/QĐ-XPHC, theo đó phạt cảnh cáo đối với hành vi không niêm yết bảng giá cước viễn thông tại quầy tiếp tân; phạt tiền 2 triệu đồng đối với hành vi thu tiền của khách hàng sai mức quy định của Nhà nước; tịch thu nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng tiền cước đã thu sai.

Tuy nhiên, cho tới nay, những hình thức xử phạt vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Sofitel Plaza Saigon mới chỉ nộp phạt 2 triệu đồng. Còn số tiền hơn 1 tỷ đồng phải nộp lại, Sofitel Plaza Saigon dù đã thừa nhận đã thu sai nhưng chưa nộp.

Đầu tháng 3/2006, lãnh đạo Sofitel Plaza Saigon đã khiếu nại Thanh tra Bộ BCVT, không đồng ý nộp lại số tiền hơn 1 tỷ có được do thu sai cước. Ngay sau đó, Bộ Bưu chính Viễn thông cũng đã có một cuộc họp với khách sạn này nhằm làm sáng tỏ sự việc.

Quan điểm của Thanh tra Bộ là vẫn giữ quyết định tịch thu số tiền khách sạn đã thu sai cước của khách hàng, nhưng không muốn hình sự hóa vấn đề. Chính vì thế, Thanh tra Bộ vẫn tiếp tục yêu cầu Sofitel Plaza Saigon nộp toàn bộ số tiền thu sai của khách hàng vào ngân sách, nhưng khách sạn này đã không thi hành.

Để giải quyết dứt điểm vụ việc, mới đây, Thanh tra Bộ đã chuyển hồ sơ vụ án này đề nghị Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - C15 xử lý. Đồng thời, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp với Sở Du lịch TPHCM và Tổng cục Du lịch, là các đơn vị trực tiếp quản lý khách sạn Sofitel Plaza Saigon để có tác động kịp thời.

Việc thu sai cước tại các khách sạn đã diễn ra trong nhiều năm nhưng rất khó có thể giải quyết dứt điểm. Bởi trên thực tế, các cuộc giao dịch điện thoại đều được thanh toán trực tiếp mà không có hóa đơn lưu giữ. Vì thế, cơ quan quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện hiện tượng thu sai cước.

Đã đến lúc chủ sở hữu các khách sạn cần nhìn nhận vấn đề phụ thu cước một cách sâu xa hơn. Thời gian qua, cước các dịch vụ viễn thông của Việt Nam đã liên tục giảm giá thế nhưng khách hàng sử dụng dịch vụ tại khách sạn, mà chủ yếu là người nước ngoài lại vẫn không thực sự được hưởng điều đó. Chính vì vậy, thu cước sai quy định không chỉ gây thiệt cho người sử dụng dịch vụ, mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Bảo Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm