In giấy đổi tiền, đại gia sang tay ngàn tỷ
Lo sợ trước khối nợ ngàn tỷ, ưu tiên số một của nhiều đại gia bây giờ là trả nợ. Dồn tiền trả nợ, bán tài sản trả nợ, xin hoãn nợ… thậm chí phát hành cổ phiếu để cấn nợ.
Và xem ra chiêu bán lấy tính tiền trừ nợ rất có hiệu quả khi nhanh chóng biến chủ nợ thành cổ đông và cấn trừ được món nợ lớn cả ngàn tỷ.
Chia sẻ tài sản để trả nợ
Ngày 4/11, Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm bắt đầu lấy ý kiếncổ đông bằng văn bản và biên bản kiểm phiếu với kết quyết định chào bán 100 triệu cổ phiếu giá tối thiểu 10.000 đồng/cp với mục đích hoán đổi (cấn trừ) công nợ và bổ sung nguồn vốn lưu động.
Theo đó, 100 triệu cổ phiếu phát hành thêm sẽ được chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư và các chủ nợ của KBC với giá có thể thấp hơn giá trị sổ sách. Theo đánh giá của KBC, việc hoán đổi công nợ bằng cổ phần là một bước quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nguồn vốn nhằm mục đích giúp DN giảm đáng kể các khoản nợ phải trả.
Mức giá tối thiểu 10.000 đồng/cp dự kiến phát hành cao hơn so với giá cổ phiếu KBC vào thời điểm công bố có lẽ là một tin vui đối với các cổ đông trong bối cảnh DN đang ngập trong nợ nần và cạn doanh thu. Tuy nhiên, nó cũng phần nào cho thấy một thực tại là Kinh Bắc đang nằm trong đống nợ và biện pháp "chia sẻ tài sản" là một lựa chọn bất đắc dĩ. Với 100 triệu cổ phiếu phát hành thêm, tương đương tối thiểu 1.000 tỷ đồng, chiếm 34,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của KBC trên thị trường, rủi ro pha loãng cổ phiếu là tất yếu.
Trước đó, một DN khác của ông Đặng Thành Tâm là Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng đã liên tục phát hành thêm, pha loãng cổ phiếu thông qua các hình thức cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành thêm (116 triệu cổ phiếu)... với nhiều mục tiêu trong đó có cấn trừ công nợ.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Nhờ đó, ITA đã cấn trừ nợ được cho rất nhiều DN có liên quan như: Đại học Tân Tạo, Delta miền Nam, Truyền thông Giải trí và Sản xuất Media Ban Mai và Quỹ ITA. Tới cuối tháng 6/2013, ITA đã giảm được khoản nợ lớn gần 1.000 tỷ đồng xuống còn 3.062 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2012.
Ngày 8/11/2013 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có công văn nhắc nhở Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (MSN) về việc chậm công bố thông tin kết quả chào bán cổ phần riêng lẻ. Theo đó, MSN gửi báo cáo kết quả cho UBCK vào ngày 31/10 nhưng tới 7/11 mới gửi cho HOSE để công bố ra công chúng.
Nguồn tin từ nhiều công ty chứng khoán cho biết, toàn bộ cổ phiếu được phát hành lần này (30/10) không thu tiền mặt mà nhằm tất toán nghĩa vụ của DN theo các thỏa thuận hiện tại với Vietnam Resource Investments (Cayman) Limited (VRICL) với giá bán 65.915 đồng/cp, thấp hơn khá nhiều so với mức 81.500 đồng/cp trên thị trường hôm 30/10 và mức 79.500 đồng/cp sáng 12/11.
Theo phương án phát hành đăng ký với UBCK, MSN đăng ký bán gần 38,8 triệu cổ phiếu làm hai lần tách biệt, trong đó gần 30 triệu cổ phiếu cho VRICL và/hoặc các công ty liên kết của VRICL và lần hai 9 triệu cổ phiếu cho Jade Dragon (Mauritius) Limited (JDML) và/hoặc các công ty liên kết của JDML.
Bán nỗi sợ hãi
Trước đó, giới đầu tư còn chứng kiến rất nhiều vụ phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ, chuyển nghĩa vụ trả nợ như tại HQC, CII, HT1, MLG...
Với HQC, DN này hồi tháng 7/2013 đã phát thành công 18 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với giá 10.000 đồng/cp (cao hơn nhiều nhiều so với thị giá thời điểm tháng 6,7/2013 xung quanh 7.000 đồng/cp) cho 2 NĐT tổ chức.
Trên thực tế, vụ phát hành này là để cấn trừ công nợ, chuyển một phần nghĩa vụ trả nợ hiện tại cho hai công ty liên kết: Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kông (17,25 triệu cp) và Việt Kiến Trúc.
Trong trường hợp Xi Măng Hà Tiên 1 (HT1), hồi tháng 8, đại hội cổ đông bất thường của DN này đã thống nhất phương án phát hành 120 triệu cp để tất toán và cấn trừ nợ dài hạn cho Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Nếu thành công, tỷ lệ nắm giữ HT1 của Vicem sẽ tăng từ 67,38% lên mức 79,69%.
Quyết định này có lẽ cũng khó khăn với nhiều cổ đông của DN nhưng trên thực tế lại là lựa chọn tốt nhất để HT1 thoát khỏi áp lực chi phí tài chính để có thể vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh. Các phương án phát hành thêm từ thặng dư hoặc lợi nhuận lũy kế, chào bán cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược... đều không khả thi bởi vốn chủ sở hữu của HT1 thấp hơn vốn điều lệ và giá cổ phiếu thấp, xoay quanh 5.000 đòng/cp.
Cũng gây sốc cho giới đầu tư, hồi cuối tháng 6/2013 Tập đoàn Mai Linh (MLG) cũng đã thông qua việc phát hành 100 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng để thanh toán nợ vay ngắn hạn và dùng cho đầu tư phát triển.
Quyết định khó khăn được đưa ra trong bối cảnh những năm gần đây MLG thường xuyên thua lỗ, lợi nhuận chưa phân phối âm hơn 120 tỷ đồng, còn nợ phải trả tới cuối tháng 6 ở mức gần 2.200 tỷ đồng, cao gấp khoảng 3 lần vốn điều lệ.
Có thể thấy, việc chia sẻ tài sản xây dựng trong nhiều năm là rất khó khăn. Tuy nhiên, đây dương như là một giải pháp tốt nhất trong bối cảnh hiện tại đối với rất nhiều DN đang ngập đầu trong nợ. Có nợ mới biết sợ, bán đi nỗi lo sợ để cứu DN thoát khỏi nợ hẳn là một phương án tối ưu. Dẫu biết rằng phát hành đồng nghĩa với việc pha loãng cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu tăng lên, tiền chưa chắc đã tăng khiến lợi nhuận/cổ phiếu sẽ thấp đi. Dù vậy, việc bán đi gánh nặng, nỗi lo có lẽ là cần thiết.
Theo Mạnh Hà