Khách sạn ế ẩm đóng cửa cả năm, có khách hỏi lại chảnh chọe, chặt chém

Thời dịch bệnh, vô số khách sạn trên cả nước phải đóng cửa, tắt đèn vì vắng khách, thậm chí không trụ nổi đành rao bán. Thế nhưng, khi may mắn có khách, có khách sạn vẫn chảnh chọe, còn tăng giá và phục vụ thiếu chuyên nghiệp.

Thị trường khách sạn Việt Nam năm qua như một bức tranh màu xám. Chưa bao giờ, các khách sạn lại ế ẩm như vậy. Theo Sở Du lịch Hà Nội, công suất sử dụng phòng tại các khách sạn, cơ sở lưu trú 9 tháng đầu năm chỉ đạt 28%. Trong đó, gần 1.000 cơ sở lưu trú dừng hoạt động, gần 16.000 lao động mất việc làm hoặc chuyển sang các công việc thời vụ khác.

Còn tại trung tâm du lịch TP.HCM, hoạt động cơ sở lưu trú cũng hết sức khó khăn, công suất phòng giảm 91,5% so với cùng kỳ, số lượng lao động cũng giảm 61% so với cùng kỳ.

Khách không có, khó khăn là vậy, song nhiều công ty lữ hành phản ánh, khi họ đưa khách tới nhiều khách sạn vẫn chảnh chọe hay giữ cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp.

Thiếu chuyên nghiệp

Mới đây, chia sẻ trên diễn đàn du lịch, một thành viên phản ánh "nhiều khách sạn có cách làm việc khó hiểu và không thương được. Khi vắng khách thì gửi thư chào mời, năn nỉ ỉ ôi". Vậy mà khi có khách, lữ hành gọi điện hỏi thì nhận được câu trả lời: 'Tụi em dạo này đông khách. Anh chị cứ gửi email tụi em sẽ xem xét và trả lời luôn. Nhưng chờ mãi không thấy phản hồi. Mở trang web ra thấy giá tăng ngay lập tức".

Khách sạn ế ẩm đóng cửa cả năm, có khách hỏi lại chảnh chọe, chặt chém - 1

Khách sạn vắng khách mùa Covid (ảnh minh họa)

Trao đổi với PV, chị Trần Ngọc Hiền Thanh, Giám đốc Công ty du lịch Cỏ Việt, kể khi làm việc với khách sạn S. (Vũng Tàu), chị gửi email đến phía khách sạn không đọc, chị gọi điện thoại nhắc còn bị nạt lại rằng "đang bận lắm, cứ gửi email chút trả lời". Rồi cả ngày trôi qua, chị Thanh vẫn không thấy hồi âm.

Tới 17h, chị nhắc một lần nữa thì nhận được câu trả lời và yêu cầu thanh toán 100% trước 13h hôm sau, không để phía du lịch có thời gian làm việc với khách.

Chưa hết, cách làm việc của nhân viên khách sạn cũng thiếu chuyên nghiệp. Chị Thanh dẫn chứng, chị gửi email thông báo đặt 35 phòng, khi khách sạn báo giá xong công ty chốt chính xác 30 phòng, nhân viên khách sạn không đọc kỹ nằng nặc đòi thanh toán 100% đúng 35 phòng.

Không chỉ phía Nam, các khách sạn ngoài Bắc cũng vẫn giữ cung cách làm việc thiếu chuyên nghiệp. Chị Trần Ngọc Hiền Thanh cho hay, tại khách sạn R. ở Ninh Bình, công ty chị đặt 22 phòng cho đoàn khách VIP. Đến khi phía du lịch lấy thêm phòng nội bộ cho hướng dẫn viên và lái xe để tiện chăm sóc khách (3 hướng dẫn viên, 3 lái xe cần ít nhất 2 phòng) thì khách sạn kêu chỉ còn phòng VIP, báo giá "hữu nghị" 1,4 triệu đồng/đêm. Thấy giá quá cao, hướng dẫn viên và lái xe không chịu, ra ngoài thuê khách sạn khác. Tới lúc đó, phía khách sạn mới kêu phòng VIP nhưng lấy giá phòng Deluxe thôi, 700.000 đồng/đêm, thì lái xe và hướng dẫn viên đã ra ngoài thuê phòng rồi.

Dịp Noel 2020, phía công ty du lịch có khách đoàn 70-80 người đi Đà Lạt. Khi book phòng khách sạn từ 23-25/12, khách sạn báo đêm 24/12 đã... kín phòng. Lý do, họ để dành bán cho khách lẻ. Công ty du lịch không biết xoay xở ra sao, hoặc phải "cắn răng" chấp nhận có phòng nhưng giá đắt. Hiện tượng này rất nhiều, đặc biệt trong mùa cao điểm, lễ hội.

Một tình trạng khá phổ biến khác trong đợt giảm giá kích cầu du lịch vừa qua, hay vào mùa thấp điểm, khách sạn đưa ra mức giá phòng chưa rõ ràng và thiếu thống nhất, nếu không nói là được lợi thì làm, mặc kệ phía đối tác.

Thông thường, với phía đối tác là các công ty du lịch, bao giờ khách sạn cũng ký hợp đồng với giá ưu đãi để các đơn vị làm tour. Song, đại diện một công ty lữ hành cho hay, có resort báo giá cho công ty lữ hành là 2,8 triệu đồng/đêm, vậy mà trên trang bán hàng Agoda cũng bán 2,8 triệu đồng. Thậm chí, khi khách liên hệ trực tiếp, resort chỉ báo giá 2,4 triệu đồng/đêm. Việc khách sạn bán giá như trên khiến các công ty lữ hành chỉ biết kêu trời.

Khách sạn ế ẩm đóng cửa cả năm, có khách hỏi lại chảnh chọe, chặt chém - 2

Nhiều khách sạn đã linh hoạt điều chỉnh chính sách để ghi điểm với khách (ảnh minh họa)

Chưa linh hoạt

Mùa ế ẩm vắng khách, nhiều khách sạn đầy phòng bỏ trống nhưng cũng không điều chỉnh chính sách linh hoạt hơn để tranh thủ lấy lòng du khách, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho mình. Ví như, khi khách trả phòng trễ giờ, khách sạn không những thu thêm phụ phí mà nhân viên còn "mặt lạnh", tỏ thái độ khó chịu khi khách trả phòng muộn vài phút.

Đó là tình huống của khách sạn C. trên phố Trần Bình Trọng (Hà Nội). Đoàn khách miền Nam ở khách sạn này 2 đêm, báo trả phòng muộn lúc 15h00, khách sạn đã phụ thu 30% giá phòng. "Đúng 15h00 khách bị lễ tân réo đòi phòng, kinh doanh thì gọi cho công ty du lịch đòi trả thêm tiền nếu ở quá giờ mà không cần biết trễ chỉ 10-15 phút", chị Thanh ấm ức.

Trong khi đó, việc tận dụng phòng trống cho khách ở tạm khi chờ giờ ra sân bay mà không thu phí là cách để các khách sạn ghi điểm với khách hàng.

Chị Lê Thị Thùy (Đống Đa, Hà Nội) vừa cùng cả gia đình vừa đi nghỉ  ở khách sạn R. Cam Ranh (Khánh Hòa) hồi đầu tháng 12, kể rằng, vì bay chuyến muộn, 8h30 tối, về Hà Nội nên khách sạn cho gia đình chị (gồm hơn 10 người cả người già, trẻ nhỏ) mượn miễn phí một phòng ở đến giờ ra sân bay.

"Phòng to, rộng trên 30m2, có 4 giường 1m2, 4 cũi cho trẻ ngủ với đầy đủ tủ lạnh, ấm đun nước,... Dù đã check-out, nhà mình vẫn yên tâm ăn tối, nghỉ ngơi rồi thong thả ra sân bay mà không mất thêm tiền phòng. Mình cực kỳ ấn tượng về ưu ái này và sẽ giới thiệu bạn bè, người thân về khách sạn", chị Thùy chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch

Theo quy định tại Nghị định 45/2019 Điều 10 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, khách sạn phải niêm yết giá, nếu bán sai sẽ bị phạt, nộp số lợi chênh lệch.

Các trường hợp cá biệt "chảnh" như trên là do tạm thời khách sạn có một số lợi thế nhất định, như nhiều khách sạn đóng cửa không đón khách, hoặc do địa điểm ít có khách sạn khác đáp ứng, nên lữ hành ít có cơ hội chọn lựa và bị kẹt trong lúc tìm khách sạn. Nếu bình thường, nhiều khách sạn mở cửa thì sẽ có cạnh tranh. Thiết nghĩ, các công ty lữ hành nên báo với Hiệp hội du lịch - khách sạn địa phương để được can thiệp và có cảnh báo tẩy chay của hiệp hội này nơi lữ hành đưa khách đến.

Thực tế hiện nay, các Sở và các Hiệp hội du lịch chưa có trang web công bố các khách sạn có uy tín, chất lượng đang mở cửa hoạt động tại tỉnh mình, kèm theo đảm bảo điều kiện an toàn phòng dịch để công ty lữ hành, du khách các nơi biết để an tâm liên hệ.

Việc giá phòng trên Agoda và khách mua trực tiếp rẻ hơn lữ hành là do khách sạn tự ý kiếm khách, coi thường lữ hành, việc làm này sẽ không bền vững do làm ăn chụp giật. Song, bản thân khách sạn cũng bị các trang Agoda, Booking ép bán rẻ hơn lữ hành là bởi đây là kênh bán lâu dài, hữu hiệu, còn lữ hành lượng khách hên xui, trồi sụt do dịch Covid-19.