Indochina Airlines đứng trước nguy cơ bị cắt nhiên liệu
(Dân trí) - Ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) vừa có văn bản số 977/XDHK-TCKT gửi các cơ quan chức năng, xin phép được ngừng cung cấp xăng cho hãng hàng không Indochina Airlines (ICA) của nhạc sĩ Hà Dũng.
Nếu bị tạm dừng cấp nhiên liệu, máy bay của Indochina Airlines sẽ chỉ đắp chiếu tại sân bay.
Theo báo cáo khẩn của Vinapco gửi tới Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Cục quản lý cạnh tranh cho biết, từ khi hoạt động, ICA liên tục nợ tiền nhiên liệu bay của Vinapco. Số nợ lũy kế đến thời điểm này là hơn 14 tỷ đồng. Hiện nay, ICA từ chối trả lời về tiến độ trả nợ dưới bất cứ hình thức nào và tắt cả điện thoại giao dịch.
Sau nhiều lần gửi đơn báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng, Vinapco chỉ nhận được 02 văn bản của Cục Hàng không Việt Nam và Cục Quản lý cạnh tranh. Trong đó, tại công văn số 1369/CHK-TC, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Vinapco không được tự ý ngừng cung cấp nhiên liệu.
Còn công văn 273/QLCT-HCCT của Cục Quản lý cạnh tranh thì không đề cập đến việc có quyền ngừng cung cấp nhiên liệu hay không. Ngày 18/6, Vinapco có văn bản gửi Tổng Công ty Hàng không và Cục Hàng không Việt Nam báo cáo và xin phép ngừng bán xăng cho ICA từ 0h ngày 22/6 nhưng đến nay vẫn không nhận được phản hồi.
Trong văn bản số 977/XDHK-TCKT, Vinapco cho biết sẽ ngừng cung cấp xăng cho ICA kể từ 0h ngày 26/6 theo chế tài hợp đồng đã ký giữa Vinapco và ICA, ngay cả khi chưa có văn bản chấp thuận của các cơ quan chức năng.
Chiều 23/6, với mong muốn làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Dân trí đã liên lạc nhiều lần với lãnh đạo hãng hàng không ICA nhưng không có ai bắt máy điện thoại. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên hãng hàng không của nhạc sĩ Hà Dũng bị Vinapco “siết nợ”.
Trước đó, giữa Vinapco và Indochina Airlines đã ký hai hợp đồng cung ứng nhiên liệu bay số 35/AirSpeed (tên trước đây của Indochina Airlines) và 35/Vinapco - Indochina 2009. Trong đó, giá bán nhiên liệu, điều kiện hợp đồng cũng tương tự như các hợp đồng đã ký giữa Vinapco với các hãng hàng không nội địa khác, kể cả với đơn vị chủ quản là Vietnam Airlines.
Thế nhưng, trong văn bản của phía Vinapco khẳng định, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Indochina Airlines liên tục vi phạm điều khoản thanh toán, để nợ đọng kéo dài, gây thiệt hại tài chính cho Vinapco. Đây là cũng điều khó cho ngay cả đơn vị cung ứng nhiên liệu và các hãng hàng không nội địa.
Với Vinapco, công ty này đã “thấm đủ” kinh nghiệm khi giữa Vinapco và hãng bay Pacific Airlines (tên gọi trước của Jetstar Pacific) không thống nhất được về giá nhiên liệu. Pacific Airlines không đồng ý thanh toán tiền, Vinaco cũng ngừng cung cấp nhiên liệu và nhiều ý kiến dư luận phản đối cách làm của Vinapco. Ngay sau đó, cơ quan của Chính phủ đã yêu cầu nối lại việc cung cấp nhiên liệu.
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Vinapco nói: “Vinapco là công ty nhà nước, chúng tôi được giao trọng trách phải bảo toàn vốn nhà nước nhưng lại không thể gây sức ép...”.
Một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong hợp đồng kinh tế bao giờ cũng quy định quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên trong trường hợp vi phạm hợp đồng. Việc bên A ngừng cung cấp hàng cho bên B khi bên B không thanh toán tiền đúng hạn là hoàn toàn hợp lý, nhưng đối với cung ứng xăng dầu hàng không thì doanh nghiệp không thể vận dụng ngay được vì liên quan đến vấn đề an toàn, bảo đảm giao thông...
Phúc Hưng