iPhone hay Ai lúa?

(Dân trí) - “Việt Nam tuy không thành công xưởng của thế giới như Trung quốc, nhưng chúng ta có thể trở thành cái bếp, vườn hoa, khu vườn hay vườn thuốc của thế giới nếu chúng ta đi đúng cách. Điều quan trọng là cần thúc đẩy việc trao quyền cho người dân ngay từ bây giờ...”.

Đó là nhận định của TS Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (IPSARD) tại buổi tọa đàm “Iphone hay Ai lúa – Lựa chọn phát triển bền vững cho Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.

 

Theo TS Sơn, đầu tư cho nông nghiệp ở nước ta chưa hiệu quả do tư duy chưa đổi mới và chính sách chưa phù hợp. Trong những năm qua nước ta đã chú trọng phát triển công nghiệp và đô thị trong khi hy sinh nông nghiệp và nông thôn.

 

Chính điều đó đã làm cho năng suất lao động trong nông nghiệp thấp, chỉ đạt gần 800 USD/người/năm năm 2008, so với mức gần 1.600 USD/người/năm ở Trung Quốc, 1.800 USD/người/năm ở Indonesia, 2.000 USD/người/năm ở Phillipines, và gần 2.200 USD/người/năm ở Thái Lan.

 

Tốc độ tăng trưởng GDP trong nông nghiệp ở VN giảm từ gần 7%/năm đầu những năm 1990 xuống còn khoảng 4%/năm năm 2012, ông Sơn cho biết.

 

Trước những thách thức của công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa, người dân nông thôn phải đối mắt với nhiều rủi ro như bị lấy đi tài nguyên, bị đổ chất thải, biến đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai, gây mất đất, cạnh tranh bất bình đẳng,..vv. Hàng triệu lao động ở nông thôn đã ra thành thị kiếm việc làm. Hơn 70% lao động nông thôn đang làm việc trong những lĩnh vực không chính thức như người giúp việc, cửu vạn, bia ôm, xe ôm…vv.

 

Xu hướng phát triển này đặt Việt Nam trước nguy cơ đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Điều này dẫn đến hệ lụy là đô thị quá tải, nông thôn lạc hậu, công nghiệp và dịch vụ kém hiệu quả, nông nghiệp kém cạnh tranh, mâu thuẫn chính trị - xa hội, mất tài nguyên và ô nhiễm môi trường..vv.

 

Tương lai nông nghiệp Việt Nam

 

Iphone hay Ai lúa?
Việt Nam có thể trở thành cái bếp, vườn hoa, khu vườn của thế giới nếu chúng ta đi đúng cách. (Ảnh minh họa)
 
Trước nhiều thách thức và rủi ro, nền nông nghiệp Việt Nam đã làm được nhiều điều kỳ diệu. Trong khi nước ta liên tục nhập siêu nhất là các ngành sản xuất công nghiệp, thì chỉ có ngành nông nghiệp là luôn xuất siêu.

 

Theo báo cáo, năm 2012, Việt Nam vươn lên thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo và thế giới biết đến Việt Nam qua các sản phẩm nông sản như lúa, cà phê,..vv.
 

Việt Nam là một nước nông nghiệp với hơn 70% lao động ở khu vực nông thôn. Đứng trước những thách thức và cơ hội cho sự phát triển, chúng ta cần phát huy thế mạnh của mình để phát triển bền vững.

 

Theo TS Sơn, hướng đi mới của công nghiêp hóa là nên đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn và trao quyền cho nông dân ngay từ đầu công nghiệp hóa.

 

“Việc trao quyền cho nông dân ở Việt Nam đang diễn ra quá chậm. Nếu chúng ta tiến hành trao quyền cho người dân ngay bây giờ thì còn kịp, nếu đợi 5 năm hay 10 năm nữa là quá muộn,” TS Sơn khẳng định.

 

Ông Sơn cho rằng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm rút ra từ các nước như Đài Loan, Hàn Quốc là: Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, trao quyền cho nông dân từ đầu công nghiệp hóa gắn kết nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, công nghiệp – nông thôn suốt quá trình công nghiệp hóa.

 

“Về tương lai, Việt Nam tuy không thành công xưởng của thế giới như Trung quốc nhưng chúng ta có thể là cái bếp, vườn hoa, khu vườn của thế giới nếu chúng ta đi đúng cách,” ông Sơn nhấn mạnh.

 

Chúng ta nên nắm bắt cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp vì gần đây có trên 15 tập đoàn đa quốc gia lớn đang muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp nước nhà.
 

Nhà nước nên tập trung vào phát triển khoa học – công nghệ, công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp. Cần quan tâm đến các khâu nghiên cứu thị trường, quản l‎í chất lượng, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát đầu vào. Chính phủ nên cấp vốn trực tiếp cho nông dân để họ tự quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, thay vì cấp vốn cho ngân hàng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu với mong muốn họ mua nông sản của người dân với giá tốt như hiện nay.

 

Thảo Nguyên