1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Khách ít mua vé máy bay, vé xem phim, ví điện tử “tụt” doanh thu

Đại Việt

(Dân trí) - Dịch bệnh khiến người dân hạn chế di chuyển và tụ tập nơi đông người. Điều này cũng kéo theo doanh thu từ việc bán vé máy bay, bán vé xem phim trên các ví điện tử giảm mạnh.

Khách ít mua vé máy bay, vé xem phim, ví điện tử “tụt” doanh thu - 1

Trong dịch Covid-19, người Việt sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh.

Trong buổi họp báo công bố kết quả “Khảo sát và Bình chọn Ví điện tử tiêu biểu Việt Nam” năm 2020, đại diện các Ví điện tử đều cho rằng, họ đã vấp phải nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Theo các đại diện, dù ví điện tử là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều ưu thế trong dịch bệnh nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức.

Bà Nguyễn Huyên Phương, đại diện Ví điện tử MoMo cho biết, dịch Covid-19 đã thúc đẩy người dân sử dụng ví điện tử nhiều hơn, dù trước đó nhiều người dân chưa có thói quen sử dụng ví điện tử. Thế nhưng, khó khăn vẫn luôn hiện hữu, điển hình như mảng mua vé xem phim, mua vé máy bay. 

Trước dịch Covid-19, mảng mua vé máy bay và mua vé xem phim rất phát triển trên ví điện tử MoMo. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra đã khiến doanh thu từ hai mảng này giảm mạnh.

“Có những mảng dịch vụ sẽ giảm mạnh như vé xem phim, vé máy bay nhưng cũng có những mảng không tăng, không giảm và cũng có những mảng dịch vụ tăng mạnh. Điển hình như dịch vụ chuyển tiền đã tăng đột biến trong mùa dịch”, bà Phương nói.

Theo bà Phương, việc người dân hạn chế di chuyển kéo theo việc giải trí online, học hành online tăng cao cũng phần nào giúp ví điện tử này tăng doanh số. Lượng khách hàng sử dụng ví đã xấp xỉ 20 triệu khách.

Khách ít mua vé máy bay, vé xem phim, ví điện tử “tụt” doanh thu - 2

Buổi công bố kết quả “Khảo sát và Bình chọn Ví điện tử tiêu biểu Việt Nam” năm 2020 diễn ra tại TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Ông Phạm Thông, đại diện Ví điện tử Zalo Pay cho biết, mảng mua vé máy bay và vé xem phim của ví này cũng giảm mạnh trong mùa dịch Covid-19. Ngoài ra, các dịch vụ offline khác cũng giảm “sâu”. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch vụ chuyển tiền lại có sự tăng trưởng khoảng 300%.

“Dịch bệnh kéo dài nên dịch vụ giao hàng tận nhà của các sàn thương mại điện tử phát triển. Điều này cũng kéo theo sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có ví điện tử như Zalo Pay”, ông Thông nói.

Đại diện nhiều ví điện tử khác cũng “chung số phận” như MoMo và Zalo Pay. Dịch bệnh mang đến cho các ví nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng không “cướp" đi hết cơ hội của các ví.

Khách ít mua vé máy bay, vé xem phim, ví điện tử “tụt” doanh thu - 3

Người dân ít mua vé xem phim và mua vé máy bay khiến doanh thu những mảng này ở các ví điện tử giảm mạnh.

Theo nghiên cứu thị trường của Cimigo, ví điện tử đang phát triển mạnh mẽ tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Trung bình mỗi ngày người dân tại TPHCM và Hà Nội thực hiện từ 1,6 - 2,2 giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 230.000 - 274.000 đồng/giao dịch.

Theo Cimigo, liên kết với tài khoản ngân hàng, rút chuyển tiền miễn phí, thanh toán các hóa đơn, dịch vụ thiết yếu không dùng tiền mặt… là những tiện ích phổ biến mà ví điện tử mang đến cho khách hàng.

Tuy nhiên, “thực đơn” nói trên sẽ không đủ hấp dẫn nếu thiếu các khuyến mãi như: ưu đãi đổ xăng đến 30% hay hoàn tiền lại đến 50% tại quán cà phê hoặc mua vé xem phim chỉ 1.000 đồng…

Nghiên cứu của Cimigo cho rằng, việc xây dựng một ví điện tử có giao diện thân thiện, dễ sử dụng đi kèm với các chương trình khuyến mãi đa dạng và thường xuyên là những tiêu chí mang tính thúc đẩy, giúp thương hiệu gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.

Thực tế, việc chiếm thị phần “khủng” hiện nay của các “ông lớn” ví điện tử cũng một phần do sự cần mẫn “đốt tiền” trong nhiều năm qua. Việc “đốt tiền” là để tìm kiếm người dùng mới và giữ chân người dùng cũ.

Để thêm người dùng mới, có ví tặng hàng trăm ngàn đồng cho ai giới thiệu thêm bạn sử dụng cũng có ví trợ giá vé xem phim như “cho không”. Hoặc trong dịch Covid-19, một số ví còn ưu đãi khủng cho việc đặt thức ăn, đồ uống, thanh toán các dịch vụ giao hàng hay đi siêu thị hộ.

Cũng theo nghiên cứu của công ty nói trên, “đốt tiền” vào khuyến mãi dù hiệu quả nhưng không phải là bước đi đường dài trong mắt các nhà đầu tư lẫn khách hàng. Dịch Covid-19 đang khiến các nhà đầu tư cân nhắc hơn trong việc “móc hầu bao” thay vì bơm tiền ồ ạt để “chăm bón” các startup như trước.

Chính vì vậy, các ví điện tử cần tập trung vào việc phát triển khách hàng trung thành và bồi đắp lượng người dùng chất lượng. Đây là những yếu tố quan trọng giúp các ví có được sự phát triển bền vững và dài hạn.

Khách ít mua vé máy bay, vé xem phim, ví điện tử “tụt” doanh thu - 4

Việc xác thực thông tin giúp người dùng khẳng định quyền sở hữu đối với tài khoản, tăng cường bảo mật tối đa khi sử dụng ví điện tử.

Thống kê của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) cho thấy, hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 29 ví điện tử thuộc các tổ chức trung gian thanh toán và ngân hàng.

NHNN cũng đã có Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN về việc xác thực thông tin khách hàng mở ví điện tử.

Cụ thể, chủ sở hữu ví điện tử phải cung cấp: ảnh chụp CMND/căn cước/hộ chiếu mặt trước và sau cho các đơn vị quản lý ví điện tử để hoàn tất thủ tục xác thực tài khoản.

Theo NHNN, việc xác thực này sẽ làm tăng tính bảo mật cho người dùng ví điện tử và các công ty cung ứng ví điện tử phải cam kết chỉ sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng vào mục đích duy nhất là xác minh tính chính danh của người chủ tài khoản ví điện tử.

Các nhà cung ứng ví điện tử không được cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng cho bên thứ ba. Nếu có sự tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng ví thì các ví điện tử sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.