Indochina Airlines xin tái cơ cấu tài chính và cổ đông
(Dân trí) - Hãng hàng không của nhạc sỹ Hà Dũng vừa đệ đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin gia hạn việc rút giấy phép bay nhằm thực hiện tái cơ cấu tài chính, tìm nhà đầu tư và cổ đông mới để khôi phục hoạt động bay trên thị trường hàng không nội địa Việt Nam.
Gửi công văn xin phép đồng loạt
Ngoài đơn đệ trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Indochina Airlines cũng gửi công văn đề nghị liên quan đến Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải mong được tạo điều kiện lui việc rút phép.
Ông Lại Xuân Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho Dân trí biết thông tin trên chiều 12/1.
Indochina Airlines cho rằng 1 năm gia hạn có thể khôi phục hoạt động bay
“Sau 1 thời gian dài bặt vô âm tín, công văn gửi tới Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam, Indochina Airlines trình bày về việc có nhiều nhà đầu tư tỏ thiện chí hợp tác với hãng này đề nghị xin lui thời hạn rút giấy phép bay thêm 1 năm nữa (tức năm 2012).
Indochina Airlines được cấp phép thành lập tháng 5/2008 và bắt đầu khai thác bay từ tháng 11/2008. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về tài chính nên hãng này đã ngừng hoạt động vào cuối năm 2009 với khoản nợ nần lên tới 70 tỷ đồng. Tháng 1/2011, khi Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn tất mọi thủ tục để rút giấy phép bay của Indochina Airlines thì hãng này gửi công văn đề nghị xin gia hạn thêm 1 năm. |
Tuy nhiên, theo ông Thanh: “Cục Hàng không Việt Nam thông qua công văn đề nghị của Indochina Airlines, nhưng đây mới chỉ là công văn trình xin chủ trương, còn phương án tái cơ cấu của hãng như thế nào để đảm bảo được hoạt động khai thác thì hãng này chưa báo cáo trình chính thức.
Một đề án bay khả thi phải có các yếu tố trực tiếp như: vốn, tàu bay, nhân lực lành nghề, thị trường… Indochina Airlines phải lên được phương án cụ thể và khi được duyệt thì hãng này mới có thể khôi phục được hoạt động bay”.
Phải trả được nợ mới được phép bay
Về bản chất, rút giấy phép bay chỉ là việc chính thức gạch tên Indochina Airlines ra khỏi thị trường hàng không Việt Nam, chỉ là hình thức hợp thức hóa trong quản lý về mặt Nhà nước.
Còn trên thực tế, Cục Hàng không Việt Nam đã rút thương quyền bay của Indochina Airlines từ lâu, điều này đồng nghĩa với việc Indochina Airlines đã hết quyền vận tải hàng không, kể cả hoạt động quảng cáo cũng không được thực hiện.
Về khả năng tái hoạt động của Indochina Airlines, ông Thanh đánh giá: “Để thực hiện được đề án bay và thiết lập hoạt động của hãng hàng không thì phải có nguồn vốn rất lớn. Hiện nay Indochina Airlines có mong muốn hoạt động trở lại, dù có tạo điều kiện như thế nào thì hãng này cũng phải trả được nợ nần, không làm xấu thêm tình hình và không gây thiệt hại cho xã hội thì mới được phép bay”.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia hàng không, thị trường hàng không nội địa Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội để cho các nhà khai thác kinh doanh, nhưng hoạt động vận chuyển hàng ko thì phụ thuộc vào rất nhiều vào vấn đề vốn, nhân lực, hoạt động theo quy trình nghiêm ngặt và phải chịu lỗ trong 1 thời gian dài;
Bên cạnh đó, các hãng hàng không phải có khả năng chịu đựng biến động về kinh tế trong nước và thế giới, bởi dù bay ở trong nước nhưng khi tình hình thế giới có biến động thì thị trường trong nước sẽ bị ảnh hưởng, mà hàng không sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Đối với Indochina Airlines, nói như lãnh đạo Cục Hàng không thì dù được các cấp quản lý thông qua công văn trình xin chủ trương, nhưng phương án tái cơ cấu như thế nào để đảm bảo được hoạt động khai thác là chưa rõ. Vấn đề vốn, tàu bay, nhân lực lành nghề, tiềm năng kinh doanh… Indochina Airlines chưa vạch ra cụ thể, trong khi đó lại là những yếu tố chính làm nên tính khả thi của 1 đề án.
“Tôi không nói là tin tưởng năng lực bay của Indochina Airlines, tôi cũng chưa khẳng định đề án của hãng là khả thi hay không, nhưng nếu đồng ý cho họ 1 năm nữa mới rút giấy phép cũng không thiệt hại gì, hãng này nếu không đảm bảo các điều kiện cho phép thì cũng không thể hoạt động chui được, vì vậy chúng tôi thêm 1 lần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp theo nguyện vọng và cũng vì lợi ích nhất định của doanh nghiệp” - ông Thanh cho hay.
Năm 2010, thị trường hàng không nội địa Việt Nam phát triển nhanh, tính về sản lượng thì vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa là ngang nhau. Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng trưởng 30%, hành khách 20% (đặc biệt là xuất khẩu bằng đường hàng không ở phía Bắc tăng mạnh). Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nên hầu như vận chuyển hàng không quốc tế không tăng, nhưng năm 2010 đã tăng lên 26%. Các chuyên gia hàng không nhận định, đây là tín hiệu vui cho ngành hàng không Việt Nam. |
Quỳnh Anh