Huy động vốn qua thị trường tài chính Mỹ không quá khó
(Dân trí) - Để có thể tham gia huy động vốn qua thị trường tài chính Mỹ, theo ông Phạm Đắc Hiện, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Providential Holdings. Inc, các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc trang bị những thông tin minh bạch về tài chính còn phải chú trọng tới công tác quảng bá hình ảnh của công ty mình.
Ông đánh giá như thế nào về khả năng thu hút vốn của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Các doanh nghiệp Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn, đặc biệt là khi Việt Nam đã chính thức gia nhập vào WTO, với sân chơi cũng đã mở ra một cách rộng lớn hơn. Đồng thời các công ty Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài chuẩn mực hơn và khi đã cạnh tranh một cách ngang hàng mà chỉ sử dụng lợi thế là trong nước thì chúng ta sẽ mất đi cơ hội.
Theo tôi, đây chính là thời điểm tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn có nhu cầu huy động được nguồn vốn dồi dào từ thị trường quốc tế.
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn niêm yết trên thị trường quốc tế và thị trường Mỹ là gì, thưa ông?
Cái khó nhất của chúng ta hiện nay là vấn đề kiểm toán, tức là phải minh bạch về tài chính và kế toán. Nếu hệ thống kế toán, con số của mình không trung thực, chính xác thì không thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường Mỹ và các thị trường quốc tế khác.
Ông có thể so sánh lợi thế khi một doanh nghiệp niêm yết ở thị trường Việt Nam và Mỹ?
Mỗi một công ty khi có nhu cầu niêm yết trên thị trường Mỹ cần phải cân nhắc đến số lượng cổ phần phân phối vào thị trường và điều kiện tài chính để lựa chọn thị trường niêm yết phù hợp.
Thị trường chứng khoán Mỹ có nhiều loại, trong đó, để đáp ứng được điều kiện niên yết trên thị trường New York (NYSE) là khó nhất, bởi NYSE mỗi ngày giao dịch 3 tỉ cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt gần 87 tỉ USD, với 2,780 công ty Mỹ và 447 công ty nước ngoài tham gia niêm yết.
(Providential Holdings, Inc là công ty chuyên tư vấn mua bán và sát nhập các công ty trên thị trường quốc tế) |
Thị trường Việt Nam sẽ tăng trưởng theo từng giai đoạn và cơ hội để huy động vốn đối với thị trường trong nước cũng không phải là nhỏ. Một số công ty Việt Nam đang có tầm vóc đáng kể thì nên để ý đến thị trường nước ngoài và nắm lấy cơ hội, chứ không nên tự giới hạn mình.
Về cách thức niêm yết trên thị trưuờng Mỹ có gì khác biệt không, thưa ông?
Mỗi thị trường có những đòi hỏi khác nhau và nói chung là các công ty niêm yết phải minh bạch về tài chính, những thông tin tiết lộ về hoạt động kinh doanh của công ty phải rõ ràng để người đầu tư được biết.
UBCK của Mỹ không phê chuẩn, không đưa ra lời khuyên nên chọn cái này hay không nên đầu tư vào cái kia với nhà đầu tư. Tuy nhiên, UBCK Mỹ sẽ có công nhận về công việc tiết lộ minh bạch báo cáo ra công chúng của mỗi một công ty niêm yết là đã hoàn tất hay chưa, phần việc còn lại là do nhà đầu tư tùy theo khả năng chấp nhận rủi ro và triển vọng tương lai khi họ muốn công ty có được sự gia tăng về lợi nhuận như thế nào thì người ta tham gia thôi.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực hạn chế, liệu đây có là rào cản tiếp cận nguồn vốn nước ngoài?
Điều này không hoàn toàn đúng. Bởi nếu chúng ta xem xét kĩ thì nhiều công ty của Mỹ ra thị trường chỉ có một ý niệm trong đầu óc, chứ chưa có cái gì cả, nếu những ý niệm đó có thể chuyển thành những sản phẩm, những dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của xã hội và đem lại những ích lợi cho nhà đầu tư thì không phải là những gì quá khó và không có gì là giới hạn cả.
Trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán mới quy định UBCK Việt Nam phải có thỏa thuận hợp tác với UBCK Mỹ, khi đó các doanh nghiệp mới được phép niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Hiện nay giữa Mỹ và Việt Nam đã có một thỏa thuận hợp tác nào chưa?
Tôi cho rằng đây là một điểm mà Việt Nam cần triển khai hơn nữa để có một sự hiểu biết đồng bộ với nhau. Không biết sự giải thích đến mức độ nào rồi nhưng tôi nghĩ các doanh nghiệp hai bên vẫn đang chờ để có một thông tin toàn bộ, tuy nhiên về yêu cầu của UBCK chỉ là một phần, mặt khác về Luật doanh nghiệp cũng có những điều khoản tương đối rộng rãi để cho các doanh nghiệp Việt Nam làm việc đó.
Doanh nghiệp Việt Nam muốn được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, họ phải làm gì, thưa ông?
Các doanh nghiệp Việt Nam nên mạnh dạn hơn và nên có một tầm nhìn xa hơn khi thấy được cơ hội và chọn được những người có thể hướng dẫn mình một cách tận tình. Để có được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam phải có công tác quảng bá, cũng như Việt Nam làm được cái bẫy chuột hay mà cứ để đó rồi hi vọng người mua sẽ biết đường tìm đến thì rất khó.
Do đó, công tác quảng bá hình ảnh công ty rất là quan trọng. Nhiều người vẫn lo ngại chi phí quảng cáo tại Mỹ quá cao, nhưng theo tôi thấy thì chi phí quảng cáo nó có một tỉ lệ thuận nhất định đối với số vốn mà công ty đó muốn huy động. Nếu muốn huy động 10 triệu USD, thì doanh nghiệp bỏ ra mấy trăm USD để quảng bá cũng không phải là nhiều.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hiền (thực hiện)