IMF cảnh báo “rút” kích thích kinh tế quá sớm
(Dân trí) - Kế hoạch rút đi các chính sách kích thích kinh tế là điều cần được tính đến chứ không phải thực thi bởi kinh tế thế giới vẫn còn phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ chính phủ.
Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ông Dominique Strauss-Kahn cho rằng, hiện còn quá sớm để rút đi các kế hoạch kích thích kinh tế đang góp phần quan trọng vào đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Trong bài phát biểu tại Tokyo University, ông nhận xét: “Kinh tế toàn cầu hiện đang hồi phục, dù đà phục hồi còn mong manh và nhu cầu tiêu dùng cá nhân vẫn ở mức thấp”.
Đầu tháng này, ông Strauss-Kahn nhận xét kinh tế thế giới đang hồi phục sớm hơn và nhanh hơn dự báo của các chuyên gia. Chính phủ các nước đã chi tiêu khoảng 2.000 tỷ USD để kích thích kinh tế toàn cầu, kéo kinh tế các nước ra khỏi suy thoái.
Ông nói: “Các biện pháp của chính phủ cần tập trung nhiều hơn vào giải quyết tình trạng thất nghiệp”.
Ông Strauss-Kahn cho rằng, Chính phủ các nước chưa đưa ra biện pháp cần thiết để thắt chặt điều tiết ở thời điểm khủng hoảng mới chỉ bắt đầu: “Nguyên nhân của khủng hoảng chính là do sự điều tiết và giám sát trong ngành tài chính thất bại”.
Theo ông, Tổng thống Obama sẽ đưa ra chế tài phạt một số ngân hàng lớn nhất nước và dự kiến đưa ra một mức thuế mới áp dụng với những tổ chức tài chính lớn nhất Nhật để có thể thu lại được tiền của chính phủ đã giúp cứu các tổ chức này trong thời kỳ suy thoái tệ hại nhất từ thập niên 1930.
Mức phí này sẽ áp dụng với những tổ chức tài chính có tổng tài sản hơn 50 tỷ USD như Citigroup, tập đoàn bảo hiểm AIG và Bank of America. Những tổ chức không thuộc lĩnh vực tài chính nhưng không nhận tiền của chính phủ được miễn không bị đánh thuế theo chương trình trên.
Giám đốc Quỹ tiền tệ vẫn nhắn lại việc IMF cam kết hỗ trợ cho Ukraina 3,4 tỷ USD bởi nước này đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính.
Ngọc Diệp
Theo Bloomberg