Hot girl làm quả lớn, chấn động vụ án chiếm đoạt trăm tỷ ngân hàng
Hàng loạt vụ việc giả chữ ký, tất toán khống sổ tiết kiệm, nhận tiền gửi không đưa vào hệ thống, lập hồ sơ cho vay khống,... của cán bộ, nhân viên ngân hàng hòng chiếm đoạt cả nghìn tỷ đồng của khách.
Chiếm đoạt cả nghìn tỷ
Ngày 7/11, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phạm Gia Thọ, cán bộ Ngân hàng ANZ, mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, năm 2015, Thọ là Trưởng phòng quan hệ khách hàng thuộc Phòng giao dịch Nam Sài Gòn tại quận 7. Được giao nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm, tư vấn bán bảo hiểm, đề xuất cho vay thế chấp sổ tiết kiệm,... Thọ đã giả chữ ký của khách hàng có tài khoản tiết kiệm để đăng ký dịch vụ Internet Banking. Sau đó, Thọ chuyển tiền của khách vào tài khoản của mình hoặc người thân, chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng.
Ngày 21/11, TAND tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra xét xử sơ thẩm Văn Văn Nghĩa, cựu Chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng nhân dân Tân Tiến, 19 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, năm 2011 Nghĩa thành lập Quỹ tín dụng nhân dân Tân Tiến tại TP. Biên Hòa và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Từ tháng 6/2012 đến tháng 11/2017, Nghĩa mua lại 2 quỹ tín dụng Thanh Bình (TP. Biên Hoà) và Dầu Giây (huyện Thống Nhất) rồi huy động vốn với tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng, thông qua 6.310 sổ tiết kiệm. Số tiền huy động được, Nghĩa chỉ đạo nhân viên vay thật 146,1 tỷ đồng, còn 1.088 tỷ đồng thì để ngoài sổ sách kế toán, lập hồ sơ tín dụng cho vay khống, chi lương khống... Tổng cộng, Nghĩa chiếm đoạt 563,7 tỉ đồng.
Ngày 18/11/2019, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 4 bị can nguyên là giám đốc, nhân viên chi nhánh ngân hàng Đại Dương (OceanBank) tại Hải Phòng về tội tham ô tài sản.
Theo cáo trạng đầu tháng 9/2017, hàng chục khách hàng của OceanBank chi nhánh Hải Phòng mang sổ tiết kiệm đến rút tiền thì được báo số tiền của họ không có trên hệ thống. Cũng thời điểm này, 3 lãnh đạo và cán bộ của chi nhánh là Trần Thị Kim Chi, Lê Vương Hoàng và Nguyễn Thị Minh Huệ đột ngột biến mất. Các cơ quan tố tụng xác định, từ 2012-8/2017, Chi, Hoàng, Huệ và Chu Văn Nha đã lợi dụng sơ hở, nhận tiền gửi của khách nhưng không hạch toán vào hệ thống quản lý của ngân hàng; tất toán khống, lập khống hồ sơ vay cầm cố sổ tiết kiệm của khách hàng; phát hành 109 sổ tiết kiệm ngoài hệ thống cho 27 khách hàng, qua đó chiếm đoạt của OceanBank chi nhánh Hải Phòng gần 414 tỷ đồng; gây thiệt hại hơn 9,3 tỷ đồng (là tiền lãi của 107 sổ tiết kiệm phát sinh từ thời điểm khách hàng nhận tiền lãi lần cuối cùng đến khi vụ án bị phát hiện, khởi tố).
Ngày 14/11, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Hoài Thương (tức Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1984, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Thương từng giữ chức Phó Giám đốc Chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Phạm Hùng.
Nguyễn Hoài Thương đã lợi dụng chức vụ, chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm thủ tục để tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách hàng, chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng của ngân hàng này.
Trước đó, cuối 2018, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can với hai đối tượng liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng trong sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Việt Á. Đối tượng chính trong vụ án là Nguyễn Thị Hà Thành. Thành chỉ là cộng tác viên huy động vốn cho một số ngân hàng. Với thủ đoạn là trả trước lãi suất và tiền thưởng cho khách hàng, hoặc gửi tiền chung theo hình thức đồng sở hữu để được hưởng lãi cao hơn, sau đó Thành giữ sổ tiết kiệm của khách rồi giả chữ ký để tất toán cho khoản vay khác.
Kẽ hở đạo đức
Có thể nói, việc các tổ chức tín dụng liên tục bị chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền gửi thời gian gần đây cho thấy đang có kẽ hở cho những kẻ xấu, biến chất lợi dụng. Việc giả chữ ký, tất toán khống sổ tiết kiệm, nhận tiền gửi không đưa vào hệ thống, lập hồ sơ cho vay khống,... đang còn kẽ hở. Nhưng hơn hết đó chính là đạo đức của người làm nghề đã bất chấp tất cả, phạm luật để chiếm lợi
Một chuyên gia về ngân hàng cho rằng, NHNN cần ban hành những quy trình thủ tục chặt chẽ hơn, để bảo đảm quyền lợi người gửi tiền; đồng thời thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất về tiền gửi của cư dân. Nghiệp vụ cần thông báo cho người có sổ tiết kiệm mang đến đối chiếu tại ngân hàng.
Về phía các tổ chức tín dụng, cũng phải ban hành những quy định nội bộ chặt chẽ, phải thường xuyên luân chuyển cán bộ, đặc biệt cán bộ kiểm soát. Tốt nhất sau 2 năm luân chuyển 1 lần, bởi với khoảng thời gian ngắn, sẽ khiến cho các nhân viên không dám thông đồng cố ý rút tiền ra hoặc làm giả hồ sơ.
Với khác hàng gửi tiền, lãi suất là yếu tố quan tâm hàng đầu và ai cũng thích gửi tiết kiệm ở những tổ chức tín dụng có lãi suất cao, thưởng lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, khách hàng không nên quá tập trung vào lãi suất mà cần quan tâm tới các yếu tố khác như: uy tín, bề dày lịch sử, thương hiệu, chất lượng dịch vụ, tiện ích đi kèm của tổ chức tín dụng mà mình gửi tiền.
Ngoài ra nên tìm hiểu bằng nhiều cách, như dựa trên các đánh giá phản hồi từ các khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ của tổ chức tín dụng đó, đọc các thông tin liên quan về báo cáo tài chính quý, năm,... thường được công bố trên website hoặc trực tiếp trải nghiệm dịch vụ tư vấn của họ để có cái nhìn đa chiều hơn. Đây là việc cần làm để tránh trường hợp rủi ro như bị mất tiền.
Phải giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, không được để cho người khác “giữ hộ” với bất kỳ lý do nào. Bởi kẻ lừa đảo có thể giả chữ ký để tất toán trước hạn. Cùng với đó, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”. Hãy chia nhỏ số tiền rồi gửi ở các ngân hàng khác nhau, tránh gửi một khoản lớn vào một nơi. Những kẻ lừa đảo thường nhắm đến khách hàng có khoản tiền gửi lớn.
Theo Trần Thuỷ
VietnamNet