“Hốt bạc” nhờ kinh tế Nga xuống dốc
Jonas Nordlander không cảm thấy buồn vì kinh tế Nga lâm cảnh khó khăn trong thời gian này. Thay vào đó, những thách thức mà nền kinh tế Nga đang phải đương đầu lại giúp ích cho công việc làm ăn của ông.
“Giờ là lúc mọi người muốn bán tất cả mọi thứ đồ đạc bình thường trong nhà”, Norlander, 42 tuổi, một người Thụy Điển, cho biết. Số món đồ được rao bán trên trang Avito đã tăng 43% kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Nga bắt đầu cách đây 1 năm sau khi nước này sáp nhập Crimea. Tăng trưởng doanh số ở một số nhóm mặt hàng đã đạt tới mức “bùng nổ” - Norlander nói.
Câu chuyện thành công của Norlander cho thấy một thực tế lớn hơn: Trong khi hầu hết các doanh nghiệp ở Nga, bao gồm các công ty đa quốc gia như Carlsberg hay Volkswagen, đang khốn đốn vì nền kinh tế đi xuống, vẫn có một số ít công ty ăn nên làm ra.
Các cửa hiệu nữ trang ở Nga những ngày này đạt doanh số lớn do người dân lo ngại lạm phát cao tìm đến các món đồ trang sức như một cách để giữ tài sản. Các nhà sản xuất thịt và rau của Thổ Nhĩ Kỳ không kịp đóng hàng xuất sang Nga để lấp chỗ trống mà hàng châu Âu để lại sau khi Tổng thống Vladmir Putin ban lệnh cấm nhập loại thực phẩm từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hồi năm ngoái. Doanh số các loại thực phẩm hộp, vốn được xem là mặt hàng dành cho những lúc đói kém, tăng 10%, cao gấp đôi mức tăng trưởng toàn cầu.
Gần đây, thị trường tài chính Nga đã hồi phục nhờ giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, dần ổn định và căng thẳng ở miền Đông Ukraine cũng lắng dịu. Tuy vậy, nền kinh tế Nga vẫn đang cận kề một cuộc suy thoái sâu. Chính phủ Nga dự báo nền kinh tế nước này sẽ giảm 3% trong năm nay, một mức giảm mà giới phân tích cho là vẫn còn quá lạc quan. Đây sẽ là cuộc suy thoái đầu tiên của Nga kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Lạm phát ở Nga đã tăng vọt sau khi đồng Rúp mất giá 46% trong năm 2014. Cùng với đó, tiền lương thực tế của người Nga sụt giảm. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Nga, tiền lương thực tế ở nước này trong tháng 2 giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế khó khăn là một nhân tố dẫn tới nhu cầu của người Nga đối với các loại rau đóng hộp của công ty Pháp Bonduelle tăng mạnh. “Chúng tôi không kinh doanh trứng cá. Chúng tôi bán hàng bình dân. Những thứ chúng tôi có hấp dẫn người tiêu dùng vào lúc kinh tế khó khăn”, giám đốc điều hành (CEO) Christophe Bonduelle của công ty này phát biểu.
Bonduelle nói, doanh thu của công ty ở Nga thời gian này đang “tăng cao bất thường”. Lệnh cấm nhập thực phẩm từ châu Âu mà Tổng thống Putin đưa ra không áp dụng đối với thực phẩm đóng hộp.
Có lẽ, lạm phát là vấn đề khiến người Nga lo ngại nhất hiện nay. Nhiều người dân ở nước này còn chưa quên những ký ức kinh hoàng khi đồng Rúp bị phá giá vào năm 1998, đẩy tốc độ lạm phát lên mức hơn 100% chỉ vài tháng sau đó. Tốc độ lạm phát ở Nga hiện nay tuy chỉ bằng một phần mức lạm phát của năm 1998, nhưng vẫn là một con số đáng ngại. Tháng 2 vừa qua, tốc độ lạm phát ở nước này là 17%, so với mức 6% cùng kỳ năm trước.
“Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy lạm phát là vấn đề nhạy cảm nhất hiện nay ở Nga”, chuyên gia kinh tế Charles Movit thuộc công ty nghiên cứu IHS cho biết.
Nỗi lo sợ này là tin tốt cho Adamas, chuỗi 250 cửa hiệu bán lẻ trang sức trên khắp nước Nga. Doanh thu của chuỗi này tháng 12 năm ngoái tăng 40% do một số khách “sộp” mua nữ trang với số lượng lớn bất thường. Một người Moscow đã chi 2 triệu Rúp cùng lúc để mua trang sức vàng tại một cửa hiệu của Adamas. Một cửa hiệu của chuỗi này ở Sochi đã phải lấy thêm hàng trong kho của một cửa hiệu khác khi một khách hàng mang 5 triệu Rúp tới mua dây chuyền vàng.
Đồng Rúp mất giá cũng đem đến nhiều lợi ích cho các công ty Nga làm ăn ở nước ngoài. Với doanh thu là USD hoặc Euro, các doanh nghiệp này hưởng lợi khi đổi từ ngoại tệ sang đồng nội tệ Rúp. Hai tập đoàn năng lượng quốc doanh Rosneft và Gazprom của Nga cũng nằm trong nhóm những công ty hưởng lợi từ đồng Rúp mất giá, cho dù hai tập đoàn này phải “chịu trận” khi giá dầu giảm sâu.
Việc Nga cấm nhập thực phẩm châu Âu là cơ hội lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Xuất khẩu thịt của nước này sang Nga năm 2014 tăng gấp 9 lần, đạt khoảng 19,8 triệu USD. Xuất khẩu rau, quả của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga cũng tăng 21%.
Về phần mình, trang quảng cáo rao vặt lớn nhất ở Nga Avito cách đây ít hôm báo cáo doanh thu năm 2014 tăng 79%, đạt 4,3 tỷ Rúp. “Avito giờ đã rất lớn, giống như một chỉ số của nước Nga vậy”, nhà sáng lập Nordlander nói.
Theo Diệp Vũ
VnEconomy