Hút tiền ra khỏi lưu thông để ngăn đà lạm phát

Song song với việc triển khai các biện pháp như giảm thuế mạnh hàng loạt mặt hàng nhập khẩu, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang âm thầm triển khai các giải pháp tài chính, tiền tệ khác để chặn đà tăng lạm phát.

Trong các nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng cao trong 7 tháng đầu năm (6,19%) thì tiền tệ được nhiều chuyên gia nhắc đến như yếu tố căn bản nhất.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, nói về lạm phát thì ở đâu, khi nào có lạm phát là có yếu tố tiền tệ. Mà yếu tố tiền năm nay thì rõ nét hơn hết. Điều này cộng với các yếu tố khác như giá thế giới tăng, sức cạnh tranh thấp của nền kinh tế… đã đẩy lạm phát trong nước tăng cao.

Chính vì vậy, trong Chỉ thị 18/2007/CT-TTg một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường nhóm giải pháp tiền tệ đã được đặt ra.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát các chính sách điều hành tiền tệ để có biện pháp kiểm soát được mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và mức huy động tín dụng; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết lượng tiền trong lưu thông ở mức hợp lý; giữ bình ổn tỷ giá hối đoái, các lãi suất chủ đạo của đồng tiền Việt Nam. Kiểm soát thu chi ngân sách, giữ mức bội chi ngân sách trong khoảng 5% GDP.

Trong khi đó, Bộ Tài chính phải phát hành ngay trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc và tín phiếu kho bạc với nhiều kỳ hạn nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong lưu thông trên cơ sở giải ngân nhanh.

Thực tế, đứng trước nguy cơ tăng giá, ngay từ đầu năm 2006, NHNN đã khẳng định xu hướng giữ ổn định các lãi suất chủ đạo. Lãi suất cơ bản của đồng tiền Việt Nam được giữ ở mức 8,25%. Trong khi đó, một động thái mạnh khác là buộc các tổ chức tín dụng điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND và ngoai tệ từ 1/6/2007.

Bên cạnh đó, cùng với việc đưa tiền đồng mua USD vào dự trữ, NHNN cũng tích cực thông qua nghiệp vụ thị trường mở để bán tín phiếu NHNN, rút tiền mặt ra khỏi lưu thông. Trong 6 tháng đầu năm, số tiền được rút ra khỏi lưu thông qua thị trường mở là 89.550 tỷ đồng, so với 112 nghìn tỷ đồng được “bơm” ra mua USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối từ mức 13,6 tuần hồi cuối năm 2006 lên 20 tuần hiện nay.

Trao đổi với báo chí mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, NHNN cũng sẽ tăng khối lượng tín phiếu NHNN bán thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Hạn chế đến mức thấp nhất việc bơm tiền ra thông qua các kênh tái cấp vốn bằng cách: không cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá, trừ một số trường hợp đặc biệt; việc cho vay chiết khấu chỉ thực hiện trong hạn mức được phân bổ; tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế - tiền tệ và đánh giá tác động của việc tăng dự trữ bắt buộc đối với các hoạt động các tổ chức tín dụng để có giải pháp thích hợp.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chưa điều chỉnh các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất cơ bản để ổn định lãi suất thị trường…

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Tài chính và NHNN đã có những trao đổi để thực hiện các giải pháp tiền tệ một cách hiệu quả nhất. Các giải pháp vừa qua được Chính phủ đánh giá là thực hiện có hiệu quả và yêu cầu tiếp tục thực hiện để điều hành tiền tệ một cách hợp lý.

Cùng với kênh hút tiền thứ nhất là bán tín phiếu trên thị trường mở của NHNN, một kênh hút tiền nữa là Bộ Tài chính là phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc.

Theo ông Thỏa, dự kiến cả năm sẽ phát hành 35 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, tốc độ giải ngân thấp, nếu bình thường tiến độ phát hành trái phiếu có thể sẽ phải chậm lại. Tuy nhiên, do tình hình cấp bách thì phải làm nhanh để rút tiền ra khỏi thị trường nhưng cũng phải đẩy mạnh giải ngân có hiệu quả. Thực tế, Bộ Tài chính đã nâng số lần phát hành lên 2 lần mỗi tuần.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cũng cho biết, sẽ tổ chức ngay việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc với nhiều kỳ hạn nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong lưu thông, trên cơ sở giải ngân nhanh và đầu tư hiệu quả. Bộ đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước sớm triển khai vấn đề này. Lãi suất sẽ theo thị trường và rất cạnh tranh... để tham gia hút tiền lưu thông, giảm tổng phương tiện thanh toán xã hội.

Ông Thỏa nhấn mạnh, với tình hình hiện nay phải làm mạnh hơn để giảm áp lực. Thậm chí, cần thiết có thể xem xét để tăng dự trự bắt buộc… Bên cạnh đó, có thể báo cáo Chính phủ để điều chỉnh lại mức cung ứng tiền cả năm, dự kiến là mức 90 ngàn tỷ cho cả năm thì nay có thể phải xem lại. Về chi tiêu ngân sách không được để bội chi ngân sách quá 5%.

Theo Phước Hà
VietNamnet