Huawei đang đối mặt với một cuộc “khủng hoảng sống còn” dưới áp lực của Mỹ, người sáng lập của tập đoàn nói

(Dân trí) - Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Hoa Kỳ, trong đó hạn chế các doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm cho Huawei. Những hạn chế này đã được nới lỏng thêm 90 ngày nữa.

Huawei đang đối mặt với một cuộc “khủng hoảng sống còn” dưới áp lực của Mỹ, người sáng lập của tập đoàn nói - 1
Nhậm Chính Phi, người sáng lập và giám đốc điều hành của Huawei Technologies, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở của công ty tại Thâm Quyến, Trung Quốc, vào thứ ba, ngày 15 tháng 1 năm 2019.

Huawei đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sống còn dưới áp lực của chính phủ Mỹ, người sáng lập và CEO của tập đoàn, Nhậm Chính Phi nói với các nhân viên, khi ông đưa ra một chiến lược mới sắp tới cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.

Trong một bản ghi nhớ gửi cho các nhân viên của bộ phận mạng Huawei, được xem bởi CNBC, ông Nhậm đã đã mô tả tình hình hiện tại của công ty là một “trận chiến lớn”.

Vào tháng 5, công ty đã bị đưa vào danh sách đen của Hoa Kỳ - hay còn gọi là Danh sách các thực thể hạn chế của các doanh nghiệp Mỹ khi kinh doanh với các công ty Trung Quốc. Huawei đã dựa vào rất nhiều công nghệ của Mỹ từ phần mềm đến phần cứng.

Vào thứ Hai vừa rồi, chính quyền Mỹ đã gia hạn khoản bồi thường cho công ty viễn thông này trong 90 ngày. Các doanh nghiệp Mỹ có thể bán các sản phẩm cụ thể trong thời gian 90 ngày tới trước khi hoàn toàn bị cấm kinh doanh với Huawei.

“Bây giờ, công ty đang ở trong một cuộc khủng hoảng sống còn, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là khuyến khích tất cả các nhân viên hãy nỗ lực và cố gắng hơn nữa, thứ hai là hãy phát huy hết sức tài năng của mình, để thêm “dòng máu mới” vào hệ thống của công ty”, theo ông Nhậm. Ông nói rằng sẽ có một “dòng máu mới” trong công ty trong vòng ba đến năm năm tới.

Ông chủ Huawei đã vạch ra kế hoạch nhằm mang lại hiệu quả cao hơn cho tập đoàn. Điều này bao gồm đơn giản hóa cấu trúc tổ chức, cắt giảm nhân viên dư thừa, cắt giảm các công việc lặp đi lặp lại và chuyển các nhà quản lý sang các vị trí khác theo yêu cầu.

Ông cũng kêu gọi nhân viên hãy chú ý đến chất lượng của các hợp đồng mà họ đang ký với khách hàng để đảm bảo rằng Huawei được thanh toán đúng hạn và không phải chịu bất kỳ vấn đề khó khăn nào về dòng tiền.

Ông nói thêm rằng Huawei cũng sẽ đẩy nhanh việc mua các thiết bị quan trọng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Mối đe dọa an ninh đối với Mỹ

Công ty viễn thông Trung Quốc đã bị cuốn ngày càng sâu vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vì vậy, Huawei đã cố gắng từ bỏ sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Công ty đã thiết kế bộ xử lý riêng cho điện thoại thông minh của mình và gần đây đã phát hành một hệ điều hành mới cho các thiết bị di động khác nhau được gọi là Harmony OS.

Richard Yu, Giám đốc điều hành của bộ phận người tiêu dùng Huawei, cho biết họ muốn tiếp tục sử dụng hệ điều hành Android của Google, nhưng nếu không thể, tập đoàn có thể chuyển sang HarmonyOS, “ngay lập tức”.

Tổng thống Donald Trump đã gửi những tín hiệu vui buồn lẫn lộn trong vài tháng qua về số phận của Huawei tại Hoa Kỳ.

Vào tháng 5, ông nói rằng có khả năng Huawei sẽ được đưa vào một thỏa thuận thương mại. Nhưng cuối tuần này, ông Trump nói rằng ông không muốn làm ăn với Huawei vì đây là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo cho biết thông điệp từ chính quyền Mỹ là rõ ràng.

“Tổng thống Trump đã không rõ ràng. Tôi không nghĩ rằng có một thông điệp hỗn hợp nào ở đây cả”, ông Pompeo nói với CNBC. “Các mối đe dọa từ hệ thống viễn thông Trung Quốc bên trong các nhà mạng của Mỹ hoặc bên trong các nhà mạng trên khắp thế giới là rất lớn - một rủi ro an ninh quốc gia. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm cách giảm thiểu rủi ro đó hết mức có thể”

Hoa Kỳ đã nói rằng các sản phẩm của Huawei có nguy cơ cho phép các nhà chức trách Trung Quốc theo dõi người dùng Mỹ, điều mà công ty công nghệ Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận.

Thùy Dung

Theo CNBC