Hướng tới nền nông nghiệp 100 tỷ USD
Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, nếu tái cơ cấu thành công, những “quả đấm thép” sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam tạo bước nhảy vọt mới, với giá trị GDP nông nghiệp có thể lên tới 100 tỷ USD mỗi năm.
Đúng là sau hơn 25 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta đã gặt hái được những thành tựu to lớn. Từ một nước nhập khẩu gạo, đến nay, Việt Nam đã đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp đang có dấu hiệu chững lại, hiệu quả rất thấp. Năm 2012, doanh thu bình quân trên mỗi héc-ta đất nông nghiệp chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng/năm, nhiều nơi người nông dân bỏ ruộng, chán ruộng.
Có thể nói, thành tích mà ngành nông nghiệp đạt được 25 năm qua là nhờ cơ chế Khoán 10 được ban hành, từ đó sức sản xuất nông nghiệp được giải phóng, tính tích cực của nông dân được phát huy cao độ.
Tuy nhiên, cơ chế ấy đã được chúng ta khai thác triệt để, không thể tạo ra đột phá nữa. Vì vậy, đã đến lúc phải tái cơ cấu toàn diện để tạo đột phá mới cho ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc trong những năm tới.
Để tạo bước nhảy vọt trong nông nghiệp như Khoán 10 đã tạo ra 25 năm trước, theo ông, cần những giải pháp nào?
Tái cấu trúc nền nông nghiệp nước ta là phải xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn. Muốn làm được điều này, trước hết, phải tích tụ ruộng đất.
Chính sách đất đai phải chuyển từ sở hữu toàn dân hiện nay sang đa sở hữu. Tiếp đó, phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo được những chuỗi giá trị và phải chọn lựa được những “quả đấm thép”, những sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao.
Đâu là những “quả đấm thép” có khả năng tạo đột phá cho ngành nông nghiệp, thưa ông?
Để lựa chọn đúng sản phẩm chủ lực, cần nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng, khí hậu, hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, theo tôi, có một số hướng có thể tính đến.
Ví dụ, trong chăn nuôi, bò sữa đang nổi lên là vật nuôi đáng chú ý. Trước đây, chúng ta cứ nghĩ bò sữa không phát triển được, nhưng thực tế lại phát triển rất mạnh. Năm 2012, tổng đàn bò sữa đạt 167.000 con. Nếu chúng ta nâng lên được 1 triệu con bò sữa, thì ngành chăn nuôi sẽ có đột phá lớn.
Về thủy sản, chúng ta cần phải nhanh chóng nắm bắt công nghệ mới để nuôi tảo xoắn, là loại rau thủy sản cao cấp có năng suất 60 - 80 tấn/ha/năm, hàm lượng protein 60 - 70%, giàu chất khoáng và vitamin, được đánh giá là nguồn protein vô tận của loài người trong thế kỷ 21, đã được một số nước trên thế giới nuôi trồng trên diện rộng.
Về lâm nghiệp, cần hướng sang cả sử dụng nguyên liệu sinh khối để sản xuất diesel sinh học. Với công nghệ mới, cứ 5 tấn sinh khối (thân cây, cành ngọn, lá) sản xuất được 1 tấn diesel sinh học. Dự báo, sản lượng sinh khối nước ta có khả năng sản xuất được 50 triệu tấn dầu quy đổi, với doanh thu 50 tỷ USD/năm, đem lại nguồn doanh thu tăng đột biến trong tổng giá trị ngành nông lâm nghiệp nước nhà.
Khó nhất là trồng trọt, vì liên quan đến cây lúa. Việt Nam xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, nhưng chỉ lợi cho một số doanh nghiệp, còn người nông dân lãi rất ít. Theo tôi, nên giảm bớt 2 triệu ha đất lúa chuyển sang các cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, như ngô, sắn, cỏ xanh…, để hạn chế nhập khẩu. Giảm diện tích, giá lúa gạo chắc chắn sẽ tăng gấp đôi và không còn tình trạng nông dân bỏ ruộng.
Theo ông, nếu tái cơ cấu thành công, khi nào nông nghiệp Việt Nam có được cú nhảy vọt tiếp theo?
Trong 10 - 15 năm tới, nông nghiệp khó có thể đột phá, tăng trưởng nhanh. Nhưng giai đoạn tiếp theo, nếu lựa chọn đúng sản phẩm chủ lực, chính sách đất đai có giải pháp đột phá, phát huy 100% hiệu quả của khoa học - kỹ thuật…, thì giá trị GDP nông nghiệp sẽ tăng lên 100 tỷ USD thay vì 20 tỷ USD như hiện nay.
Trong vòng 20 năm nữa, doanh thu bình quân mỗi héc-ta đất nông nghiệp có thể tăng từ 50 triệu đồng/năm hiện nay, lên 100 triệu đồng/năm.