HSBC lạc quan về triển vọng ngân hàng và kinh tế Việt Nam

(Dân trí) - Trong khi hạ triển vọng tăng trưởng của Thái Lan, Malaysia…thì HSBC tin rằng Việt Nam đang trong quá trình hồi phục bất chấp nhu cầu vẫn còn mong manh và các yếu tố bên ngoài đang trở nên xấu hơn.

HSBC lạc quan về triển vọng ngân hàng và kinh tế Việt Nam
HSBC đánh giá tình hình ngành ngân hàng cũng như tăng trưởng ở Việt Nam tương đối tốt hơn so với  một số quốc gia ASEAN khác do thanh khoản dư thừa

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Tại báo cáo vĩ mô các nước Đông Nam Á (ASEAN) vừa công bố sáng nay, các chuyên gia HSBC cho rằng, trong nỗ lực để nâng đà tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Indonesia, NHNN Malaysia và NHNN Việt Nam sẽ cắt giảm thêm lãi suất vào quý II này trong khi các ngân hàng trung ương khác sẽ giữ các mức lãi suất thấp. 

Theo phân tích của HSBC, việc giảm giá tiền tệ có thể tạm thời thắt chặt các điều kiện tài chính trong nước nếu như việc đó nguyên nhân từ nguồn vốn chảy ra nước ngoài gây ra, bù lại hiệu ứng nới lỏng của việc cắt giảm lãi suất. Ở những thị trường mà nhu cầu đi vay hay nguồn cung tín dụng yếu (do sự bão hoà nợ, thay đổi khung pháp lý hoặc những triển vọng suy yếu ngày càng rộng khắp), việc cắt giảm lãi suất ít có hiệu quả trong việc thúc đẩy hoạt động. 

Trong thời điểm hiện tại ở khu vực ASEAN, đồng tiền suy yếu tại Malaysia và Indonesia có thể trung hoà những ảnh hưởng của việc cắt giảm lãi suất thêm, trong khi tại Thái Lan và Malaysia, mức độ nợ cao có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và làm ảnh hưởng đến tác động của việc nới lỏng. Trong khi đó, tại Indonesia, các tổ chức tài chính trong nước cẩn trọng hơn và những tác động kéo dài của việc thay đổi pháp lý cũng có thể làm nản lòng những hoạt động thúc đẩy nhu cầu trước mắt mà việc cắt giảm lãi suất chính sách có thể gây ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố này, cũng có một vài lý do kỹ thuật mà việc thay đổi lãi suất chính sách có thể khác nhau về mặt hiệu quả trong việc dàn xếp các điều kiện tài chính từ thị trường này sang thị trường bên cạnh. Về mặt cơ bản, những điều này liên quan đến lượng thanh khoản hiện có trong hệ thống tài chính. Ở những nơi nào thanh khoản dư thừa thì việc cắt lãi suất chính sách sẽ đóng vai trò nhỏ trong việc nới lỏng các điều kiện tài chính thêm nữa. Còn ở những nơi thanh khoản kém hơn thì những thay đổi lãi suất chính sách sẽ có tác động mạnh hơn.

Phân tích kỹ hơn, HSBC cho rằng, một khi những quan sát theo mùa của các ngân hàng trung ương được nhìn nhận kỹ lưỡng, tất cả các mức lãi suất chính sách không được tạo ra một cách tương tự nhau. Tính hiệu quả của các mức lãi suất này phụ thuộc vào ba yếu tố: chức năng, khả năng tiếp cận; và tài sản thế chấp thích hợp.

Giả định chung là khi một ngân hàng trung ương tăng lãi suất chính sách, họ đang cố gắng siết các điều kiện thanh khoản. Ngược lại, một khi một ngân hàng trung ương giảm lãi suất chính sách thì họ đang có gắng bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính. Suy luận này dựa trên vào những giả định rằng lãi suất chính sách có một chức năng để cho vay hay thu hút các khoản huy động vốn có gắn với lãi suất với những mục đích hoạt động và lãi suất này có thể tiếp cận được và liệu rằng có đủ các khoản thế chấp phù hợp để phục vụ cho những mục đích định trước. 

HSBC cho rằng, lãi suất chính sách toàn phần của NHNN Thái Lan và NHNN Việt Nam là những cái giá cho việc vay tiền từ NHNN, trong khi lãi suất chính sách chính của NHNN Philippines là mức lãi suất thu được từ việc gửi thêm tiền mặt với chính quyền. 

Lãi suất chính sách của Việt Nam chỉ hiệu quả khi thanh khoản bị siết chặt và lãi suất qua đêm cao hơn lãi suất thị trường mở OMO. Hiện tại, lãi suất chính sách được gọi là lãi suất thị trường mở OMO cho thời hạn 7 ngày. Khi lãi suất liên ngân hàng thấp hơn lãi suất OMO, các ngân hàng thông thường sẽ mượn từ NHNN, chuyển sang lãi suất OMO (5%) hay lãi suất tái cấp vốn “đắt đỏ” hơn (6,5%) nói chung chỉ là vấn đề của phương cách cuối cùng. Để rút thanh khoản, NHNN bán toàn bộ với mức lãi suất thấp hơn lãi suất OMO (sử dụng hình thức đấu giá kiểu Hà Lan).

Mặc dù nhấn mạnh vào việc nới lỏng trong quý II/2015, HSBC vẫn hạ triển vọng tăng trưởng của Malaysia từ 5,2% xuống còn 4,8%. Ở Thái Lan, NHNN Thái Lan đã cắt một đợt lãi suất trong quý I/2015, hạ các mức lãi suất ngắn hạn thấp hơn. Tuy nhiên HSBC cũng hạ dự đoán tăng trưởng GDP năm 2015 của Thái Lan từ 3,9% xuống còn 3,6% do các điều kiện thương mại và nội địa khá thất vọng. 

Ngược lại, tình trạng của Philippines và Việt Nam có vẻ tương đối tốt do thanh khoản dư thừa mặc dù lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam vẫn còn bị các khoản nợ xấu cao gây cản trở. Các khoản nợ của khối tư nhân của Việt Nam cũng lớn nhưng cũng đã giảm đáng kể kể từ giai đoạn đỉnh cao 2010 ở mức 125% của GDP. Việt Nam đang dính những khoản nợ nhưng quá trình cắt giảm nợ đang bắt đầu thực hiện. “Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang trong quá trình hồi phục, mặc dù nhu cầu vẫn còn mong manh và các yếu tố bên ngoài cũng đang xấu thêm; chính vì vậy tăng trưởng cũng chỉ cần cải thiện nhẹ” – báo cáo của HSBC nhận định.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”