1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khách hàng muốn dùng điện một giá để “bình đẳng”, EVN nói gì?

(Dân trí) - Lãnh đạo EVN cho rằng, sửa biểu giá bán lẻ điện vẫn cần hướng tới mục tiêu tiết kiệm điện. Tuy nhiên với phương án sửa như thế nào, EVN cũng sẽ "tuân thủ nghiêm túc".

Khách hàng muốn dùng điện một giá để “bình đẳng”, EVN nói gì? - 1

Nhiều khách hàng muốn áp dụng điện một giá. Ảnh: N.M.

Tại toạ đàm về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện tăng cao vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết thời gian qua đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về vấn đề tiền điện.

“Trời nắng nóng, công tơ treo trên ngoài có làm ảnh hưởng độ chính xác của công tơ không. Người tiêu dùng có được đấu công tơ song song hay không…”, ông Hùng cho biết rất nhiều vấn đề được người dân đặt ra.

Cũng theo ông Hùng, nhiều người dân thắc mắc đã là người tiêu dùng thì phải bình đẳng, tại sao không áp dụng một giá mà phải dùng luỹ tiến, dùng nhiều lại trả cao hơn…

Thực tế vừa qua, trước ý kiến của dư luận về biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ tính toán thêm phương án điện một giá để người dân lựa chọn bên cạnh phương án 5 bậc giá.

Đề cập đến vấn đề này tại toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, giá điện bậc thang được nhiều nước nhiều áp dụng, trong đó có cả nước giàu lẫn nước nghèo với mục tiêu rất rõ ràng là khuyến khích tiết kiệm điện. Điện năng là nguồn năng lượng không phục hồi được.

Khách hàng muốn dùng điện một giá để “bình đẳng”, EVN nói gì? - 2
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN.

Đại diện của EVN cũng thừa nhận rằng, khi đời sống người dân tăng lên, việc cơ quan quản lý nghiên cứu, điều chỉnh lại biểu giá để tránh tăng sốc là cần thiết.

Tuy nhiên theo quan điểm của vị này, sửa biểu giá nhưng vẫn cần hướng tới mục tiêu tiết kiệm điện. “Việc duy trì giá điện bậc thang ít nhất là chúng ta vẫn đi theo các nước phát triển”, ông Dũng nói.

Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cũng đồng tình việc cần sửa biểu giá điện sinh hoạt bậc thang khi xu hướng tiêu dùng của người dân tăng lên.

Vị này cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế mức tiêu dùng điện bình quân của các hộ hiện quanh ngưỡng 200 kWh một tháng. Vì thế, cơ quan quản lý nên tính toán các mức giá và chia bậc thang giá điện trên cơ sở mức trung bình 200 kWh này, để dễ dàng thực hiện và không phải điều chỉnh nhiều trong thời gian dài.

Mức độ điện sử dụng bình quân của người dân theo thống kê của EVN đang tăng lên. Năm 2016, bình quân mức dùng điện của hộ tiêu dùng sinh hoạt là 156 kWh một tháng, hiện tăng lên 189 kWh.

Lãnh đạo EVN khẳng định thêm, cơ quan quản lý sẽ tính toán để đưa ra phương án hợp lý trên cơ sở giá điện bình quân, và dù với phương án sửa biểu giá điện bán lẻ như thế nào, Tập đoàn EVN cũng sẽ "tuân thủ nghiêm túc".

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm